Bé 8 tháng cao bao nhiêu cm vẫn luôn là mối quan tâm của cha mẹ mỗi lần cân đo cho trẻ. Dựa vào biểu đồ tăng trưởng của trẻ, cha mẹ có thể biết được sự phát triển của con mình là hợp lý theo tuổi hay không, từ đó có cách can thiệp phù hợp, nhất là điều chỉnh chế độ ăn, khi trẻ đang tập làm quen với chế độ ăn dặm.
1. Biểu đồ tăng trưởng của trẻ
Biểu đồ tăng trưởng là dụng cụ dùng để cha mẹ hay cả bác sĩ nhi khoa, chuyên gia dinh dưỡng tra cứu, từ đó có thể xác định xem trẻ có đang phát triển theo cách bình thường hay không. Trẻ em trai và trẻ em gái có tốc độ phát triển khác nhau vì các chỉ số trung bình của các em trai thường nặng hơn và cao hơn một chút so với các em gái.
Theo đó, dưới đây là biểu đồ tăng trưởng về chiều cao và cân nặng của trẻ nhỏ do Tổ chức Y tế Thế giới cung cấp đối với nhóm trẻ từ lúc sinh ra đến lúc được 12 tháng tuổi.
Tháng tuổi | Chiều cao (cm) - Phân vị thứ 3 đến 97 | Cân nặng (Kg) - Phân vị thứ 3 đến 97 |
0 | 46.3 – 53.4 | 2.5 – 4.3 |
1 | 51.1 – 58.4 | 3.4 – 5.7 |
2 | 54.7 – 62.2 | 4.4 – 7.0 |
3 | 57.6 – 65.3 | 5.1 – 7.9 |
4 | 60.0 – 67.8 | 5.6 – 8.6 |
5 | 61.9 – 69.9 | 6.1 – 9.2 |
6 | 63.6 – 71.6 | 6.4 – 9.7 |
7 | 65.1 – 73.2 | 6.7 – 10.2 |
8 | 66.5 – 74.7 | 7.0 – 10.5 |
9 | 67.7 – 76.2 | 7.2 – 10.9 |
10 | 69.0 – 77.6 | 7.5 – 11.2 |
11 | 70.2- 78.9 | 7.4 – 11.5 |
12 | 71.3 – 80.2 | 7.8 – 11.8 |
Cách để hiểu được biểu đồ chiều cao và cân nặng của trẻ nhỏ rất đơn giản. Nếu đang cần tham khảo chỉ số chiều cao và cân nặng của trẻ sơ sinh theo tháng, cha mẹ hay người chăm sóc dò theo cột ở bên trái theo số tháng tuổi của trẻ, hàng ngang tại đây là chỉ số cần tìm.
2. Bé 8 tháng cao bao nhiêu là vừa?
Để biết sự tăng trưởng của trẻ nhỏ có phù hợp hay không, điều đầu tiên là cha mẹ hay người chăm sóc cần biết cách cân đo cho bé một cách tương đối chính xác tại nhà. Cách thực hiện đơn giản như sau:
Chiều cao: Việc đo chiều cao của trẻ có thể hơi khó khăn đối với trẻ chưa biết đứng; do đó cần phải đo khi trẻ nằm và sẽ gây sai lệch vì bé có thể vặn vẹo nhiều. Cha mẹ nên đặt trẻ trên một bề mặt phẳng như giường hoặc bàn và duỗi thẳng cả hai chân của trẻ ra, chú ý duỗi thẳng đầu gối trẻ. Dùng thước dây ghi lại chiều dài, tức là chiều cao của trẻ tính từ đỉnh đầu đến lòng bàn chân.
Cân nặng: Chỉ số này thu thập dễ dàng hơn là cha mẹ có thể mua một chiếc cân trẻ em để đo cân nặng của bé. Nếu có sẵn cân y tế nhưng trẻ chưa biết đứng, người lớn có thể ôm trẻ trên tay để cân trừ đi cân nặng của chính mình ngay sau đó.
Với các thông số đã thu thập, tra vào trong biểu đồ tăng trưởng của trẻ, cha mẹ hay người chăm sóc sẽ biết được sự phát triển của trẻ là bình thường, nhanh hơn hay chậm hơn theo lứa tuổi. Theo đó, chiều cao trẻ 8 tháng có thể dao động trong khoảng 66.5 – 74.7 cm được xem là bình thường. Nếu chiều cao của trẻ dưới 66.5 cm, trẻ có thể nghi ngờ chậm phát triển hơn 97% những trẻ cùng 8 tháng tuổi. Ngược lại, nếu chiều cao của trẻ trên 74.7 cm, trẻ phát triển nhanh hơn 97% số trẻ cùng tuổi.
Hơn nữa, một số trẻ em lại có thời điểm phát triển đáng kể sau này trong cuộc sống trong khi phần lớn các trẻ phát triển nhanh khi còn nhỏ. Chính vì vậy, để biết trẻ có phát triển tốt hay không, hãy vẽ biểu đồ chiều cao và cân nặng của trẻ thường xuyên và so sánh với biểu đồ tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ chậm tăng trưởng cân nặng hay chiều cao hay cả hai trong một thời gian dài, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa để kịp thời can thiệp.
3. Vì sao cần theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ lại quan trọng?
Biểu đồ tăng trưởng của trẻ là một công cụ cần thiết giúp cả cha mẹ, người chăm sóc và bác sĩ nhi khoa đánh giá tình trạng dinh dưỡng, chiều cao và cân nặng của trẻ. Sự phát triển đúng cách là rất quan trọng trong sáu năm đầu đời của trẻ. Vì vậy, điều quan trọng là phải theo dõi sự phát triển của trẻ trên cơ sở sự trợ giúp của biểu đồ này.
Tuy nhiên, cha mẹ hay người chăm sóc cần biết sự phát triển của trẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như:
Tất cả các chất dinh dưỡng mà bé cần đều đến từ việc bú sữa hay ăn dặm sẽ quyết định đáng kể đến sự phát triển của bé. Cho đến sáu tháng, trẻ phụ thuộc vào sữa mẹ hoặc sữa công thức để nuôi dưỡng. Tuy nhiên sau 6 tháng, trẻ cần được bắt đầu làm quen với việc ăn dặm. Khi trẻ được 8 tháng tuổi, thói quen ăn dặm sẽ hoàn thiện hơn đáng kể so với lúc bắt đầu. Theo đó, khi trẻ được cho ăn đầy đủ sẽ cùng các yếu tố khác ảnh hưởng rất nhiều đến sự tăng trưởng chiều cao và cân nặng của trẻ.
Sức khỏe của mẹ khi mang thai
Chế độ ăn uống, cân nặng và lối sống của người mẹ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của em bé trong bụng mẹ. Điều đó ảnh hưởng đến các chất dinh dưỡng được lưu trữ trong cơ thể của trẻ và còn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong năm đầu tiên.
Cân nặng lúc sinh của em bé
Cân nặng khi sinh là một chỉ số cho biết em bé đã được nuôi dưỡng tốt như thế nào trong thai kỳ. ĐỒng thời, đây cũng là nền tảng cho sự phát triển của trẻ trong suốt năm tháng đầu đời. Theo đó, trẻ sinh thiếu tháng nhẹ cân thường có các chỉ số tăng trưởng kém hơn trẻ cùng trang lứa.
Gen di truyền
Gen đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của em bé. Những em bé được sinh ra từ bố mẹ cao ráo và có thân hình cân đối thường có phần trăm chiều cao và cân nặng cao hơn. Mặt khác, trẻ sơ sinh của bố mẹ có thân hình vừa phải có xu hướng gầy.
Bệnh mắc phải
Cảm cúm hay nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng tiêu hóa có thể tạm thời ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Khi trẻ bị ốm, trẻ sẽ bú kém hay bỏ ăn. Thời gian này khiến trẻ chậm tăng trưởng và có thể sụt cân. Tuy vậy, sự phát triển của trẻ sẽ trở lại bình thường sau khi trẻ bắt đầu hồi phục.
