Suy tim sung huyết hay còn gọi với tên suy tim, là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm gây ảnh hưởng lên sức bơm máu của cơ tim. Tìm hiểu những thông tin về định nghĩa, nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và chẩn đoán bệnh lý suy tim sung huyết sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị, đồng thời hạn chế được những biến chứng nghiêm trọng.
1. Suy tim sung huyết là gì?
Suy tim đôi khi được gọi là suy tim sung huyết (Congestive Cardiac Failure - CCF), là tình trạng cơ tim bị suy yếu và không thể bơm tốt như bình thường. Các buồng bơm chính của tim (tâm thất) có thể thay đổi kích thước và độ dày, không co lại hoặc giãn ra như bình thường. Điều này gây ra tình trạng giữ nước, đặc biệt là ở phổi, chi dưới và bụng.
Suy tim là một rối loạn phổ biến trên toàn thế giới với tỷ lệ mắc và tử vong cao. Nó có tỷ lệ phổ biến ước tính là 26 triệu người trên toàn thế giới và góp phần làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới.
Phân loại suy tim dựa trên các triệu chứng và phân suất tống máu thất trái (LVEF). Suy tim do rối loạn chức năng thất trái được phân loại thành :
- Suy tim có giảm phân suất tống máu (HFrEF): Suy tim với phân suất tống máu (EF) dưới 40%.
- Suy tim có phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF): Suy tim với phân suất tống máu (EF) từ 40% đến 50%.
- Suy tim có phân suất tống máu giảm nhẹ (HFmrEF): Suy tim với phân suất tống máu (EF) lớn hơn 50%.
Phân loại suy tim sung huyết theo vị trí :
- Suy tim trái.
- Suy tim phải.
- Suy tim toàn bộ.
Yếu tố nguy cơ gây suy tim:
- Bệnh mạch vành: Động mạch bị hẹp có thể hạn chế cung cấp máu giàu oxy nuôi dưỡng tim, dẫn đến cơ tim bị suy yếu.
- Nhồi máu cơ tim là một dạng của bệnh mạch vành cấp tính. Tổn thương cơ tim do nhồi máu cơ tim có nghĩa là tim không còn có thể bơm tốt như bình thường.
- Bệnh van tim: Các bệnh lý van tim khiến van tim không hoạt động bình thường. từ đó làm tăng nguy cơ suy tim.
- Huyết áp cao.
- Nhịp tim không đều: Nhịp tim bất thường, đặc biệt là nếu chúng rất thường xuyên và nhanh, có thể làm suy yếu cơ tim và gây suy tim.
- Bệnh tim bẩm sinh: Một số bệnh tim bẩm sinh ảnh hưởng đến cấu trúc hoặc chức năng của tim.
- Đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và bệnh động mạch vành.
- Một số loại thuốc điều trị đái tháo đường, thuốc chống viêm không steroid (NSAID); một số loại thuốc gây mê và thuốc được sử dụng để điều trị huyết áp cao... có thể dẫn đến suy tim.
- Một số bệnh lý như ung thư, các bệnh về máu, nhịp tim không đều hoặc bất thường, các bệnh về hệ thần kinh, tình trạng sức khỏe tâm thần, các vấn đề về phổi và tiết niệu, bệnh nhiễm trùng, nhiễm virus.
- Lạm dụng rượu bia, thuốc lá.
- Chứng ngưng thở lúc ngủ: Bệnh lý này dẫn đến nồng độ oxy trong máu thấp và tăng nguy cơ nhịp tim không đều.
- Thừa cân, béo phì.
2. Chẩn đoán suy tim sung huyết
2.1 Chẩn đoán qua triệu chứng lâm sàng
Các triệu chứng chính:
- Cơn khó thở kịch phát về đêm hay khó thở phải ngồi dậy.
- Tĩnh mạch cổ nổi.
- Rales ở phổi.
- Giãn buồng tim.
- Phù phổi cấp.
- Tiếng tim T3.
- Áp lực tĩnh mạch hệ thống > 16 cmH2O.
- Thời gian tuần hoàn > 25 giây.
- Phản hồi gan tĩnh mạch cổ (+).
Các triệu chứng phụ:
- Phù cổ chân.
- Khó thở khi gắng sức.
- Ho chủ yếu về đêm.
- Gan lớn.
- Tràn dịch màng phổi.
- Dung tích sống giảm đi 1/3 so với chỉ số tối đa.
- Nhịp tim nhanh > 120 lần/phút.
Chẩn đoán suy tim sung huyết khi có 2 triệu chứng chính và 1 triệu chứng chính kèm 2 triệu chứng phụ.
2.2. Chẩn đoán cận lâm sàng
- Xét nghiệm máu: Được thực hiện để tìm kiếm các dấu hiệu của các bệnh có thể ảnh hưởng đến tim.
- Chụp Xquang lồng ngực: Hình ảnh X-quang có thể cho thấy tình trạng của phổi và tim như tràn dịch màng phổi, bóng tim lớn...
- Điện tâm đồ (ECG).
- Siêu âm tim: Cho thấy kích thước, cấu trúc của tim, van tim và lưu lượng máu qua tim. Siêu âm tim có thể được sử dụng để đo phân suất tống máu, cho biết tim đang bơm máu tốt như thế nào và giúp phân loại suy tim và hướng dẫn điều trị.
- Các bài kiểm tra căng thẳng đo lường sức khỏe của tim trong quá trình hoạt động.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) lồng ngực cho thấy những tổn thương thực thể tại tim.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI). Trong MRI tim, bạn nằm trên bàn bên trong một chiếc máy dài, giống như hình ống. Sóng vô tuyến tạo ra hình ảnh của tim.
- Chụp mạch vành: Đánh giá bệnh lý mạch vành.
- Sinh thiết cơ tim: Xét nghiệm này có thể được thực hiện để chẩn đoán một số loại bệnh cơ tim gây suy tim. Phương pháp chẩn đoán này ít được sử dụng trên lâm sàng.
3. Bệnh suy tim suy huyết có chữa được không?
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp từ nội khoa đến ngoại khoa được áp dùng để điều trị bệnh lý suy tim suy huyết và đã cho thấy những hiệu quả nhất định.
3.1. Điều trị suy tim sung huyết bằng phương pháp nội khoa
Trên lâm sàng, suy tim sung huyết được điều trị bằng sự kết hợp của nhiều loại thuốc. Tùy thuộc vào các triệu chứng, có thể dùng một hoặc nhiều loại thuốc, bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE): Những loại thuốc này làm giãn mạch máu để giảm huyết áp, cải thiện lưu lượng máu và giảm áp lực cho tim. Bao gồm: Enalapril, Lisinopril, Captopril...
- Thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II: Những loại thuốc này, bao gồm Losartan, Valsartan, Candesartan... có nhiều lợi ích giống như thuốc ức chế men chuyển. Chúng có thể là một lựa chọn cho những người không thể dung nạp thuốc ức chế men chuyển.
- Thuốc chẹn beta: Có tác dụng làm chậm nhịp tim và giảm huyết áp, đồng thời làm giảm các triệu chứng của suy tim, cải thiện chức năng tim. Ví dụ như Carvedilol, Metoprolol, Bisoprolol...
- Thuốc lợi tiểu: Giúp ngăn chất lỏng tích tụ trong cơ thể, vì thuốc lợi tiểu khiến cơ thể mất Kali và Magie nên bác sĩ cũng có thể kê đơn bổ sung các khoáng chất này.
- Thuốc đối kháng Aldosterone: Spironolactone, Eplerenone... Đây là những thuốc lợi tiểu giữ Kali. Các loại thuốc này có thể làm tăng nồng độ kali trong máu của bạn đến mức nguy hiểm.
- Digoxin: Còn được gọi là digitalis, làm tăng sức mạnh của các cơn co thắt cơ tim của bạn. Digoxin có xu hướng làm chậm nhịp tim. Digoxin làm giảm các triệu chứng suy tim trong suy tim tâm thu. Thuốc có thể được cấp cho những người có vấn đề về nhịp tim, chẳng hạn như rung nhĩ.
- Hydralazine và isosorbide dinitrate (BiDil). Sự kết hợp thuốc này giúp thư giãn các mạch máu. Được sử dụng trong các trường hợp suy tim có các triệu chứng nghiêm trọng và thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn beta không có tác dụng.
- Vericiguat: Loại thuốc mới hơn cho bệnh suy tim mãn tính này được dùng mỗi ngày một lần bằng đường uống. Giảm thời gian nằm viện và tỷ lệ tử vong do suy tim sung huyết.
- Các loại thuốc khác: Ví dụ như Nitrat để giảm đau ngực, Statin giảm cholesterol hoặc thuốc kháng đông để giúp ngăn ngừa cục máu đông.
3.2. Điều trị ngoại khoa
- Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: Nếu các động mạch bị tắc nghẽn nghiêm trọng gây suy tim.
- Sửa chữa hoặc thay thế van tim.
- Máy khử rung tim cấy ghép (ICD): Được sử dụng để ngăn ngừa các biến chứng của suy tim.
- Liệu pháp tạo nhịp tái đồng bộ tim (CRT).
- Thiết bị hỗ trợ tâm thất (VADs).
- Ghép tim: Chỉ định cho bệnh nhân bị suy tim nặng đến mức phẫu thuật hoặc dùng thuốc không cải thiện được tình trạng.
4. Bệnh suy tim sung huyết có nguy hiểm không?
4.1. Biến chứng suy tim sung huyết
Các biến chứng của suy tim phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, sức khỏe tổng thể bệnh nhân và các yếu tố khác. Các biến chứng bao gồm:
- Suy thận: Suy tim có thể làm giảm lưu lượng máu đến thận, cuối cùng có thể gây suy thận nếu không được điều trị. Suy thận có thể phải lọc máu để điều trị.
- Các vấn đề về van tim: Các van của tim giữ cho máu lưu thông theo đúng hướng, có thể không hoạt động bình thường nếu cơ tim bị giãn hoặc nếu áp lực trong tim rất cao do suy tim.
- Các vấn đề về nhịp tim: Khi bị rối loạn nhịp tim, các buồng tim không hoạt động tốt, điều này làm ảnh hưởng đến khả năng lưu thông máu giàu oxy của tim. Ngoài việc không bơm máu đúng cách, rối loạn nhịp tim có thể khiến máu bị ngưng trệ, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn, từ đó di chuyển đến não dẫn đến đột quỵ.
- Tổn thương gan: Suy tim có thể gây ra sự tích tụ máu ngoại biên gây áp lực quá lớn lên gan. Sự ứ máu này có thể dẫn đến suy gan, xơ gan, khiến gan của bạn khó hoạt động bình thường hơn.
- Chức năng phổi: Với suy tim sung huyết, tim không thể đưa máu vào và ra khỏi phổi nhanh chóng, điều này tạo điều kiện cho máu trở lại phổi. Áp lực cộng thêm lên các mạch máu trong phổi có thể tạo điều kiện cho máu tích tụ trong phế nang, gây phù phổi, điều này có thể làm cho việc thở trở nên khó khăn hơn.
- Suy giảm năng lượng: Vì tim không thể cung cấp đủ oxy cho các cơ quan trong cơ thể, bệnh nhân sẽ không thể tham gia vào bất kỳ hoạt động nào đòi hỏi phải gắng sức.
4.2. Tiên lượng
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, vào tháng 12 năm 2015 đã báo cáo tỷ lệ tử vong liên quan đến suy tim giảm từ 103,1 ca tử vong trên 100.000 dân năm 2000 xuống 89,5 vào năm 2009 nhưng sau đó tăng lên 96,9 vào năm 2014.
Trong báo cáo có lưu ý rằng xu hướng tương quan với sự chuyển dịch từ bệnh tim mạch vành là nguyên nhân cơ bản gây tử vong do suy tim sang các bệnh chuyển hóa và các nguyên nhân không liên quan đến tim mạch khác của suy tim sung huyết như béo phì, tiểu đường, khối u ác tính, bệnh phổi mãn tính và bệnh thận.
Tỷ lệ tử vong sau khi nhập viện vì suy tim sung huyết ước tính vào khoảng 10% sau 30 ngày, 22% sau 1 năm và 42% sau 5 năm. Điều này có thể tăng lên hơn 50% đối với bệnh nhân suy tim giai đoạn muộn.
Tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân suy tim được đánh giá qua thang điểm Ottawa.
- 1 điểm cho các dấu hiệu sau:
- Tiền sử đột quỵ hay cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua.
- Độ bão hòa oxy SpO2 < 90%
- Nhịp tim > 110 lần/phút trong bài kiểm tra đi bộ 3 phút.
- Thay đổi điện tâm đồ do thiếu máu cục bộ cấp tính.
- Mức NT-proBNP > 5000 ng/L
- 2 điểm cho các dấu hiệu sau :
- Tiền sử thở máy vì suy hô hấp.
- Nhịp tim > 110 lần/phút khi nói chuyện.
- BUN máu > 33,6 mg/dl (12 mmol/L)
- Mức bicarbonate huyết thanh > 35 mg/ngày
Thang điểm này tiên lượng nguy cơ tử vong trong 14 ngày, tái nhập viện và hội chứng mạch vành cấp tính ở những bệnh nhân đến khoa cấp cứu với các triệu chứng của suy tim để giúp đưa ra kế hoạch xử trí an toàn. Những bệnh nhân có điểm 0 được coi là có nguy cơ thấp. Điểm số 1 - 2 được coi là rủi ro trung bình, điểm số 3 - 4 được coi là rủi ro cao và điểm số 5 trở lên được coi là rủi ro rất cao.
Suy tim sung huyết là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm với những biến chứng nặng nề và tiên lượng tử vong tương đối cao. Vì thế, việc phát hiện sớm bệnh lý này cũng như điều trị đúng cách sẽ giúp nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân, đồng thời hạn chế được những biến chứng nghiêm trọng và góp phần tăng tuổi thọ cho những bệnh nhân suy tim sung huyết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.