Thuốc Capesto 40 với tác dụng điều trị trào ngược dạ dày, thực quản liên quan đến các vấn đề viêm loét, tác động nhanh chóng làm giảm ngay các tình trạng gây khó chịu cho bệnh nhân. Vậy để tìm hiểu thuốc Capesto 40 là thuốc gì? Thuốc Capesto 40 có tác dụng gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những công dụng thuốc Capesto 40.
1. Công dụng thuốc Capesto 40 là gì?
1.1. Thuốc Capesto 40 là thuốc gì?
Thuốc Capesto 40 có thành phần chính: Esomeprazol 40 mg. Thành phần vi hạt Esomeprazol Magnesium Dihydrat bao tan trong ruột gồm: Esomeprazole Magnesium Dihydrate, Hypromellose (HPMC E5), Mannitol, Sucrose, Crospovidone, HPMC Phthalate, Diethyl Phthalate.
Thuốc Capesto 40 có thành phần chính esomeprazol 40 mg là sản phẩm của Công ty TNHH US Pharma USA – Việt Nam. Có số đăng ký là VD-22063-14. Thuốc được đóng gói: Hộp có 3 vỉ x 10 viên trên vỉ. Được bào chế viên nang cứng chứa hạt bao tan trong ruột.
1.2. Thuốc Capesto 40 có tác dụng gì?
Thuốc Capesto 40 là loại thuốc dùng để điều trị bệnh viêm thực quản do trào ngược ăn mòn, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), nó ngăn ngừa lại bệnh viêm, loét dạ dày và tá tràng tái xuất huyết sau khi đã tiêm tĩnh mạch, hội chứng Zollinger Ellison. Thuốc Capesto 40 có chứa thành phần chính esomeprazol là một loại chất làm giảm tiết axit có trong dạ dày.
Thuốc Capesto 40 được chỉ định dùng cho các đối tượng sau:
Trẻ vị thành niên trên 12 tuổi:
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Điều trị viêm loét do trào ngược thực quản; Phòng ngừa sự tái phát lại bệnh viêm thực quản; Điều trị các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày và thực quản.
- Kết hợp với các kháng sinh trong việc diệt trừ Helicobacter pylori.
Người lớn:
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
- Kết hợp với các loại kháng sinh trong việc diệt trừ Helicobacter pylori: Làm lành các vết loét dạ dày, tá tràng do Helicobacter pylori. Phòng ngừa tái phát bệnh loét dạ dày ở những người bệnh bị nhiễm Helicobacter pylori.
- Ở những bệnh nhân đang dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Phòng chống loét ở những người bệnh đang sử dụng NSAID hoặc là những người bệnh có nguy cơ. Hội chứng Zollinger – Ellison và một số trường hợp khác có kèm theo tăng tiết acid ở dạ dày. Điều trị kéo dài, sau khi đã điều trị phòng ngừa tái xuất huyết do loét dạ dày - tá tràng bằng đường tĩnh mạch.
2. Cách sử dụng của Capesto 40
2.1. Cách dùng thuốc Capesto 40
Những loại thuốc khác nhau thông thường sẽ được chỉ định những đường dùng thuốc là khác nhau. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc theo đường dùng khác.
Thuốc Capesto 40 được bào chế dạng viên nang cứng chứa hạt bao tan trong ruột nên người bệnh sử dụng thuốc bằng đường uống. Thuốc uống trước ăn 30 phút và với nước đun sôi để nguội.
2.2. Liều dùng của thuốc Capesto 40
Trẻ em trên 12 tuổi và người lớn.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản:
Điều trị viêm loét thực quản do trào ngược: 40mg mỗi ngày trong vòng 4 tuần. Nếu người bệnh vẫn còn viêm có thể dùng thêm 4 tuần nữa.
Để phòng ngừa tái phát lại viêm thực quản: dùng 20mg trên mỗi ngày.
Điều trị triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày và thực quản: dùng 20mg trên mỗi ngày nếu người bệnh không bị viêm thực quản do trào ngược điều trị khoảng 4 tuần.
Kết hợp với các kháng sinh trong việc diệt trừ Helicobacter pylori: 20mg Esomeprazol kết hợp với 1g amoxicillin và 500mg clarithromycin, ngày 2 lần trong vòng 7 ngày.
- Ở những bệnh nhân đang dùng NSAID:
Điều trị loét dạ dày do dùng thuốc kháng viêm NSAID: 20mg mỗi ngày trong vòng 4-8 tuần.
Dự phòng loét dạ dày ở những người có nguy cơ cao về biến chứng ở dạ dày – tá tràng, nhưng có yêu cầu phải tiếp tục điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid: Uống mỗi ngày 20mg.
- Điều trị hội chứng Zollinger Ellison:
Liều khởi đầu khuyến cáo là Esomeprazol 40mg, hai lần/ngày. Sau đó điều chỉnh theo đáp ứng của từng người bệnh và tiếp tục điều trị khi có chỉ định về mặt lâm sàng.