Sức khỏe của mẹ sau sinh
Nếu người mẹ không được khỏe hoặc mắc các tình trạng như trầm cảm sau khi sinh, điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc em bé, nhất là khả năng nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Vì vậy, điều này có thể ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của trẻ. Tuy nhiên, khi bà mẹ khỏi bệnh, trẻ được nuôi dưỡng tốt hơn và sẽ có cơ hội phát triển cân nặng và chiều cao như bình thường.
4. Những đặc điểm phát triển khác của trẻ 8 tháng tuổi
Khi được 8 tháng tuổi, khả năng vận động của trẻ đã mạnh mẽ và biết cách phối hợp hơn rất nhiều. Trẻ có thể tự ngồi lên hay biết cách với tay lấy một vật gì đó trong tầm mắt. Trẻ 8 tháng tuổi đang trở nên thành thạo hơn trong việc sử dụng các ngón tay của mình. Vào khoảng thời gian này, bé sẽ có thể cầm đồ vật bằng nắm tay hoặc nhặt đồ bằng ngón tay cái, ngón trỏ và ngón giữa. Một số trẻ phát triển nhanh còn biết bò và di chuyển vòng quanh nhà.
Ngoài ra, trẻ 8 tháng cũng bắt đầu phát triển khả năng đồng cảm. Cha mẹ có thể nhận thấy điều này vì trẻ có thể bắt chước cảm xúc của những người xung quanh, các đứa trẻ khác như khóc hay cười. Đồng thời, trẻ biết quan sát, lắng nghe và nhận ra người lạ, thích được mẹ hay người thân bồng và khóc khi rời xa mẹ; tuy nhiên, trẻ mau chóng bị đánh lạc hướng với những món đồ chơi có màu sắc rực rỡ hay âm thanh vui nhộn.
Nếu chiếc răng sữa đầu tiên vẫn chưa mọc, đây là thời điểm có thể gặp phải. Một số trẻ có thể bắt đầu mọc răng sữa trong 7 hoặc 8 tháng đầu tiên. Mặc dù đôi khi răng sữa xuất hiện mà không gây khó chịu cho trẻ, cha mẹ nên chú ý những dấu hiệu sau:
- Chảy nước dãi nhiều hơn bình thường
- Nướu đỏ (vùng đau là nơi răng sẽ trồi lên)
- Tăng thân nhiệt
- Thích đưa đồ chơi hay mọi vật cầm nắm được vào miệng
- Thường xuyên cắn và nhai
- Một bên má của trẻ ửng hồng
- Dễ quấy khóc hơn bình thường.
Mặc dù khi có những chiếc răng sữa đầu tiên, chế độ ăn dặm của bé hiện tại có thể ăn một số chất rắn như rau và trái cây, cha mẹ cần tránh để trẻ một mình trong thời gian cho ăn thức ăn đặc vì trẻ có thể bị nghẹn thức ăn. Ngoài ra, vì trẻ 8 tháng tuổi có thể ngồi và biết cầm nắm thức ăn cho vào miệng, cha mẹ cũng nên tham khảo cách cho trẻ ăn dặm tự chỉ huy để các giác quan của trẻ được phát triển toàn diện, khiến bữa ăn dặm cho trẻ trở nên thích thú hơn.
Tóm lại, trong hầu hết các trường hợp, chiều cao trẻ 8 tháng tuổi theo biểu đồ tăng trưởng sẽ nằm trong khoảng từ 66.5 – 74.7 cm. Vì có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ trong năm tháng đầu đời, cha mẹ cần biết bé 8 tháng cao bao nhiêu và chú ý trọng tâm đến chế độ ăn dặm, đa dạng các chất dinh dưỡng cũng như đảm bảo sự hấp thu để giúp trẻ tăng trưởng toàn diện.
Ngoài ra, trẻ 8 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong