Newgenasada là thuốc bôi da có xuất xứ từ Hàn Quốc, thường được chỉ định sử dụng để cải thiện khá nhiều vấn đề về da khác nhau. Vậy Newgenasada có tác dụng gì?
1. Thuốc bôi Newgenasada là thuốc gì?
Thuốc Newgenasada là thuốc được sản xuất bởi công ty Korea Arlico Pharm, Hàn Quốc. Thuốc bôi Newgenasada có hoạt chất chính bao gồm Betamethasone, Clotrimazole, Gentamicin với hàm lượng như sau:
- Betamethason (Betamethason dipropionat): hàm lượng 0,64mg - đây là một dạng corticosteroid tổng hợp có hoạt lực khá mạnh;
- Clotrimazol:100mg - thành phần hoạt chất có tính kháng nấm;
- Gentamicin (Gentamicin sulfate): 16,7mg - Kháng sinh có tác động mạnh lên các chủng vi khuẩn ưa khí gram âm, vi khuẩn gram dương, liên cầu, ngoài ra thuốc còn cho tác động lên một số loại phế cầu, tụ cầu khuẩn.
Thuốc bôi Newgenasada được bào chế dưới dạng kem bôi da, hộp 1 tuýp 10g.
2. Thuốc bôi Newgenasada công dụng là gì?
Thuốc bôi Newgenasada được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:
- Bệnh lý ở da do dị ứng: Chàm, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, hăm, viêm da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, vẩy nến, ngứa;
- Rụng tóc;
- Bỏng độ 1;
- Vết cắn của côn trùng;
- Viêm da do bội nhiễm;
- Nấm da: nấm da chân, nấm da thân, nấm da đầu, nấm da đùi...
3. Dược lực học của các thành phần có trong thuốc bôi Newgenasada
Betamethason là một hoạt chất thuộc nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid. Hoạt chất này đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị các tình trạng viêm da khu trú có đáp ứng với corticosteroid, nhờ vào cơ chế tác động chống viêm, chống ngứa và co mạch của Betamethasone.
Clotrimazol là hoạt chất kháng nấm cho tác động bằng cách thay đổi tính thấm của màng tế bào, thuốc sẽ gắn kết rõ rệt với các phospholipid trong màng tế bào nấm làm thay đổi tính thấm của màng. Ngược lại với kháng sinh polyene như amphotericin B, tác động của hoạt chất kháng nấm Clotrimazole ít phụ thuộc vào hàm lượng sterol trong màng tế bào. Sau khi thay đổi tính thấm, màng tế bào của nấm trở nên không còn khả năng làm hàng rào chọn lọc ion nữa, kali và các thành phần khác của tế bào sẽ bị mất đi.
Gentamicin là kháng sinh có tác động diệt khuẩn với cơ chế tác động chính xác vẫn chưa được xác định. Thuốc này được cho là ức chế sự tổng hợp protein ở các vi khuẩn nhạy cảm thông qua việc cách gắn kết không thuận nghịch vào tiểu đơn vị ribosome 30S.
4. Dược động học của thuốc Newgenasada
Betamethason dùng tại chỗ có thể được hấp thu qua da, tình trạng viêm hoặc bệnh lý khác trên da có thể làm mức độ tăng sự hấp thu của các corticoid tại chỗ. Nếu vết băng bít bề mặt da sẽ làm tăng sự hấp thu qua da của các corticoid tại chỗ.
Clotrimazol sử dụng tại chỗ có khả năng xuyên qua biểu bì, tuy nhiên việc hấp thu toàn thân ít khi xảy ra.
