Quan niệm thông thường hay nghĩ là “bệnh phổi” là loại bệnh lý lây nhiễm phổ biến: lao phổi. Chính vì vậy, do trong một vài trường hợp, vì giấu bệnh ung thư mà bác sĩ hoặc người nhà đã nói tránh thành “bệnh phổi”. Câu hỏi là ung thư phổi giai đoạn cuối có lây nhiễm không có thể là thắc mắc của một số người và câu trả lời là không.
Ung thư phổi giai đoạn cuối, hay bất kỳ giai đoạn nào khác của bệnh ung thư phổi, đều không có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Hãy cùng tìm hiểu lý do vì sao nhiều người lầm tưởng ung thư phổi có thể lây lan trong bài viết dưới đây.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của TS.BS Lê Tấn Đạt - Bác sĩ Nội Ung bướu - Trưởng Đơn nguyên Nội Ung bướu - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối có lây không?
Nếu ai đó thắc mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối có lây không thì đừng lo lắng, ung thư phổi không lây nhiễm như các bệnh truyền nhiễm thông thường.
Dù có tiếp xúc gần gũi, quan hệ tình dục, hôn, ăn chung đồ ăn hoặc hít chung không khí với người bệnh ung thư, thì người tiếp xúc cũng không thể bị “lây nhiễm” ung thư. Bởi hệ miễn dịch khỏe mạnh của con người có khả năng nhận biết và tiêu diệt các tế bào lạ, bao gồm cả tế bào ung thư từ người khác.
2. Những lý do khiến mọi người nghĩ ung thư phổi có thể lây lan:
Như đã biết, ung thư phổi tuy không lây truyền nhưng một số trường hợp đặc biệt có thể khiến mọi người nghĩ rằng ung thư phổi có thể lây lan:
2.1 Do nhiễm trùng
Ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng không lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên một số loại vi khuẩn có thể góp phần hình thành một số bệnh ung thư nhất định (ví dụ: HPV và ung thư cổ tử cung), dẫn đến hiểu lầm rằng ung thư có thể lây lan.
2.2 Do lây truyền trong gia đình
Nếu ung thư có thể lây nhiễm, ung thư sẽ dễ dàng lây lan giữa người với người, dẫn đến các đợt bùng phát giống như cúm. Chúng ta sẽ thấy tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao trong gia đình và bạn bè của người bệnh. Thực tế hoàn toàn ngược lại. Tuy tỷ lệ mắc ung thư cao hơn ở một số gia đình nhất định, điều này không đồng nghĩa với việc ung thư lây truyền trong gia đình. Lý do cho hiện tượng này bao gồm:
- Các thành viên trong gia đình chung một gen di truyền.
- Lối sống gia đình tương đồng, ví dụ như chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, hút thuốc lá… có thể góp phần gia tăng nguy cơ ung thư cho các thành viên.
- Tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư trong môi trường sống chung cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư của nhiều thành viên trong gia đình.
2.3 Do lây nhiễm trong nhóm bệnh nhân ung thư
Một số người nghĩ rằng ung thư phổi có thể lây lan vì thấy một số nhóm bệnh nhân ung thư từng tiếp xúc với nhau. Tuy nhiên, tỷ lệ ung thư trong những nhóm này thường thấp hơn so với cộng đồng chung.
Rất hiếm khi tỷ lệ ung thư trong một nhóm bệnh nhân cao hơn và ngay cả khi xảy ra, cũng khó xác định liệu nguyên nhân chính là do lây nhiễm hay do các yếu tố khác như tiếp xúc với tác nhân gây ung thư hoặc lối sống.
2.4 Do lây nhiễm trong quá trình ghép tạng
Mặc dù hiếm gặp, ung thư có thể phát triển ở người nhận tạng từ tế bào ung thư của người hiến tặng. Hệ miễn dịch thông thường sẽ tiêu diệt các tế bào lạ nhưng thuốc ức chế miễn dịch dùng sau ghép tạng lại vô hiệu hóa khả năng này, tạo điều kiện cho ung thư phát triển.
Tuy nhiên, người hiến tạng đều được sàng lọc ung thư kỹ lưỡng để giảm thiểu nguy cơ này. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ ung thư cao hơn ở người được ghép tạng nhưng nguyên nhân chính có thể là do thuốc ức chế miễn dịch chứ không phải do ung thư lây nhiễm từ người hiến tặng. Việc sử dụng thuốc này làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị tổn thương bởi các tế bào ung thư và virus.
2.5 Do lây nhiễm khi mang thai
Mặc dù phụ nữ mang thai có thể mắc ung thư phổi, nhưng ảnh hưởng của ung thư đến thai nhi thường rất hiếm gặp. Một số ít trường hợp ung thư có thể di chuyển từ mẹ sang nhau thai, tuy nhiên phần lớn các loại ung thư không tác động trực tiếp đến thai nhi.
3. Những người mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối nên làm gì?
Thật đáng buồn khi biết rằng, ngay cả trong thời đại ngày nay, vẫn còn nhiều người xa lánh những người thân yêu mắc bệnh ung thư. Điều này vô tình khiến bệnh nhân phải đối mặt với căn bệnh quái ác một mình, càng thêm cô lập và suy sụp tinh thần.
Hãy nhớ rằng, bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối mà đôi khi được dân gian nói tránh thành “bệnh phổi” giai đoạn cuối là bệnh không lây nhiễm. Việc xa lánh người bệnh không những không giúp ích gì mà còn khiến họ tổn thương và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều trị. Thay vì e dè, hãy mạnh dạn kết nối và thể hiện sự quan tâm, động viên dành cho bệnh nhân.
Bài viết trên thảo luận về việc ung thư phổi có lây hay không và lý do có người lầm tưởng rằng bệnh có thể lây như các bệnh truyền nhiễm. Trên thực tế, ung thư nói chung, đặc biệt là ung thư phổi, dù ở giai đoạn nào cũng không thể lây nhiễm cho người khác Do đó, mọi người hoàn toàn có thể yên tâm tiếp xúc, chăm sóc người bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối mà không ngại việc bị lây nhiễm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.