Bệnh lý màng ngăn thực quản là tình trạng rất ít người biết đến. Người có màng ngăn thực quản thường không thể ăn được thức ăn có kích thước lớn hoặc thức ăn rắn mà chủ yếu ăn lỏng và uống nước. Việc không ăn được có thể làm cho bệnh nhân tăng nguy cơ suy dinh dưỡng cũng như dễ mắc các bệnh lý khác.
1. Bệnh lý màng ngăn thực quản là gì?
Màng ngăn thực quản là loại bệnh rất hiếm gặp, hiện nay vẫn còn rất nhiều tranh cãi về thuật ngữ mô tả bệnh này cũng như các phương pháp chẩn đoán, điều trị. Có nhiều y bác sĩ sử dụng từ vòng thực quản nhưng cũng có người dùng từ màng ngăn thực quản để mô tả bệnh lý. Bệnh không có triệu chứng điển hình, tuy nhiên nếu vòng thực quản quá hẹp có thể làm cho người bệnh khó nuốt và gây nghẹn.
Màng thực quản là màng đồng tâm, mịn và mỏng, có kích thước từ 3-5 mm. Quá trình mở rộng của mô thực quản bình thường chịu tác động bởi 3 lớp, đó là lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc, lớp cơ. Màng ngăn có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên thực quản nhưng chủ yếu thường thấy ở đoạn dưới thực quản.
Bệnh lý màng chắn thực quản được thành 3 loại theo các chữ cái A, B và C:
- Màng A: Đây là loại ít gặp nhất, xuất hiện ở vị trí nối giữa thực quản và dạ dày. Người có màng A hiếm khi thấy xuất hiện triệu chứng.
- Màng B (hay còn gọi là vòng Schatzki): Là loại vòng hay gặp nhất, cấu tạo của vòng gồm lớp niêm mạc và lớp dưới niêm mạc. Thường xuất hiện ở vị trí nối giữa thực quản và dạ dày (đường Z), hầu hết các bệnh nhân trong trường hợp này không có triệu chứng.
- Màng C: Là sự bất thường trong giải phẫu, phát hiện bệnh bằng phương pháp chụp X-quang.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh lý màng ngăn thực quản
Hiện nay, nguyên nhân gây ra bệnh lý này vẫn còn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Một số nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân gây bệnh màng chắn thực quản là do:
- Bẩm sinh: Do sự phát triển bất thường của phôi thai tạo ra ống thực quản không hoàn toàn. Tuy nhiên các triệu chứng xuất hiện rõ khi bệnh nhân trên 40 tuổi. Đối với trẻ em, chụp X-quang thực quản nếu thấy có Baryt thì thường hướng tới màng B. Nhưng phần lớn các bé thường không có triệu chứng, vì vậy phương pháp này ít được chỉ định.
- Thiếu sắt: Mối liên quan giữa bệnh lý màng ngăn thực quản và thiếu sắt vẫn đang được nghiên cứu.
- Do viêm: Hiện tượng này có thể được phát hiện dựa trên mẫu sinh thiết của màng chắn thực quản.
- Tự miễn: Có thể kể đến các bệnh về tuyến giáp, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh vẩy nến,...
3. Một số triệu chứng của bệnh lý màng chắn thực quản
Tình trạng khó nuốt thường xảy ra với thức ăn dạng đặc hơn là dạng lỏng. Các triệu chứng xảy ra thường ngược lại với co thắt tâm vị hay các bệnh về rối loạn vận động thực quản khác. Cơn khó nuốt không xuất hiện liên tục mà lúc có lúc không, kéo dài nhiều năm, thậm chí là nhiều tháng.
Các bệnh nhân ở tuổi 40 trở đi thường có triệu chứng rõ rệt và tỉ lệ cao hơn. Nguyên nhân do khả năng nhai và nuốt thức ăn thường kém hơn.
4. Điều trị bệnh lý màng ngăn thực quản
- Đối với những trường hợp không có triệu chứng không cần điều trị.
- Xét nghiệm để đánh giá tình trạng thiếu sắt, do thiếu sắt có thể làm bệnh phát triển nặng hơn.
- Nếu bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản kết hợp với màng ngăn thực quản, sẽ cho bệnh nhân điều trị trào ngược dạ dày thực quản.
- Nếu tình trạng khó nuốt diễn ra liên tục, có thể thực hiện phương pháp nội soi hoặc nong thực quản (bằng bóng nong hoặc bougie).
- Với những trường hợp nặng hơn có thể tiến hành đốt điện để cắt vòng niêm mạc.
5. Các biện pháp phòng ngừa tình trạng màng ngăn thực quản
Hiện bệnh lý này chưa có biện pháp phòng ngừa trực tiếp. Tuy nhiên, bệnh lý màng ngăn thực quản có mối liên quan đến tình trạng trào ngược acid và thiếu máu thiếu sắt, vì vậy dựa trên mối liên hệ này mà ta có được một số biện pháp ngăn ngừa cũng như điều trị các rối loạn. Cụ thể:
- Tránh các loại thực phẩm có thể gây ra hiện tượng trào ngược như cà phê, socola, thức ăn chứa nhiều chất béo, đồ uống có ga, cam quýt, bạc hà, sữa nguyên chất,...
- Đối với điều trị thiếu máu thiếu sắt còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Bệnh lý màng ngăn thực quản là tình trạng hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện kịp thời thì có thể làm cho người bệnh bị suy dinh dưỡng trầm trọng, sức khỏe suy yếu,... hậu quả là dễ mắc các bệnh lý khác. Vì vậy, ngay khi xuất hiện các triệu chứng nhẹ hãy tới ngay trung tâm y tế để được phát hiện và chữa trị kịp thời. Ngoài ra, khám sức khỏe định kỳ một cách thường xuyên cũng là phương pháp giúp ta phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.