Gentamicin: Sự hấp thu toàn thân của hoạt chất này và các aminoglycosid khác đã được cảnh báo khi sử dụng tại chỗ trên da bị bóc trần, bỏng, có vết thương... Trong cơ thể, gentamicin và các aminoglycosid khuếch tán chủ yếu vào các dịch ngoại tế bào, ít có sự khuếch tán vào dịch não tủy ngay cả khi màng não bị viêm... Các Aminoglycosid khuếch tán nhanh chóng vào trong dịch tai trong, qua được nhau thai, một lượng nhỏ thuốc được phát hiện trong sữa mẹ. Thời gian bán hủy trong huyết tương của gentamicin từ 2 đến 3 giờ, tuy nhiên thời gian này có thể dài hơn ở trẻ sơ sinh và ở bệnh nhân có tình trạng tổn thương thận.
5. Liều dùng của thuốc bôi Newgenasada
Thuốc bôi Newgenasada được dùng bôi ngoài da với liều dùng như sau:
- Nên bôi một lớp mỏng thuốc bôi Newgenasada bao phủ toàn bộ bề mặt vùng da bị nhiễm bệnh và xung quanh đó, bôi 2 lần mỗi ngày, buổi sáng và tối. Để thuốc bôi Newgenasada phát huy tác dụng tốt cần sử dụng thuốc đều đặn.
- Thời gian trị liệu phụ thuốc bôi Newgenasada thuộc vào mức độ, vị trí của vùng da bệnh và đáp ứng của bệnh nhân, nếu không có cải thiện lâm sàng sau 3-4 tuần, nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để xem lại có nên tiếp tục điều trị với thuốc này hay không.
6. Tác dụng phụ của thuốc bôi Newgenasada
Khi sử dụng thuốc bôi Newgenasada, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn như sau:
- Tác dụng phụ của thuốc bôi Newgenasada trên da: Hiếm thấy viêm nang, nhọt, kích thích da, kích ứng, sốt, rát bỏng, phát ban, đỏ da, ngứa, khô, viêm da tiếp xúc do dị ứng, bệnh kê, bệnh mụn mủ... khi đó nên ngưng dùng thuốc và và hỏi ý kiến bác sĩ;
- Tác dụng phụ của thuốc bôi Newgenasada khi điều trị dài hạn: Khi điều trị dài hạn với Newgenasada, chứng teo da, điểm giãn mao mạch, ban xuất huyết, da bị vảy cá, rậm lông, loạn sắc tố có thể xảy ra;
- Hệ nội tiết: Sử dụng liều cao dùng cho diện rộng và điều trị lâu dài có thể dẫn đến suy giảm hypothalamus và suy yếu chức năng vỏ thượng thận;
- Tác dụng phụ của thuốc bôi Newgenasada trên mắt: tăng nhãn áp có thể xảy ra;
- Bội nhiễm: Nhiễm khuẩn là tình trạng có thể xảy ra do các chủng vi khuẩn không nhạy cảm với kháng sinh, khi đó nên ngừng dùng thuốc.
7. Chống chỉ định của thuốc bôi Newgenasada
Thuốc bôi Newgenasada chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Tiền sử nhạy cảm với bất kì thành phần nào của thuốc bôi Newgenasada;
- Bôi lên vết thương hở hoặc vùng niêm mạc;
- Nhiễm khuẩn do vi khuẩn lao, giang mai, candida, trichophyton, virus herpes simplex, herpes zoster, viêm da do ký sinh trùng...
- Loét da (kể cả bệnh behcet’s), bỏng trên độ 2;
- Viêm da quanh miệng, nổi mụn trứng cá thường, trứng cá đỏ;
- Tiền sử phản ứng mẫn cảm với Bacitracin, kháng sinh nhóm Aminoglycosid hoặc neomycin.
8. Thời kỳ mang thai, cho con bú có dùng thuốc bôi Newgenasada được không?
Do tính an toàn của corticoid dùng tại chỗ sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú hiện nay vẫn thai chưa được thiết lập, vì vậy thuốc chỉ nên dùng trong thời gian mang thai nếu lợi ích trị liệu cao hơn nguy cơ cho thai nhi. Trường hợp các mẹ đang cho con bú cũng nên tạm thời ngưng dùng thuốc hay ngưng cho con bú để tránh các tác dụng phụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.