Hỏi
Chào bác sĩ,
Bé nhà cháu được 5 tháng tuổi, gần đây có hiện tượng xuất huyết nhẹ, gia đình đưa bé xuống viện để khám thì các bác sĩ chẩn đoán là giảm tiểu cầu, lúc xét nghiệm máu thì còn 5/150 tiểu cầu. Qua vài hôm thì bé bị bầm da và xuất huyết nhiều hơn, nhưng bé không bị sốt và rất ngoan, bác sĩ đang tiến hành chữa trị và hôm nay tiến hành lấy tủy để xét nghiệm. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu kèm nổi vết bầm da có sao không? Cháu cảm ơn bác sĩ.
Khách hàng ẩn danh
Trả lời
Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Vân Hạnh - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu kèm nổi vết bầm da có sao không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Xuất huyết giảm tiểu cầu là tình trạng giảm tiểu cầu trong máu xuống dưới 100.000 trong 1mm3 máu, nguyên nhân tiên phát (miễn dịch) thường gặp nhất là do trong cơ thể tự xuất hiện kháng thể chống lại tiểu cầu. Nguyên nhân thứ phát gây giảm tiểu cầu sau bệnh khác (suy tủy, bệnh bạch cầu cấp,...).
Giảm tiểu cầu gây tình trạng xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau, mức độ nặng của xuất huyết phụ thuộc tương đối vào mức độ giảm tiểu cầu, chia 4 mức độ:
- Nhẹ: Xuất huyết dưới da và niêm mạc nhẹ, tiểu cầu lớn hơn 50.000.
- Trung bình: Xuất huyết dưới da nhiều, xuất huyết niêm mạc nhẹ, tiểu cầu 20 -50.000.
- Nặng: Xuất huyết nhiều nơi, xuất huyết nội tạng (tiểu máu, xuất huyết tiêu hóa, tử cung,...), tiểu cầu nhỏ hơn 10.000
- Rất nặng: Xuất huyết nội tạng nặng, xuất huyết não (bỏ ăn, nôn, nhức đầu, quấy khóc..), tiểu cầu nhỏ hơn 10.000.
Trường hợp con của bạn, bé 5 tháng tuổi, bị xuất huyết giảm tiểu cầu., bé có tình trạng xuất huyết dưới da nhiều, chưa có xuất huyết huyết niêm mạc, số lượng tiểu cầu giảm nặng, chỉ còn 5/ 150. Như bạn mô tả, có thể xuất huyết của bé ở mức độ nặng, có nguy cơ xuất huyết nội tạng.
Như vậy bé cần được điều trị tích cực tại bệnh viện, cần được truyền khối tiểu cầu đề phòng xuất huyết nặng hơn, làm xét nghiệm tủy đồ để xác định nguyên nhân và dùng các thuốc miễn dịch nếu bé bị giảm tiểu cầu do nguyên nhân miễn dịch. Sau khi ổn định, bé cần được tái khám, xét nghiệm định kỳ và điều trị duy trì. Nếu xác định nguyên nhân giảm tiểu cầu là nguyên nhân miễn dịch, khoảng 70% sẽ tự khỏi sau khoảng 6 tháng, có khoảng 20% trẻ mắc bệnh này sẽ diễn biến thành mãn tính. Các bác sĩ sẽ giải thích kỹ hơn cho bạn khi có kết quả xét nghiệm tủy đồ.
Nếu bạn còn thắc mắc về trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.