Phân suất tống máu (EF) – chỉ số quan trọng trong chẩn đoán suy tim

Suy tim phân suất tống máu bảo tồn thường xuất hiện ở người lớn tuổi và là kết quả của nhiều bệnh lý khác nhau. Tỷ lệ tử vong của tình trạng này tương đương với suy tim phân suất tống máu giảm nhưng hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả.

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Phong, Bác sĩ Nội và Can thiệp Tim mạch, Trung Tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City

1. Suy tim phân suất tống máu bảo tồn là gì?

Ngày nay, có nhiều bệnh nhân vẫn chưa có kiến thức đầy đủ về ý nghĩa và giá trị của chỉ số này. Phân suất tống máu (EF - Ejection Fraction), hay được gọi chính xác hơn là phân suất tống máu của thất trái, là một chỉ số quan trọng trong việc đánh giá chức năng tâm thu của thất trái. Nó thể hiện lượng máu thực tế được bơm ra khỏi thất trái và đưa vào động mạch chủ sau mỗi nhịp tim so với tổng lượng máu chứa trong thất trái trước mỗi chu kỳ bơm.


Suy tim phân suất tống máu bảo tồn là một trong những chỉ số quan trọng cho bác sĩ nhận biết tình trạng bệnh của bạn
Suy tim phân suất tống máu bảo tồn là một trong những chỉ số quan trọng cho bác sĩ nhận biết tình trạng bệnh của bạn

EF = (Thể tích cuối tâm trương thất trái – Thể tích cuối tâm thu thất trái)/Thể tích cuối tâm trương thất trái x 100%

Theo Hiệp hội tim mạch New York (NYHA), phần trăm EF ở những người khỏe mạnh thường là > 50%. Tuy nhiên, dữ liệu từ Viện Tim mạch Việt Nam (VNHA) cho thấy chỉ số EF bình thường của người Việt nam trong khoảng 63±7%.

Ngoài các dấu hiệu lâm sàng, thông tin về tiền sử bệnh, và kết quả xét nghiệm máu, phân suất trữ máu đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá chức năng của thất trái trong hệ thống tuần hoàn của bệnh nhân mắc hội chứng suy tim.

Bệnh suất và tỷ lệ tử vong của suy tim phân suất tống máu bảo tồn (heart failure with preserved ejection fraction - suy tim PSTM bảo tồn) tương tự như suy tim phân suất tống máu giảm (heart failure with reduced ejection fraction - suy tim PSTM giảm), nhưng hiện vẫn chưa có các biện pháp điều trị hiệu quả.

2. Phân loại các tình trạng suy tim phân suất tống máu

2.1 Bệnh suy tim với phân suất tống máu giảm (heart failure with reduced ejection fraction EF <40%)

Còn được biết đến là hội chứng suy tim tâm thu, các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên chủ yếu tập trung vào nhóm bệnh nhân mắc bệnh suy tim với phân suất tống máu giảm, và đến nay đã có rất nhiều các liệu pháp điều trị hiệu quả đã được chứng minh.

2.2 Suy tim với phân suất tống máu bảo tồn (heart failure with preserved ejection fraction EF> 50%)

Thường được biết đến là "suy tim tâm trương," suy tim có phân suất tống máu bảo tồn (PSTMBT) được xác định bằng nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Chẩn đoán hội chứng suy tim PSTMBT đặt ra một thách thức, đặc biệt do chúng ta cần phải loại trừ các nguyên nhân không phải do tim, triệu chứng khác biệt với các dấu hiệu suy tim. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có các phương pháp điều trị hiệu quả.


Bệnh nhân cần được xét nghiệm suy tim từ sớm để có thể can thiệp và điều trị bệnh kịp lúc
Bệnh nhân cần được xét nghiệm suy tim từ sớm để có thể can thiệp và điều trị bệnh kịp lúc

2.3 Suy tim PSTM giảm nhẹ (EF: 41-49%)

Nhóm bệnh nhân này thuộc loại giới hạn hoặc trung gian, trong đó các đặc điểm, phương pháp điều trị và kết quả dường như tương tự với nhóm bệnh nhân suy tim PSTMBT.

3. Ý nghĩa của chỉ số phân suất tống máu

Suy tim phân suất tống máu bảo tồn, hay còn được gọi là suy tim tâm trương. Tình trạng này có phân suất tống máu vẫn nằm trong mức giới hạn bình thường (≥ 50%).

Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, thể tích cuối tâm trương thất trái thấp không phù hợp, có thể dẫn đến cung lượng tim thấp. Áp lực nhĩ trái tăng cao có thể gây tăng áp phổi và tắc nghẽn phổi.

Suy giảm chức năng tâm trương thường do suy giảm khả năng kéo giãn của tâm thất, thành tâm thất bị xơ cứng, bệnh van tim, viêm màng ngoài tim co thắt. Nhồi máu cơ tim cấp hiện cũng đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy giảm chức năng tâm trương. Tình trạng suy giảm chức năng tâm trương xuất hiện nhiều ở người lớn tuổi, do rối loạn chức năng tế bào cơ tim và suy giảm số lượng tế bào cơ tim.

Suy giảm chức năng tâm trương là một trong những nguyên nhân phổ biến gây suy tim. Hiện tại, thông số ước tính vẫn chưa thống nhất, tuy nhiên, có khoảng 50% bệnh nhân mắc suy tim phân suất tống máu bảo tồn, nhiều hơn các loại suy tim khác. Tỷ lệ bệnh nhân tăng theo tuổi và xuất hiện nhiều ở nhóm mắc bệnh đái tháo đường.

Suy tim phân suất tống máu bảo tồn là một tình trạng bệnh phức tạp, gây tổn thương ở nhiều cơ quan trên cơ thể và thường là kết quả của nhiều bệnh lý khác nhau.

4. Ý nghĩa của chỉ số phân suất tống máu trong chẩn đoán và điều trị suy tim

Sử dụng siêu âm tim, ta có thể đo lường chỉ số EF để đánh giá tình trạng chức năng tâm thu thất trái ở bệnh nhân suy tim. Khi chỉ số EF dưới mức bình thường (<50%), đó là dấu hiệu của suy yếu sức co bóp cơ tim, đặc biệt là khi chỉ số EF < 35%.

Trong quá trình điều trị và xét nghiệm suy tim, chỉ số EF không chỉ quan trọng để dự báo tiến triển bệnh, mà còn là một chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả của liệu pháp. Sự biến động của chỉ số EF phản ánh độ hiệu quả thực sự của liệu pháp. Do đó, hiểu rõ về chỉ số EF giúp bệnh nhân suy tim nắm bắt tình trạng sức khỏe của mình và cũng giúp bác sĩ đánh giá hiệu quả của liệu pháp điều trị, từ đó có thể điều chỉnh phương pháp điều trị một cách tối ưu.


Bệnh nhân cần hợp tác và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ để cải thiện tình hình sức khỏe nhanh chóng hơn
Bệnh nhân cần hợp tác và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ để cải thiện tình hình sức khỏe nhanh chóng hơn

Ngày nay, quá trình xác định chỉ số EF trên bệnh nhân tim mạch trở nên đơn giản và chính xác thông qua việc sử dụng siêu âm tim - một phương pháp thăm dò tim mạch được áp dụng rộng rãi trong thực tế lâm sàng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe