Bệnh nhân tim mạch cần lưu ý gì khi đi du lịch? Chắc hẳn bệnh nhân tim mạch sẽ rất lo lắng khi tham gia một chuyến du lịch hoặc nghỉ dưỡng cùng gia đình. Vì vậy, việc lên kế hoạch cho một chuyến đi hoặc kỳ nghỉ đối với người mắc bệnh tim đặc biệt quan trọng để đảm bảo an toàn và tận hưởng mọi khoảnh khắc.
1. Bệnh nhân tim mạch cần lưu ý gì khi đi du lịch: Tham vấn ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của bản thân, bệnh nhân cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước chuyến đi. Đặc biệt nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng mới hoặc nếu người bệnh vừa thực hiện một thủ thuật trong thời gian gần thì điều này càng quan trọng. Việc tham vấn lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa để chắc chắn bệnh nhân có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu sức khỏe khi tham gia chuyến du lịch. Một số thông tin chúng ta cần chuẩn bị trước cho chuyến đi:
- Thông tin liên hệ của bác sĩ chuyên khoa đang theo dõi hồ sơ bệnh hoặc thông tin y tế địa phương tại điểm đến.
- Bản sao điện tâm đồ (ECG): Điều này có thể hữu ích nếu cần thiết phải tham khảo ý kiến của bác sĩ tại điểm đến.
- Hồ sơ tiêm chủng: Đảm bảo đã tiêm chủng đầy đủ theo yêu cầu và khuyến nghị của quốc gia đang đến đối với những bệnh nhân đi du lịch quốc tế.
- Thông tin liên hệ khẩn cấp: Chuẩn bị danh sách thông tin liên lạc khẩn cấp: người thân, bác sĩ.
- Thông tin thuốc: Mang theo danh sách các loại thuốc người bệnh đang sử dụng liều lượng và tần suất sử dụng. Điều này sẽ hữu ích trong trường hợp cần điều trị y tế tại địa điểm mới.
2. Chuẩn bị số lượng thuốc đầy đủ trong suốt chuyến đi
Lập kế hoạch sử dụng thuốc một cách đầy đủ rất quan trọng để đảm bảo rằng bệnh nhân duy trì việc điều trị và sức khỏe của mình trong suốt chuyến đi. Một số lời khuyên để việc sử dụng thuốc được đầy đủ:
- Đảm bảo đủ thuốc: Đảm bảo có đủ lượng thuốc cần thiết để suốt thời gian chuyến đi và nên chuẩn bị thêm vài thuốc liều dự phòng.
- Nơi cất thuốc dễ nhớ: Giữ thuốc ở những ngăn dễ lấy, dễ nhớ và để trong hành lý xách tay để có thể sử dụng đúng giờ và phòng trường hợp bệnh nhân quên uống thuốc.
- Dán nhãn thuốc rõ ràng: Trong trường hợp tách nhỏ số lượng thuốc, bệnh nhân cần dán nhãn ghi chú từng loại thuốc rõ ràng: liều lượng, liều dùng, thời gian để sử dụng đúng.
- Luôn chuẩn bị một chai nước nhỏ: Mang theo một chai nước nhỏ bên mình để có thể sử dụng thuốc đúng thời gian.
- Mang theo đồ ăn nhẹ: Một số loại thuốc không thể sử dụng lúc bụng đói.Vì vậy bệnh nhân có thể chuẩn bị thêm một số đồ ăn nhẹ để sử dụng thuốc đúng chỉ dẫn.
- Kiểm tra quy tắc an toàn của các phương tiện di chuyển: Một số loại thuốc cần phải có toa thuốc của bác sĩ để được đem lên máy bay, bệnh nhân cần chuẩn bị giấy tờ đầy đủ và mang theo bên mình.
- Đặt báo thức nhắc nhở: Bệnh nhân nên đặt chuông báo uống thuốc để sử dụng thuốc đúng thời gian biểu.
- Đem theo toa thuốc hoặc bản sao: Mang theo toa thuốc hoặc danh sách thuốc, đặc biệt là những chuyến đi quốc tế. Điều này sẽ hữu ích nếu cần phải thăm khám bác sĩ tại địa điểm đến.
3. Những điều lưu ý khi đi máy bay đối với bệnh nhân tim mạch
Để giảm nguy cơ đau tim và các vấn đề về tim mạch khi đi máy bay, đặc biệt là trong các chuyến bay dài, bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề sau:
- Hạn chế khiêng vác nặng: Sử dụng vali hoặc hành lý xách tay có bánh xe. Nếu trường hợp túi xách, bệnh nhân có thể nhờ đến sự giúp đỡ của người đi cùng hoặc nhân viên sân bay.
- Hạn chế ngồi quá lâu: Đứng dậy và đi lại ít nhất hai giờ một lần trong suốt chuyến bay để kích thích tuần hoàn máu và giảm nguy cơ đông máu (đối với những chuyến bay dài).
- Chọn giày dép phù hợp: Sử dụng giày dép và tất thoải mái, cố gắng nâng cao chân lên bất cứ khi nào có thể để tăng sự tuần hoàn máu.
- Uống nước đầy đủ: Tránh tình trạng mất nước, nhưng tránh các đồ uống có cồn vì chúng làm tăng nguy cơ mất nước.
- Yêu cầu kiểm tra an ninh đặc biệt: Nếu bệnh nhân sử dụng máy điều hòa nhịp tim hoặc máy khử rung tim được cấy ghép (ICD), cần thông báo cho nhân viên kiểm tra an ninh và yêu cầu kiểm tra an ninh đặc biệt để tránh ảnh hưởng đến thiết bị.
- Thông tin liên lạc của những người có thể liên hệ được và thông tin thiết bị cấy ghép (đối với du lịch quốc tế).
4. Tăng cường thể lực và chú ý bữa ăn
Nếu trong hành trình của mình, bệnh nhân cần đi bộ nhiều hãy bắt đầu thói quen đi bộ vài tuần trước chuyến đi để cơ thể có thời gian thích ứng.
- Ngủ đủ giấc: Đảm bảo giấc ngủ đủ và chất lượng trước khi bắt đầu chuyến đi. Mệt mỏi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân.
- Tuân thủ chế độ ăn kiêng: Đối với bệnh nhân suy tim cần giảm lượng muối, tránh đồ ăn có hàm lượng muối cao. Các thức ăn lành mạnh tại điểm đến sẽ giúp bạn có một trải nghiệm tuyệt vời cũng như rất tốt cho sức khỏe tim mạch
5. Nhanh chóng liên hệ các trung tâm y tế địa phương khi cần thiết
Nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng nào về tim, cần tìm sự trợ giúp y tế càng nhanh càng tốt. Đừng ngần ngại hoặc trì hoãn kiểm tra chỉ vì lo lắng về việc làm hỏng kỳ nghỉ của gia đình. Sự chăm sóc y tế kịp thời không chỉ là quyết định thông minh mà còn có thể giữ cho bệnh nhân tim mạch được an toàn và tiếp tục tận hưởng kỳ nghỉ của mình mà không lo lắng.
Những lưu ý trên đối với bệnh nhân tim mạch khi đi du lịch là cực kỳ quan trọng vì chúng giúp giúp bảo vệ sức khỏe, giảm nguy cơ các vấn đề y tế liên quan đến tim trong khi đi du lịch. Việc duy trì mức độ sức khỏe tốt là chìa khóa để có một kỳ nghỉ an toàn và thoải mái. Việc lên kế hoạch và chuẩn bị trước giúp bệnh nhân tim mạch sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống. Điều này bao gồm cả việc kiểm soát thuốc, lập kế hoạch cho chế độ ăn uống và có sự chuẩn bị trong tất cả cả tình huống khi có vấn đề y tế xảy ra.