Bị viêm dạ dày cấp nên ăn gì?

Viêm dạ dày cấp là bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Bệnh có thể tiến triển nặng hơn thành mãn tính hoặc những biến chứng trầm trọng nếu không có cách điều trị hợp lý. Trong đó, bị viêm dạ dày cấp nên ăn gì và viêm dạ dày cấp kiêng ăn gì là vấn đề quan trọng cần được bệnh nhân và người nhà quan tâm trong quá trình điều trị.

1. Viêm dạ dày cấp nên ăn gì?

Viêm dạ dày cấp là tình trạng phản ứng viêm diễn ra ở vùng niêm mạc dạ dày, thường biểu hiện một cách đột ngột với những triệu chứng điển hình như đau bụng dưới rốn dữ dội, ợ hơi, buồn nôn, nôn, chất nôn thường có mùi chua, có khi có máu, những triệu chứng toàn thân của phản ứng viêm như sốt cao 39 ̊C – 40 ̊C, môi khô, lưỡi bẩn...

Sau khi được chẩn đoán xác định thì người bệnh sẽ được áp dụng phác đồ điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, việc ăn uống cũng đóng vai trò hỗ trợ điều trị rất nhiều. Nguyên tắc chính trong quá trình ăn uống của người bị viêm dạ dày cấp đó là tránh để niêm mạc dạ dày tiếp xúc với những tác nhân có khả năng làm tăng thêm quá trình tổn thương niêm mạc, đồng thời ăn những thức ăn có tác dụng giảm sự tiết dịch vị của dạ dày để hạn chế nguy cơ diễn tính nặng nề hơn.

Một số lưu ý về dinh dưỡng và lối sống cho người bị viêm dạ dày cấp đó là:

  • Ăn những thức ăn có độ loãng, mềm và dễ dàng tiêu hóa
  • Ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường đề kháng cho niêm mạc dạ dày.
  • Ăn đủ bữa trong ngày và theo giờ phù hợp, không nên để quá đói rồi mới ăn.

Giải đáp viêm dạ dày cấp nên ăn gì?
Giải đáp viêm dạ dày cấp nên ăn gì?

  • Uống đủ nước để giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn, nên uống nước vào trước bữa ăn sáng khoảng 1 giờ và không nên uống quá nhiều nước sau bữa ăn no vì sẽ làm loãng dịch vị, dẫn đến đau dạ dày.
  • Một số phương pháp chế biến thức ăn được khuyên dùng đó là nghiền, băm nhỏ, xay nát, nấu nhừ, ưu tiên hấp thực phẩm.
  • Người bệnh nên nhai thật chậm và nuốt thức ăn từ từ để quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra dễ dàng hơn. Khi nhai thức ăn thì sẽ kích thích tiết nhiều nước bọt trong vòm họng hơn, từ đó sẽ giảm acid dạ dày, bảo hòa acid dạ dày rất có lợi trong quá trình điều trị viêm dạ dày cấp.
  • Ăn thức ăn loãng trong thời gian đầu, sau đó có thể từ từ chuyển sang những món ăn đặc hơn.
  • Không nên ăn uống quá no vì lúc này dạ dày sẽ tăng kích thước để chứa thức ăn, từ đó acid cũng tiết ra nhiều hơn gây đau dạ dày.
  • Hạn chế những căng thẳng và áp lực tinh thần trong cuộc sống để giảm kích thích thần kinh, từ đó sẽ giảm tiết dịch vị trong dạ dày hơn.
  • Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi để giảm căng thẳng, lo âu.

Các món ăn được khuyến cáo sử dụng trong quá trình điều trị viêm dạ dày cấp đó là:

  • Rau xanh: Rau xanh chứa nhiều khoáng chất và chất xơ, khiến quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra dễ dàng và nhanh chóng hơn.
  • Thực phẩm chứa lợi khuẩn như sữa chua giúp hệ tiêu hóa được cân bằng hơn.
  • Thực phẩm chứa Pectin như quả táo, quả dâu tây... giúp tăng cường và làm cân bằng hệ vi sinh vật trong dạ dày.
  • Ngũ cốc làm từ yến mạch là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, giúp cân bằng acid dư có trong dạ dày.
  • Thực phẩm chứa chất chống oxy hóa như nghệ, bông cải xanh, cà chua... Chất chống oxy hóa sẽ giúp niêm mạc dạ dày mau chóng hồi phục hơn, hạn chế khả năng tiến triển thành loét dạ dày.
  • Thực phẩm chứa các loại vitamin A, vitamin B, vitamin C và vitamin E như quả thanh long, khoai lang... khiến quá trình tái cấu trúc niêm mạc dạ dày diễn ra.

Xem ngay: Bệnh đau dạ dày không nên ăn gì?


Rau xanh là thực phẩm người viêm dạ dày cấp nên ăn
Rau xanh là thực phẩm người viêm dạ dày cấp nên ăn

2. Viêm dạ dày cấp kiêng ăn gì?

Một số loại thức ăn mà người bệnh nên tránh để quá trình viêm dạ dày không diễn biến nghiêm trọng hơn đó là:

  • Những loại đồ muối như dưa muối, các loại mắm, kim chi... Đây là những thực phẩm lên men khiến cho acid dạ dày có thể bị biến đổi, là nguy cơ dẫn đến bệnh lý ung thư dạ dày.
  • Những món ăn chế biến bằng phương pháp chiên, xào: Đây là những loại thức ăn rất khó tiêu, chứa nhiều chất béo gây kích thích và khiến cho dạ dày phải làm việc nhiều hơn để tiêu hóa chúng.
  • Đồ đông lạnh: Thông thường những loại thực phẩm này sẽ chứa chất bảo quản có hại đối với niêm mạc dạ dày.
  • Nước uống có ga: Đây là loại đồ uống chứa rất nhiều acid nên khiến tình trạng viêm loét dạ dày diễn ra nặng nề hơn.
  • Đồ ăn cay, nóng, tẩm ướp quá nhiều gia vị: Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến dạ dày tiết ra nhiều acid hơn. Ngoài ra thức ăn cay còn có thể phá hủy niêm mạc dạ dày rất nhiều.
  • Đồ ăn còn sống khiến niêm mạc dạ dày bị kích thích rất mạnh, gây ra tình trạng viêm dạ dày cấp, ngoài ra còn có thể gây nên tình trạng tiêu chảy sau đó.
  • Những chất kích thích như thuốc lá: Thuốc lá có chứa nicotin có thể khiến mạch máu hệ tiêu hóa co thắt, từ đó giảm nguồn máu nuôi đối với thành dạ dày, từ đó tình trạng viêm dạ dày diễn ra dễ dàng hơn do thiếu tế bào bảo vệ. Tương tự với thuốc lá, rượu, bia và cà phê cũng gây tác động tương tự đối với dạ dày.

Ngoài ra, một số loại thuốc như Aspirin, kháng viêm NSAID cũng gây tác dụng phụ đối với niêm mạc dạ dày. Vì vậy, cần báo với bác sĩ điều trị về những loại thuốc mà người bệnh đang sử dụng để có thể đổi sang một loại thuốc khác phù hợp hơn.

Đau dạ dày cấp nên ăn gì và không nên ăn gì là câu hỏi được đặt ra rất nhiều đối với những bệnh nhân mắc phải căn bệnh phổ biến này. Mặc dù không gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng nếu không điều trị đúng cách và thay đổi thói quen ăn uống thì viêm dạ dày cấp có thể diễn biến thành những bệnh lý nguy hiểm hơn đối với người bệnh.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe