Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Bệnh giun kim là một bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường thấy nhất là ở trẻ em. Giun kim sinh sôi và phát triển tại khu vực hậu môn, thức ăn của chúng là máu của vật chủ. Nhiễm giun kim là bệnh hay gặp nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng tránh bệnh, hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh bệnh giun kim.
1. Nguyên nhân gây bệnh và đặc điểm phát triển của bệnh giun kim
Bệnh giun kim là do nhiễm ký sinh trùng giun kim (tên khoa học là Enterobius vermicularis).
Hình thái: Giun kim có màu trắng sữa, đầu hơi phình và vỏ có khía. Miệng chúng có 3 môi, chiều dài giun đực khoảng 2-5mm, đuôi cong và có gai sinh dục khoảng 70mm. Giun cái dài khoảng 9-12 mm có đuôi dài và nhọn.
Giun kim cái đẻ trứng thải ra ngoài môi trường, trứng giun kim phát triển tốt và nở thành trứng mang ấu trùng và có khả năng lây nhiễm ở nhiệt độ 300C, độ ẩm 70% và oxy sau khoảng 6-8 giờ. Giun kim cái chỉ đẻ trứng vào ban đêm ở nếp nhăn của hậu môn và trứng phát triển thành ấu trùng có khả năng cử động. Chính vì chúng thường đẻ trứng vào ban đêm và tiết ra một chất gây ngứa nên người mắc giun kim thường xuyên ngứa hậu môn dữ dội vào đêm.
Phương thức lây truyền bệnh giun kim:
- Qua đường ăn uống: Do dùng tay gãi hậu môn có chứa trứng giun kim sau đó cầm thức ăn hoặc mút tay ở trẻ nhỏ.
- Đường truyền nhiễm khác: Trứng giun kim sau khi sinh và phát triển thành ấu trùng giun kim tại nếp hậu môn thì ngược lên manh tràng phát triển thành giun trưởng thành, kiểu này hiếm gặp.
2. Triệu chứng bệnh giun kim
Người mắc bệnh giun kim có thể có các triệu chứng như:
- Ngứa quanh hậu môn, nhất là vào ban đêm là một triệu chứng hay gặp và đặc hiệu của bệnh.
- Trẻ em bị nhiễm giun kim thường quấy khóc về đêm do ngứa hậu môn, quan sát ở rìa hậu môn có thể thấy giun kim cái ở rìa hậu môn.
- Đi đại tiện thấy ấu trùng giun kim trong phân.
- Ngoài ra do giun kim sống tại vùng hậu môn nên có thể chui vào âm đạo gây ngứa âm đạo, rối loạn kinh nguyệt.
- Giun kim có thể chui vào ruột thừa, có thể bị bội nhiễm gây viêm ruột thừa.
- Mắc bệnh kéo dài có thể gây thiếu máu mạn tính: hoa mắt, chóng mặt.
3. Điều trị và cách phòng tránh bệnh giun kim
3.1 Điều trị bệnh giun kim
Nguyên tắc điều trị giun kim: Nếu tập thể bị nhiễm thì phải điều trị đồng loạt để tránh tái nhiễm bệnh
Thuốc điều trị giun kim bao gồm:
- Mebendazole 500mg liều duy nhất cho cả trẻ em và người lớn, uống nhắc lại sau 1 tháng.
- Hoặc dùng albendazole 400mg liều duy nhất cho cả trẻ em và người lớn, uống nhắc lại sau một tháng.
- Chú ý: mebendazole và albendazole chống chỉ định dùng cho trẻ dưới 2 tuổi và phụ nữ mang thai 3 tháng đầu hoặc cho con bú, người mẫn cảm với Benzimidazole, người có tiền sử nhiễm độc tủy xương. Thận trọng với các đối tượng suy thận, suy gan.
3.2 Cách phòng chống bệnh giun kim
Các biện pháp dự phòng bệnh theo Cục Y Tế Dự Phòng - Bộ Y Tế bao gồm:
- Nâng cao ý thức vệ sinh bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân, đặc biệt là nền nhà, giường chiếu và quần áo trẻ em.
- Thực hiện ăn chín uống sôi.
- Vệ sinh cá nhân tốt như cắt ngắn móng tay, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Không để trẻ mặc quần hở đũng, rửa hậu môn cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng vào các buổi sáng.
- Những đối tượng có nguy cơ cao: tẩy giun định, nhất là cho trẻ em độ tuổi từ 2-12, tẩy giun 2 lần/ năm.
Bệnh giun kim là một bệnh giun sán hay gặp đặc biệt bệnh phổ biến trên đối tượng trẻ em, trẻ em chưa biết cách tự phòng bệnh và phát hiện bệnh nên là nguồn lây nhiễm chủ yếu trong cộng đồng, các bậc phụ huynh phải chú ý chủ động phòng bệnh cho bản thân và con em mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tổng hợp từ nguồn: Bộ Y tế