Cầu cơ mạch vành là tình trạng xảy ra khi một đoạn động mạch vành đi vào trong lớp cơ tim, thay vì bên ngoài bề mặt quả tim. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị cho bệnh, cũng như xem xét mức độ nguy hiểm của bệnh này.
1. Bệnh cầu cơ mạch vành là gì?
Cầu cơ mạch vành (myocardial bridging), là một bất thường bẩm sinh của cơ tim.
Cơ tim của con người được cung cấp oxy và máu thông qua động mạch vành. Thông thường, hệ thống động mạch vành nằm trên bề mặt tim. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh này, một phần của động mạch vành sẽ đi vào bên trong cơ tim, trong khi phần còn lại của động mạch vành vẫn nằm trên bề mặt cơ tim bình thường.
Dị tật này thường thấy ở nhánh động mạch vách liên thất trước.
2. Triệu chứng của bệnh cầu cơ mạch vành
Hầu hết bệnh nhân từ khi mới sinh, và hầu như họ không hề biết về tình trạng này do ban đầu, dải cơ tim phủ lên phần cầu cơ mạch vành thường còn mềm mại và ít gây ảnh hưởng đến lưu thông máu nên không xuất hiện triệu chứng rõ ràng.
Tuy nhiên, khi bước vào tuổi trung niên, sự giãn nở của cơ tim giảm dần, đặc biệt khi bị áp lực từ các bệnh mắc kèm như bệnh tăng huyết áp hoặc bệnh cơ tim, làm cho cầu cơ bị bó chặt hơn, khó giãn ra và gây ra một số triệu chứng bệnh mạch vành:
- Đau ngực: Đau ngực thường xảy ra khi tập trung hoạt động tim cao, như tập thể dục hoặc căng thẳng. Đau ngực có thể phát sinh khi cơ tim không nhận đủ dịch chất oxy và chất dinh dưỡng.
- Khó thở: Người bị bệnh có thể cảm thấy khó thở khi tăng cường hoạt động tim, đặc biệt là khi làm việc nặng hoặc tập thể dục.
- Mệt Mỏi: Sự giảm lưu lượng máu đến cơ tim có thể gây ra mệt mỏi nhanh chóng sau hoạt động thể lực.
- Rối loạn nhịp tim: trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra nhịp tim không đều.
3. Cầu cơ mạch vành có nguy hiểm không?
Khoảng 5% người mang trong mình dị tật bệnh này. Thường thì, tình trạng này không đáng lo ngại và không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.
Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân từng được chẩn đoán có bệnh và hiện đang xuất hiện các triệu chứng như đau ngực, khó thở, hoặc bất kỳ dấu hiệu bệnh mạch vành khác, việc đầu tiên nên làm là tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Điều này rất quan trọng, vì có khả năng bệnh nhân đang phải đối mặt với các bệnh động mạch vành phức tạp.
4. Các phương pháp điều trị
Đặt stent, phẫu thuật bắt cầu mạch vành thường sẽ được chỉ định trong trường hợp bệnh có đi kèm các bệnh lý khác của bệnh mạch vành. Các phương pháp này chủ yếu được dùng để điều trị bệnh hẹp mạch vành và các bệnh động mạch vành khác, cầu cơ mạch vành không phải là lý do để chỉ định các biện pháp này.
Trong trường hợp cầu cơ mạch vành không đi kèm với các bệnh lý khác như xơ vữa động mạch, thiếu máu cơ tim,... không xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng (khó thở, đau ngực...) thì bệnh nhân chỉ cần xây dựng cho bản thân một lối sống khoa học, giúp cho trái tim luôn được khỏe mạnh, ngăn ngừa nguy cơ hình thành các biến chứng nguy hiểm về sau.
Tập luyện thể lực thường xuyên, chọn thực phẩm lành mạnh, nói không với stress luôn là những lời khuyên hữu dụng nhất trong quá trình phòng ngừa và khắc phục các nguy cơ bệnh tim mạch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.