Bập bềnh xương bánh chè là biểu hiện đặc trưng trong các trường hợp tràn dịch khớp gối mà ở một khớp gối khỏe mạnh không thể xảy ra. Vì vậy, người bệnh cần được chẩn đoán, phát hiện sớm để có hướng kiểm soát các triệu chứng đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân nhằm xử lý nguyên nhân gây ra tràn dịch trong khớp gối.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Đào Thị Trang - Bác sĩ Nội cơ xương khớp thuộc Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Bập bềnh xương bánh chè là gì?
Bập bềnh xương bánh chè là một dấu hiệu dễ nhận biết của trường hợp tràn dịch khớp gối mà ở một khớp gối khỏe mạnh không thể xảy ra. Xương bánh chè nằm ở phía trước của khớp gối, có vai trò quan trọng trong giảm áp lực khi di chuyển và đứng thẳng. Màng bao xung quanh khớp gối chứa dịch, giảm ma sát và bảo vệ khớp, đồng thời nuôi dưỡng sụn khớp.
Khi có sự cố gây tổn thương màng bao này, dịch trong khớp có thể tràn ra ngoài và lan vào các mô xung quanh, tạo thành tình trạng tràn dịch khớp gối.
2. Dấu hiệu và cách chẩn đoán để nhận biết tràn dịch khớp gối
Những dấu hiệu phổ biến khác của tràn dịch khớp gối bên cạnh bập bềnh xương bánh chè gồm:
- Cảm giác nặng nề ở đầu gối.
- Căng ở khớp, sưng cứng gây khó di chuyển.
- Khó duỗi thẳng hoặc gập gối.
- Nóng đỏ ở vùng gối và xương bánh chè.
Trong quá trình khám, bệnh nhân thường được yêu cầu nằm ngửa, chân mở rộng và duỗi thẳng để bác sĩ có thể đánh giá tình trạng của khớp. Bác sĩ sẽ thực hiện các thao tác như đẩy dồn dịch trong khớp, ấn hoặc vỗ lên xương bánh chè.
Nếu xương này nẩy lên, điều này chứng tỏ khớp gối của bệnh nhân đã bị tràn dịch. Trái lại, ở khớp gối khỏe mạnh, lượng dịch trong khớp ít và xương bánh chè gần nhau, không thể bị nẩy lên khi ấn hoặc chạm vào.
Sau đó, bệnh nhân có thể được yêu cầu thực hiện các phương pháp cận lâm sàng khác như chụp X-quang để đánh giá mức độ thoái hóa khớp, tổn thương tủy xương; chụp MRI để xem xét tổn thương trong màng bao khớp và tình trạng của dịch trong khớp; hoặc siêu âm để đo độ dày của lớp dịch và màng bao khớp.
3. Nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối thường gặp
3.1. Bệnh lý viêm khớp
Các bệnh lý viêm xương khớp như viêm khớp dạng thấp, gout, viêm cột sống dính khớp và viêm khớp vảy nến đều gây ra sự tăng sinh dịch trong màng bao ở nhiều khớp, đặc biệt là ở khớp gối.
3.2. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng trong khớp là một vấn đề nghiêm trọng, dẫn đến tràn dịch trong khớp gối. Trong trường hợp này, dịch trong bao khớp đã trở thành dịch mủ, tích tụ bên trong khớp gối. Nếu không được điều trị kịp thời, dịch mủ có thể gây tổn thương hoặc thậm chí là phá hủy khớp, cần phải phẫu thuật.
Nhiễm trùng có thể xảy ra khi bất kỳ vi khuẩn nào xâm nhập vào khớp gối, phổ biến nhất là vi khuẩn S.aureus, đôi khi là vi khuẩn lao và mycoplasma.
3.3. Chấn thương
Các chấn thương từ hoạt động thể thao, tai nạn hoặc các hoạt động hàng ngày có thể gây tổn thương cho sụn khớp, giãn đứt dây chằng hoặc rách sụn chêm, dẫn đến tràn dịch trong khớp.
Trong một số trường hợp, khi chấn thương khớp gối tái phát mà không được điều trị tận gốc có thể dẫn đến tình trạng viêm khớp do chấn thương. Hậu quả của điều này là tăng sinh dịch và tràn dịch trong khớp gối.
3.4. Khối u
Các khối u, bất kể lành tính hay ác tính, cũng có thể gây ra tràn dịch trong khớp gối.
4. Điều trị tràn dịch khớp gối
Sau khi nhận biết dấu hiệu bập bềnh xương bánh chè của tràn dịch khớp gối, tùy theo giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp:
- Điều trị bằng thuốc: Bao gồm các loại như thuốc giảm đau, kháng viêm; thuốc kháng sinh nếu bị nhiễm trùng...
- Hút dịch: Người bệnh sau khi gặp phải dấu hiệu bập bềnh xương bánh chè và thăm khám bác sĩ có thể sẽ được chỉ định chọc hút dịch khớp để giảm áp lực tạm thời hoặc kết hợp tiêm corticoid trực tiếp vào khớp để giảm viêm tùy tình trạng bệnh của bệnh nhân
- Phẫu thuật: Đối với trường hợp khớp bị tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật làm sạch khớp hoặc thay khớp.
Bên cạnh đó, người bị tràn dịch khớp gối cần:
- Nghỉ ngơi nhiều.
- Hạn chế đi lại để giảm áp lực lên gối.
- Chườm lạnh nhằm giảm đau.
- Kê chân lên cao giúp tuần hoàn máu chi dưới diễn ra thuận lợi hơn và giảm sưng phù.
Bập bềnh xương bánh chè là một trong những dấu hiệu quan trọng của tràn dịch khớp gố - tình trạng gây đau đớn và hạn chế khả năng vận động. Nhận biết sớm các triệu chứng và tìm kiếm sự can thiệp y tế kịp thời là rất quan trọng để bệnh nhân điều trị hiệu quả cũng như ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng. Nếu gặp phải tình trạng này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.