- Người tổn thương chức năng thận: Không cần phải điều chỉnh liều ở bệnh nhân tổn thương chức năng thận. Do ít kinh nghiệm về việc dùng thuốc ở bệnh nhân.
- Người tổn thương chức năng gan: không cần giảm liều ở người tổn thương chức năng gan ở mức độ nhẹ đến trung bình. Ở bệnh nhân suy gan nặng, không nên dùng quá liều tối đa 20mg Esomeprazol.
- Người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều ở người cao tuổi.
Trẻ em dưới 12 tuổi: Chưa có dữ liệu nghiên cứu khi dùng Esomeprazol cho trẻ em dưới 12 tuổi.
- Xử lý khi quên liều:
tuyệt đối không quên liều vì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Trong trường hợp quên liều bạn hãy bỏ qua liều đó, không được tiêm chồng vào vào liều tiếp theo.
- Xử trí khi quá liều:
- Khi có biểu hiện bất thường do dùng quá liều thuốc cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.
3. Chống chỉ định của thuốc Capesto 40
Thuốc Capesto 40 chống chỉ định với những người bệnh mẫn cảm với Esomeprazole, phân nhóm benzimidazoles hay bất cứ thành phần nào của thuốc.
Không nên sử dụng đồng thời với thuốc nelfinavir, atazanavir.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Capesto 40
- Khi có bất kỳ 1 triệu chứng báo động nào như: giảm cân đáng kể không có chủ ý, nôn, cảm thấy khó nuốt, hoặc nôn ra máu hay đại tiện phân màu đen. Nghi ngờ hoặc là bị loét dạ dày nên loại trừ bệnh lý ác tính vì điều trị bằng Esomeprazol có thể làm giảm những triệu chứng và làm chậm trễ việc chẩn đoán.
- Người bệnh điều trị thời gian dài (đặc biệt là ở người điều trị hơn 1 năm) nên được theo dõi thường xuyên.
- Người bệnh điều trị theo chế độ khi cần thiết nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa nếu có các triệu chứng thay đổi về đặc tính. Esomeprazol được chỉ định theo chế độ điều trị khi cần thiết, cần xem xét đến các mối liên quan về sự tương tác với các thuốc khác do nồng độ Esomeprazol có trong huyết tương có thể bị thay đổi.
- Người bệnh có các vấn đề di truyền hiếm gặp như không dung nạp fructose, kém hấp thu glucose-galactose haowjc thiếu sucrase-isomaltase không nên dùng Esomeprazole.
- Điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton có thể làm tăng nhẹ nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa so Salmonella và Campylobacter.
- Không khuyến cáo dùng đồng thời Esomeprazol với atazanavir. Nếu sự phối hợp atazanavir với thuốc ức chế bơm proton là không thể tránh khỏi, cần theo dõi chặt chẽ.
- Esomeprazol có thể làm giảm hấp thu vitamin B12. Vậy nên cần cân nhắc khi sử dụng thuốc ở người có giảm dự trữ vitamin B12 hoặc có yếu tố nguy cơ giảm hấp thu vitamin B12 khi điều trị dài hạn.
- Không khuyến khích dùng đồng thời Esomeprazol và clopidogrel.
- Người bệnh có nguy cơ loãng xương nên được chăm sóc theo các hướng dẫn lâm sàng hiện hành và nên được bổ sung 1 lượng vitamin D và calcium thích hợp.
5. Tác dụng phụ của thuốc Capesto 40
Thường gặp:
- Rối loạn hệ thần kinh: Nhức đầu.
- Rối loạn tiêu hóa: Đau bụng, táo bón, tiêu chảy, đầy bụng, buồn nôn/nôn.
Không thường gặp:
- Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: Phù ngoại biên.
- Rối loạn tâm thần: Mất ngủ.
- Rối loạn hệ thần kinh: Choáng váng, dị cảm, ngủ gà.
- Rối loạn tiêu hóa: Khô miệng.
- Rối loạn gan mật: Tăng men gan.
- Rối loạn da và mô dưới da: Viêm da, ngứa, nổi mẩn, mề đay.
- Rối loạn cơ xương và mô liên kết: Gãy xương hông, cổ tay và cột sống.
Hiếm gặp:
- Rối loạn máu và hệ bạch huyết: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
- Rối loạn hệ miễn dịch: Phản ứng quá mẫn như là sốt, phù mạch, phản ứng phản vệ/sốc phản vệ.
- Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: Giảm natri máu.
- Rối loạn tâm thần: Kích động, lú lẫn, trầm cảm.
- Rối loạn hệ thần kinh: Rối loạn vị giác.
6. Cách bảo quản thuốc Capesto 40
- Bảo quản ở nơi khô ráo thoáng mát, nhiệt độ không quá 30°C, trong bao bì gốc và tránh ánh sáng. Để xa tầm tay trẻ em và những vật nuôi trong nhà.
- Capesto 40 là loại thuốc được kê đơn do đó không được tự ý dùng khi mà không có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Không dùng thuốc Capesto 40 quá thời hạn in trên vỉ thuốc, hộp thuốc, với thuốc hết hạn sử dụng nên được loại bỏ và xử lý đúng quy định.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.