Bệnh sán lá gan ở người có nguy hiểm?

Bệnh sán lá gan ở người gồm bệnh sán lá gan nhỏ và bệnh sán lá gan lớn. Mặc dù sán không trực tiếp đe dọa tính mạng người nhưng nó là nguyên nhân gây nên nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng.

Bài viết sau đây sẽ giúp quý độc giả tìm hiểu bệnh sán lá gan có nguy hiểm không và muốn tiêu diệt sán lá gan ta phải làm gì?

1. Sán lá gan là gì?

Bệnh sán lá gan ở người gồm có bệnh sán lá gan nhỏ và bệnh sán lá gan lớn. Ở Việt Nam, bệnh sán lá gan nhỏ gây nên bởi loài sán Clonorchis sinensis hoặc Opisthorchis viverrini, bệnh sán lá gan lớn thường gây nên bởi loài sán Fasciola gigantica.

Sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ là các ký sinh trùng có chu kỳ sống phức tạp, qua nhiều giai đoạn và ký sinh ở nhiều vật chủ. Sán lá gan lớn ký sinh trong gan mật người và một số loài động vật, sán trưởng thành đẻ trứng theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân. Nếu trứng gặp môi trường nước, sẽ nở ra thành ấu trùng lông ký sinh trong các loại ốc, sau đó phát triển thành ấu trùng đuôi rời khỏi ốc và bám vào các loại rau mọc dưới nước hoặc bơi tự do trong nước. Người hoặc trâu bò sẽ mắc bệnh sán lá gan lớn nếu ăn các loại rau thủy sinh có chứa nang sán hoặc uống phải nước lã có ấu trùng sán.


Hình ảnh sán lá gan ở người
Hình ảnh sán lá gan ở người

Các bước trong chu kỳ sống của sán lá gan nhỏ cũng tương tự như sán lá gan lớn, nhưng sau khi phát triển thành ấu trùng đuôi, sán lá gan nhỏ không bám vào thực vật thủy sinh mà xâm nhập vào cá nước ngọt. Ấu trùng đuôi rụng đuôi phát triển thành ấu trùng nang ký sinh ở trong thịt cá. Người hoặc động vật sẽ mắc bệnh sán lá gan nhỏ khi ăn phải cá có ấu trùng nang chưa được nấu chín.

2. Bệnh sán lá gan có nguy hiểm không?

Bệnh sán lá gan ở người rất phổ biến ở nước ta và nhiều nước trên thế giới. Bệnh sán lá gan nhỏ hiện đã được xác định phân bố ở ít nhất 21 tỉnh thành trong cả nước, trong đó có những địa phương tỷ lệ nhiễm cao 15 - 37% như Ninh Bình, Nam Định, Bình Định, Phú Yên. Những địa phương có tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ cao có đặc điểm chung là có phong tục ăn gỏi cá, món ăn chế biến từ cá sống hoặc nấu chưa chín hoàn toàn. Bệnh sán lá gan lớn hiện đã xuất hiện ở 47 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ nhiễm cao nhất thuộc về các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa hoặc ở vùng Tây Nguyên.


Ăn gỏi cá có thể gây bệnh sán lá gan ở người
Ăn gỏi cá có thể gây bệnh sán lá gan ở người

Sán lá gan ở người là bệnh nguy hiểm, gây nhiều biến chứng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Khi nhiễm sán lá gan lớn, sau khi vào dạ dày, tá tràng, các vỏ nang trùng sẽ giải phóng ra các ấu trùng. Các ấu trùng này xuyên qua thành tá tràng, vào ổ bụng rồi di chuyển đến sinh trưởng và phát triển ở nhu mô gan. Trong quá trình ký sinh ở gan, sán lá gan tiết ra các chất độc làm phá hủy nhu mô gan, gây áp xe gan. Sau khoảng 2 - 3 tháng phát triển ở nhu mô gan, sán có thể chui vào đường mật, tiếp tục phát triển và đẻ trứng trong một khoảng thời gian rất dài. Nếu không được phát hiện và điều trị, sán lá gan lớn có thể gây bệnh ung thư đường mật. Một số ít trường hợp, ấu trùng sán lá gan lớn di chuyển lạc chỗ và gây bệnh ở một số cơ quan khác như da, cơ, khớp, vú, dạ dày, đại tràng,...

Sán lá gan nhỏ sau khi xâm nhập vào nhu mô gan, sán non sẽ phát triển thành sán trưởng thành và đẻ trứng trong các đường dẫn mật. Từ khi ăn cá có nang trùng đến khi sán trưởng thành có khả năng đẻ trứng chỉ khoảng trong một tháng. Sán ký sinh trong những ống dẫn mật trong gan, mỗi sán lá gan nhỏ có hai mồm hút, bám chặt trong gan để chiếm thức ăn, gây những tổn thương nghiêm trọng ở gan và ống mật như xơ gan, tắc mật, xơ cứng ống dẫn mật,... Nếu không được điều trị, bệnh sán lá gan nhỏ có thể gây xơ gan cổ trướng, áp xe gan thoái hóa, đây là những bệnh lý rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

3. Sán lá gan muốn tiêu diệt phải làm gì?

Muốn tiêu diệt sán lá gan phải cắt đứt mắt xích trong chu trình phát triển của sán lá gan, trong đó quan trọng là ngăn ngừa sán lá gan thông qua đường ăn uống mà xâm nhập vào cơ thể người. Để phòng chống sán lá gan ở người phải thực hiện triệt để ăn chín, uống sôi, không ăn các món cá chưa được nấu chín hoàn toàn, đặc biệt là món gỏi cá. Đối với các loại rau mọc dưới nước như rau muống, xà lách xoong, rau cần, ngó sen,... các nang trùng của sán lá gan lớn bám rất chắc vào các loại rau này, nên dù có rửa kỹ bằng nước cũng rất khó loại trừ hoàn toàn nang sán. Để đảm bảo an toàn, các loại rau này cần nấu chín trước khi ăn.


Ăn chín uống sôi giúp giảm nguy cơ nhiễm sán lá gan
Ăn chín uống sôi giúp giảm nguy cơ nhiễm sán lá gan

Điều trị đặc hiệu cho người nhiễm sán lá gan cũng là một biện pháp diệt trừ mầm bệnh. Người bệnh sán lá gan nhỏ thường có các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn, người gầy sút. Người bệnh đôi khi sốt thất thường, thiếu máu, sạm da, vàng da, phù nề toàn thân,.. Triệu chứng khi mắc sán lá gan lớn cũng tương tự sán lá gan nhỏ, chủ yếu là rối loạn tiêu hóa, gầy sút, đau tức phù nề, viêm mạn tính ống thận, đôi khi có sốt,... Khi có các triệu chứng như trên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa ký sinh trùng để được khám và điều trị. Khi được điều trị sớm, người bệnh thường đáp ứng tốt với thuốc điều trị và được chữa khỏi hoàn toàn. Điều trị càng muộn, các tổn thương cơ thể do sán gây ra càng nặng nề.

Ngoài ra, giữ gìn vệ sinh môi trường, xử lý tốt nguồn phân, xây dựng nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh, không làm hố xí ở cầu ao hoặc phóng uế vào nguồn nước, không có cá ăn phân người cũng là một biện pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh sán lá gan ở người.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh sán lá gan hiệu quả. Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park đã chữa khỏi bệnh Sán lá Gan chỉ sau 3 ngày điều trị. Đặc biệt, để nâng cao kết quả chẩn đoán chính xác bệnh, hiện nay, Vinmec còn trạng bị đầy đủ các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như CT, chụp MRI, siêu âm gan, xét nghiệm ELISA, xét nghiệm dịch mật,... hiện đại bậc nhất để tìm ký sinh trùng, sán lá gan, động vật ký sinh trong người. Vì thế, khi có dấu hiệu mắc bệnh, bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và điều trị.

Video đề xuất:

Lần đầu tiên tại Việt Nam: Ghép tế bào gốc chữa xơ gan tại Vinmec

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe