U nang thận bản chất là những khối bất thường chứa dịch. Mặc dù đa phần u nang thận là lành tính nhưng vẫn có nguy cơ gây ra các biến chứng. Vậy bị u nang thận có nguy hiểm không?
1. U nang thận là gì?
Nhiều bệnh nhân thắc mắc bị u nang thận có nguy hiểm không? Để trả lời câu hỏi này việc đầu tiên chúng ta cần biết bệnh lý này là gì và nguyên nhân do đâu. U nang thận bản chất là những cấu trúc bất thường, hình tròn, bên trong chứa dịch xuất hiện ở 1 hoặc cả 2 bên thận, và hoàn toàn không nối thông với đài bể thận. Người bị u nang thận chủ yếu là trẻ em và độ tuổi trên 40, tuy nhiên bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt có trường hợp trẻ sơ sinh được xác định bị u nang thận có tính chất bẩm sinh.
Hiện nay, bệnh u nang thận được phân thành 3 thể như sau:
- U nang thận đơn độc: Đây là thể bệnh phổ biến nhất, chủ yếu xuất hiện ở vỏ thận và đa phần là lành tính. Nếu u nang thận đơn độc có kích thước lớn sẽ gây ra triệu chứng đau hông lưng, và đôi khi chèn ép vào nhu mô thận và ảnh hưởng đến chức năng thận. Khi đó bệnh nhân cần được phẫu thuật để loại bỏ dạng u nang thận này;
- Nhiều nang (ít nhất từ 2 nang trở lên): Xảy ra do sự tắc nghẽn của nhiều đơn vị thận;
- Đa nang: Nguyên nhân chủ yếu là di truyền, cụ thể là sự rối loạn cấu trúc khiến cho phần lớn nhu mô thận biến đổi thành các nang có chứa dịch bên trong.
Cho đến nay nguyên nhân chính xác gây ra u nang thận vẫn chưa được xác định, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng cao là do tình trạng ứ đọng nước tiểu trong thận. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác như thiếu máu hoặc tình trạng phá hủy cấu trúc các ống thận cũng có thể gây ra u nang thận. Một số trường hợp cá biệt xảy ra do các túi thừa bên trong ống thận tách ra và hình thành u nang thận.
Một số yếu tố nguy cơ sau cũng góp phần làm tăng nguy cơ bị u nang thận:
- Tuổi trên 50;
- Tiền sử mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu;
- Bệnh nhân đang phải chạy thận nhân tạo định kỳ;
- Tiền sử gia đình có người mắc các bệnh lý thận.
2. Triệu chứng của u nang thận
Hầu hết các trường hợp bị u nang thận đều không biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng nên đa phần chỉ phát hiện tình cờ hoặc khi bệnh đã gây ra các biến chứng. Trong trường hợp này, các triệu chứng lâm sàng của người bị u nang thận thường bao gồm:
- Đau vùng hông lưng kèm theo tiểu máu vì u nang thận kích thước lớn chèn ép vào các cơ quan khác;
- Rét run kèm sốt cao ở những bệnh nhân xuất huyết hoặc nhiễm trùng nang;
- Tăng huyết áp khi nang lớn chèn ép vào động mạch thận;
- Thận to, khi thăm khám có thể sờ thấy được trên lâm sàng.
3. U nang thận có nguy hiểm không?
Đa phần các trường hợp bị u nang thận hoàn toàn lành tính, không gây hại và do đó không cần điều trị. Tuy nhiên, u nang thận vẫn có nguy cơ bị nhiễm trùng, dù là tỷ lệ nhỏ, khiến bệnh nhân sốt cao và đau dữ dội. Khi đó u nang thận có nguy cơ vỡ ra và rò rỉ rất cao, dẫn đến biến chứng nghiêm trọng là nhiễm trùng huyết và đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Các trường hợp u nang thận có biến chứng thường đi kèm những dấu hiệu sau:
- Đau mạn sườn và hông lưng;
- Tiểu máu;
- Tăng số lượng bạch cầu kèm theo sốt;
- Hình thành sỏi thận, chủ yếu là sỏi calci oxalat;
- Huyết áp tăng cao trong suốt quá trình diễn biến bệnh.
4. Điều trị u nang thận
4.1. U nang thận đa phần không cần điều trị
Thông thường nếu u nang thận không có triệu chứng hoặc không ảnh hưởng đến chức năng thận thì việc điều trị là không cần thiết. Thay vào đó, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính định kỳ để kiểm tra xem kích thước u nang thận có thay đổi hay không, thuộc thể bệnh nào và có các biến chứng tiềm ẩn hay chưa.
Trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định điều trị phù hợp tại thời điểm u nang thận có triệu chứng hoặc có biến chứng ảnh hưởng chức năng thận. Một số trường hợp bệnh nhân bị u nang thận đơn độc tự biến mất sau một khoảng thời gian theo dõi.
4.2. Điều trị u nang thận có triệu chứng
U nang thận có nguy hiểm không được đánh giá theo kích thước và mức độ ảnh hưởng đến chức năng thận của khối nang. Nếu u nang thận biểu hiện triệu chứng hay có dấu hiệu tăng kích thước thì bác sĩ sẽ đề nghị các phương pháp điều trị như sau:
- Chọc hút u nang thận đơn thuần;
- Chọc dẫn lưu và tiêm xơ u nang thận;
- Cắt bỏ khối u nang bằng phẫu thuật;
- Nội soi cắt bỏ u nang thận.
Ngoài ra, các phương pháp điều trị thể u nang thận phức tạp hoặc có biến chứng có thể bao gồm:
- Lọc máu: Được chỉ định khi u nang thận gây biến chứng suy thận mạn giai đoạn cuối;
- Ghép thận nếu bệnh nhân đang trong tình trạng suy thận;
- Sử dụng thuốc kết hợp thay đổi lối sống để kiểm soát tình trạng tăng huyết áp.
Bệnh u nang thận có thể không nguy hiểm, tuy nhiên đôi khi khó chữa khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị u nang thận hiện nay chủ yếu nhằm cải thiện các triệu chứng nếu có và ngăn chặn u nang thận phát triển. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng không cần quá lo lắng, vì hầu hết trường hợp đều có thể sống chung khỏe mạnh với u nang thận khi tuân thủ các biện pháp điều trị của bác sĩ, chỉ số ít trường hợp cần lọc máu hay ghép thận.
5. Phòng ngừa u nang thận
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường lạnh vì đây là yếu tố nguy cơ khiến bệnh tiến triển nặng hơn;
- Hạn chế vận động quá sức hoặc tránh các chấn thương vùng hông lưng bởi nó dễ gây nhiễm trùng và vỡ u nang thận;
- Thực hiện các biện pháp để bảo vệ chức năng thận;
- Kiểm soát huyết áp ổn định;
- Tránh các yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng tiết niệu cũng như các loại nhiễm trùng khác;
- Duy trì thói quen uống ít nhất 1.5-2 lít nước mỗi ngày để đào thải độc tố ra khỏi thận.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về u nang thận có nguy hiểm không? Nếu có bất kỳ triệu chứng hay có băn khoăn nào thì người bệnh cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.