Bệnh lý bàn tay ở người đái tháo đường

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ chấn thương chỉnh hình, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Người ta thường nhắc đến biến chứng bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường. Nhưng ít người biết rằng, bàn tay ở người đái tháo đường cũng là một biến chứng quan trọng. Nó quan trọng bởi lẽ ngoài chức năng vận động, bàn tay còn mang chức năng thẩm mỹ, có vai trò trong sinh hoạt, lao động rất lớn.

1. Hội chứng bệnh lý ít gặp nhưng gây nhiều biến chứng nghiêm trọng

Đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng trên nhiều cơ quan. Các biến chứng được nhiều người biết đến như bệnh thận, bệnh võng mạc và bệnh thần kinh. Bàn chân đái tháo đường cũng là biến chứng đáng lo ngại về điều trị cho các bác sĩ, nhưng các hội chứng bàn tay đái tháo đường có thể không được nhìn nhận đầy đủ và ít được quan tâm hơn.

Bệnh cơ xương khớp ở chi trên do đái tháo đường gây ra cũng khá phức tạp, đặc biệt là ở vùng bàn tay, gọi chung là bàn tay bệnh nhân tiểu đường.

Biến chứng bàn tay của đái tháo đường rất hiếm so với biến chứng bàn chân. Tỷ lệ này là 1:20, nghĩa là cứ 20 ca bàn chân đái tháo đường thì mới có một trường hợp bị biến chứng bàn tay. Các biểu hiện của bệnh tiểu đường ở bàn tay đã được các thầy thuốc quan tâm nhiều trong những năm 1970 và 1980. Theo nghĩa chặt chẽ của thuật ngữ này, "bàn tay bệnh nhân tiểu đường" bao gồm ba vấn đề được nghiên cứu rộng rãi nhất đó là hạn chế vận động khớp, co thắt Dupuytren và ngón tay cò súng. Có bằng chứng cho thấy những tổn thương này xảy ra nhiều hơn ở bệnh nhân đái tháo đường và có liên quan đến thời gian mắc bệnh tiểu đường, kiểm soát đường huyết kém và sự hiện diện của các biến chứng mạch máu nhỏ.


Người bệnh có thể gặp tình trạng ngón tay cò súng
Người bệnh có thể gặp tình trạng ngón tay cò súng

Biến chứng bàn tay của đái tháo đường liên quan chủ yếu đến các khớp nhỏ của bàn tay và thường bị bỏ qua cho đến khi biến dạng bàn tay đủ nghiêm trọng để can thiệp vào cuộc sống hàng ngày. Trong một ý nghĩa tổng quát hơn, bàn tay có thể tiết lộ nhiều biến chứng trong bệnh tiểu đường mà chúng ta không nên bỏ qua.

2. Giới hạn vận động ngón tay: dấu hiệu quan trọng

Khả năng vận động hạn chế là một biến chứng không đau và không thể chữa được của bệnh tiểu đường gây ra bởi sự dày lên và cứng khớp của mô liên kết quanh khớp. Vì vậy, biến chứng giới hạn vận động ở bàn tay thường bị bỏ qua ở người đái tháo đường. Triệu chứng này phổ biến hơn ở những bệnh nhân mắc bệnh lâu năm và không kiểm soát đường huyết tốt.

Tỷ lệ người đái tháo đường bị giới hạn vận động bàn tay từ 8 đến 50%. Thông thường, triệu chứng khởi đầu là sự giới hạn của khớp bàn đốt, khớp liên đốt ngón tay, bắt đầu từ phía ngón út và lan dần sang các ngón khác.

Việc chẩn đoán khá đơn giản bằng cách dựa vào dấu hiệu cầu nguyện của người Hồi giáo hay "dấu hiệu trên bàn". Dấu hiệu cầu nguyện (“prayer sign”) được thực hiện bằng cách yêu cầu bệnh nhân giữ hai bàn tay đối diện với nhau theo chiều dọc, giữ cho khuỷu tay được uốn cong và cổ tay duỗi. Nếu bệnh nhân không thể áp hoàn toàn bề mặt lòng bàn tay của các ngón tay tương ứng, dấu hiệu được coi là dương tính.

Dấu hiệu trên bàn được gợi ra bằng cách yêu cầu bệnh nhân đặt lòng bàn tay phẳng trên một bề mặt cứng như bàn và kiểm tra xem toàn bộ bề mặt lòng bàn tay của các ngón tay có chạm vào bàn không.

Hội chứng Dupuytren ở bệnh nhân tiểu đường xảy ra phổ biến nhất ở ngón giữa và ngón đeo nhẫn. Các tổn thương ở bàn tay khác bao gồm hội chứng ống cổ tay và viêm bao gân gập ngón tay (ngón tay lò xo). Các tổn thương này cũng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường hơn so với dân số nói chung.


Hình ảnh bệnh nhân mắc hội chứng Dupuytren
Hình ảnh bệnh nhân mắc hội chứng Dupuytren

3. Bàn tay đái tháo đường có liên quan đến các biến chứng khác

Các nghiên cứu đã cho thấy có mối liên quan giữa các biểu hiện ở bàn tay và các biến chứng vi mạch máu mạn tính của bệnh tiểu đường. Giới hạn vận động khớp ở bàn tay được chứng minh có liên quan đến bệnh võng mạc tiểu đường.

Hội chứng ống cổ tay được phát hiện có mối tương quan độc lập với bệnh võng mạc, bệnh thần kinh ngoại biên, viêm bao hoạt dịchviêm co thắt Dupuytren ở bệnh nhân đái tháo đường. Các tổn thương này đều liên quan đến biến chứng mạch máu nhỏ ở người đái tháo đường.

Vấn đề kiểm soát đường huyết tốt không chỉ giúp phòng ngừa các biến chứng xảy ra mà còn có thể đảo ngược các biến chứng cơ xương khớp sớm trong diễn tiến của bệnh đái tháo đường. Can thiệp về chấn thương chỉnh hình cụ thể có thể được chỉ định trong một số trường hợp.

Tuy nhiên, các bác sĩ và người bệnh nên lưu ý rằng đáp ứng điều trị ở bệnh nhân đái tháo đường có thể tồi tệ hơn so với dân số nói chung chẳng hạn như việc tiêm steroid cho ngón tay cò súng.

Hiện nay, bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Central Park đang triển khai kỹ thuật tiêm huyết tương giàu tiểu cầu cho các bệnh lý cơ xương khớp. Đây là một phương pháp điều trị không dùng thuốc mang lại hiệu quả cao.

Tính an toàn của phương pháp huyết tương giàu tiểu cầu được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt tại Hệ thống Y tế Vinmec với sự giám sát quy trình chặt chẽ, các trang thiết bị được sử dụng trong một phòng thủ thuật khép kín, vô khuẩn tuyệt đối.

Đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm, các nhân viên y tế tham gia vào quá trình thực hiện này đều đã được đào tạo bài bản và trang bị phòng hộ kỹ lưỡng, nguy cơ lây nhiễm được giảm thiểu đến mức tối đa. Ngoài ra, chi phí điều trị bằng phương pháp này tại Vinmec vô cùng hợp lý trong khi tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ đẳng cấp xứng tầm quốc tế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe