Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Viêm mũi không dị ứng là tình trạng viêm niêm mạc mũi gây ra các triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi và nghẹt mũi. Nguyên nhân gây viêm mũi không dị ứng thường là do virus. Điều trị bao gồm dùng thuốc kháng histamin và làm ẩm không khí trong phòng.
1. Khái niệm viêm mũi không dị ứng
Viêm mũi là bệnh lý viêm đường hô hấp trên thường gặp do nhiều nguyên nhân, bao gồm viêm mũi do dị ứng và viêm mũi không dị ứng.
Viêm mũi không dị ứng là tình trạng viêm niêm mạc mũi làm giãn các mạch máu trong mũi, làm cho niêm mạc mũi ứ máu và chất nhầy, không phải nguyên nhân do dị ứng.
Một số dạng viêm mũi không dị ứng như:
- Viêm mũi cấp tính: Là biểu hiện của cảm lạnh thông thường với giãn mạch máu và phù niêm mạc mũi, chảy nước mũi, tắc nghẽn mũi. Các nguyên nhân khác gây viêm mũi cấp tính bao gồm nhiễm vi khuẩn staphylococcal, streptococcal và pneumococcal.
- Viêm mũi mạn tính: Thường kéo dài từ 30 đến 90 ngày với biểu hiện chảy nước mũi, chảy máu mũi, nghẹt mũi. Độ ẩm không khí thấp và các chất kích thích có thể dẫn đến viêm mũi mạn tính. Các nguyên nhân hiếm gặp như bệnh giang mai, lao, bệnh xơ cứng mũi, u hạt mũi xoang, nhiễm khuẩn leishmania, nấm, nhiễm nấm histoplasma.
- Viêm mũi teo: Niêm mạc mũi teo và xơ cứng. Tổn thương giải phẫu bệnh là sự thay đổi từ biểu mô trụ giả tầng thành biểu mô vảy tầng. Nguyên nhân chính xác chưa được biết nhưng bệnh viêm mũi teo liên quan đến tuổi cao, u hạt Wegener, sau phẫu thuật và nhiễm khuẩn.
- Viêm mũi vận mạch: Là tình trạng viêm mũi không dị ứng mạn tính. Biểu hiện của bệnh là chảy nước mũi trong và hắt hơi do sự ứ trệ máu ở niêm mạc mũi.
2. Nguyên nhân gây viêm mũi không dị ứng
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm mũi không dị ứng như:
- Kích thích từ môi trường sống và làm việc: Khói, bụi, khói thuốc hay mùi nước hoa có thể gây bệnh viêm mũi không dị ứng.
- Thay đổi thời tiết: Nhiệt độ hoặc độ ẩm thay đổi có thể làm cho viêm niêm mạc mũi dẫn đến chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
- Nhiễm trùng: Là nguyên nhân phổ biến của viêm mũi không dị ứng. Tác nhân thường gặp là virus (cảm lạnh hay cảm cúm), ngoài ra còn có thể do vi khuẩn.
- Thực phẩm và đồ uống: Thức ăn nóng hoặc cay, đồ uống có cồn cũng có thể gây viêm mũi, dẫn đến tắc nghẽn mũi.
- Thuốc: Một số thuốc có thể gây viêm mũi không dị ứng, bao gồm aspirin, ibuprofen, thuốc điều trị tăng huyết áp như thuốc chẹn beta, thuốc xịt thông mũi, thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai, thuốc an thần hoặc thuốc điều trị rối loạn cương dương.
- Thay đổi hormone: Thay đổi nội tiết do mang thai, chu kỳ kinh nguyệt, thuốc tránh thai đường uống hoặc sự thay đổi về hormone khác như suy giáp có khả năng gây viêm mũi.
3. Triệu chứng của bệnh viêm mũi không dị ứng
Các triệu chứng của viêm mũi không dị ứng bao gồm: Nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, ho, đờm nhầy trong họng. Ngoài ra, tuỳ theo dạng viêm mũi là người bệnh có biểu hiện lâm sàng khác nhau như:
- Viêm mũi cấp dẫn: Sốt nhẹ, chảy nước mũi, nghẹt mũi và hắt hơi.
- Viêm mũi mạn tính: Tương tự như viêm mũi cấp tính, nhưng nếu kéo dài hoặc nghiêm trọng, bệnh nhân cũng có thể có chảy mũi mủ, hôi; vảy mũi; và / hoặc chảy máu mũi.
- Viêm mũi teo: Hốc mũi rộng, vảy hôi, ngạt mũi, nhiễm khuẩn và mất khứu giác có thể tái phát và trầm trọng.
- Viêm mũi vận mạch: Bệnh xảy ra theo đợt với hắt hơi và chảy nước mũi trong. Niêm mạc mũi viêm phù nề đổi màu từ đỏ tươi sang tím.
4. Ai dễ bị bệnh viêm mũi không dị ứng?
Những người có yếu tố nguy cơ sau đây dễ mắc bệnh viêm mũi không dị ứng:
- Tiếp xúc với tác nhân kích thích như khói bụi, khí thải hoặc khói thuốc lá, vật liệu xây dựng, dung môi hoặc khói từ chất hữu cơ phân hủy.
- Người trên 20 tuổi
- Sử dụng thuốc nhỏ mũi hoặc thuốc xịt mũi kéo dài
- Nữ giới
- Một số bệnh lý mạn tính có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh viêm mũi không dị ứng, chẳng hạn như suy giáp
- Stress
5. Điều trị viêm mũi không dị ứng
Điều trị viêm mũi không dị ứng tùy theo biểu hiện lâm sàng. Đối với trường hợp nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà và tránh các tác nhân gây bệnh. Đối với các triệu chứng nặng hơn, một số thuốc có thể sử dụng như:
- Nước muối xịt mũi: Bình xịt nước muối nhỏ mũi hoặc dung dịch nước muối nhỏ mũi nhằm làm loãng chất nhầy và làm dịu niêm mạc mũi;
- Thuốc xịt mũi kháng histamine: Nếu thuốc kháng histamine đường uống không hiệu quả, có thể dùng thuốc xịt mũi kháng histamine để làm giảm các triệu chứng.
- Thuốc xịt mũi có chứa corticosteroid: Nếu nước muối xịt mũi hoặc thuốc xịt mũi kháng histamine không kiểm soát được các triệu chứng.
- Thuốc nhỏ mũi không chứa acetylcholin: Thường dùng nếu triệu chứng chảy nước mũi là chính. Một số tác dụng phụ như chảy máu cam và làm khô niêm mạc.
- Thuốc co mạch: Giúp giảm tắc nghẽn mũi. Tác dụng phụ có thể bao gồm huyết áp cao, tim đập nhanh và hồi hộp.
Ngoài ra, tuỳ theo dạng viêm mũi không dị ứng mà cách điều trị cũng khác nhau
- Viêm mũi do virus: Điều trị triệu chứng với thuốc co mạch, thuốc kháng histamin hoặc cả hai. Nếu viêm mũi do vi khuẩn cần phải cấy mủ làm kháng sinh đồ, xác định mầm bệnh,sự nhạy cảm với kháng sinh và điều trị bằng kháng sinh thích hợp.
- Viêm mũi teo: Điều trị bao gồm điều trị tại chỗ làm giảm vảy mũi và loại bỏ mùi thối với rửa mũi, thuốc kháng sinh, estrogen, vitamin A, D và phẫu thuật để làm giảm độ rộng của hốc mũi.
- Viêm mũi vận mạch: Làm ẩm không khí, thuốc corticosteroid tại chỗ và thuốc kháng histamine tại chỗ. Thuốc co mạch tại chỗ làm giảm các triệu chứng nhưng không khuyến cáo sử dụng lâu dài vì làm đặc chất nhầy và có thể gây hồi hộp, nhịp tim nhanh và mất nhạy cảm đối với các chất kích thích gây co mạch khác.
Tóm lại, viêm mũi không dị ứng là một bệnh rất thường gặp. Nguyên nhân gây bệnh tuy không phải do dị ứng nhưng một số chất có tính kích ứng mạnh như hóa chất, khói bụi... cũng làm niêm mạc mũi bị kích thích và viêm. Điều trị bao gồm tránh tiếp xúc với chất gây kích thích, rửa mũi để làm sạch mũi và dùng thuốc co mạch, thuốc kháng histamin. Phòng tránh bệnh bằng cách đeo khẩu trang tránh khói bụi để bảo vệ niêm mạc mũi khỏi các chất kích thích hoặc sử dụng nước rửa mũi sau khi tiếp xúc với chất kích thích.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: msdmanuals.com