Gãy xương bánh chè có nguy hiểm không và cách sơ cứu?

Gãy xương bánh chè có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm loại gãy và mức độ gãy của xương. Do đó, người bệnh cần nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm và tầm quan trọng của biện pháp sơ cứu ban đầu trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tổng quan về xương bánh chè

1.1 Xương bánh chè là gì?

Xương bánh chè là một xương nhỏ, thuộc kiểu xương vừng, nằm ở phía trước khớp gối, có vai trò quan trọng trong quá trình truyền lực để gấp duỗi gối.

1.2 Nguyên nhân làm gãy xương bánh chè

Các trường hợp thường gặp khiến một người bị gãy xương bánh chè bao gồm:

  • Ngã và đập mạnh đầu gối xuống đất.
  • Va đập đầu gối vào vật cứng khi gối ở tư thế gập.
  • Bị đánh hoặc bị ném vật cứng trực tiếp vào vùng xương bánh chè.
  • Thực hiện các động tác thể thao gây căng cơ đột ngột.
  • Bị tổn thương bởi vũ khí như bom, đạn, mìn… 
Các động tác thể thao gây căng cơ cẳng chân đột ngột có thể làm gãy xương bánh chè.
Các động tác thể thao gây căng cơ cẳng chân đột ngột có thể làm gãy xương bánh chè.

1.3 Dấu hiệu gãy xương bánh chè

Sau chấn thương, người bệnh có thể trải qua các dấu hiệu như sau:

  • Khớp gối sưng to, mất đi hình dạng tự nhiên.
  • Có vết bầm tím  
  • Tràn dịch khớp gối
  • Không duỗi gối được  
  • Xương bánh chè bị giãn cách
  • Chụp phim X-quang thấy xương bánh chè bị gãy

Tuy nhiên, nhiều người thường nhầm lẫn giữa cảm giác đau khi gãy xương với bị bong gân ở khớp gối.  

Khi thăm khám, bác sĩ có thể phát hiện dấu hiệu của gãy xương như: ấn vào vị trí xương gãy, người bệnh cảm nhận được điểm đau chói. Khi bánh chè gãy kiểu giãn cách nhiều, bác sĩ có thể cảm nhận được vị trí giãn cách giữa hai đoạn gãy.

1.4 Phân loại gãy xương bánh chè

Gãy xương bánh chè có nguy hiểm không phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh. Tình trạng này có thể được phân loại như sau:

  • Gãy nứt có di lệch: Sau khi chấn thương xảy ra, các mảnh xương thường bị kéo ra hai phía, tạo thành một khoảng trống ở giữa. Kiểu gãy nghiêm trọng là mặt khớp xương bánh chè bị di lệch.
  • Gãy nứt không di lệch: Các mảnh xương có khả năng vẫn tiếp xúc hoặc cách nhau một chút (dưới milimet) sau khi bị chấn thương. Trong trường hợp này, bác sĩ thường cho cố định khớp gối để xương tự phục hồi.
  • Gãy xương thành nhiều mảnh: Tình trạng gãy xương trong trường hợp này rất nghiêm trọng, các mảnh xương có thể di chuyển ra khỏi vị trí ban đầu hoặc bị vỡ thành nhiều mảnh hơn.
  • Gãy hở xương bánh chè kiểu: Đây là trường hợp nghiêm trọng nhất, ổ gãy có kèm rách da thông với môi trường bên ngoài, có thể gây ra biến chứng viêm xương hoặc nhiễm trùng khớp. Tình trạng này cần điều trị cấp cứu.
  • Gãy kiểu bong giật: Điểm bám vào xương của gân cơ tứ đầu hoặc gân bánh chè bị bong giật ra gây mất chức năng duỗi gối.
  • Gãy bong mảnh sụn xương bánh chè: Kiểu gãy này thường khó chẩn đoán bằng phim X-quang thông thường. Nếu gãy bong mảnh sụn vào trong khớp gối, cần tiến hành phẫu thuật. 
Gãy xương bánh chè có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương.
Gãy xương bánh chè có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương.

2. Gãy xương bánh chè có nguy hiểm không?

Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân thường có thể phục hồi chức năng khớp gối trong khoảng 3-4 tháng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị hoặc chăm sóc đúng cách, tình trạng này có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm mủ khớp gối
  • Teo cơ tứ đầu đùi
  • Xơ hóa và vôi hóa các dây chằng bao quanh khớp làm hạn chế vận động, đặc biệt là khó khăn trong việc gấp và duỗi gối ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của chi.
  • Liền lệch xương bánh chè và biến chứng của khớp giả xương bánh chè…

3. Xử trí thế nào khi bị gãy xương bánh chè?

Khi chưa rõ tình trạng chấn thương khớp gối, người bệnh cần nghỉ ngơi và không di chuyển để quan sát. Người bệnh có thể sử dụng khăn lạnh hoặc gói đá trong khăn và chườm lên vùng chấn thương trong khoảng 20 phút, sau đó nghỉ 20 phút và tiếp tục lặp lại quá trình này (lưu ý không đặt đá lạnh trực tiếp lên da).

Sau đó, người bệnh cần tiếp tục quan sát xem liệu triệu chứng sưng đau và phù nề có giảm đi hoặc liệu có càng ngày càng đau hay không. Nếu không cải thiện hoặc bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, đây có thể là dấu hiệu của tổn thương hoặc gãy xương.

Đối với trường hợp được xác định là gãy xương, người bệnh cần được tiến hành sơ cứu bằng cách cố định tạm thời ở vị trí từ 1/3 giữa đùi đến trên bàn chân, bằng cách sử dụng nẹp gỗ trong tư thế duỗi gối hoàn toàn, hoặc sử dụng nẹp ORBE duỗi gối hiện rất phổ biến tại các nhà thuốc.  

Ngay sau đó, người bệnh cần được chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để thực hiện bước kiểm tra và điều trị tiếp theo. Đặc biệt, người bệnh không nên tự mình điều trị hoặc tìm cách khác như đắp thuốc, đắp lá, bôi cao dầu nóng… vì điều này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

4. Điều trị gãy xương bánh chè

Sau khi tiến hành thăm khám, chụp X-quang và các xét nghiệm khác, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị phù hợp dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân:

  • Điều trị bảo tồn: Phương pháp này áp dụng khi xương bánh chè bị vỡ dạng nứt rạn mà không có sự di lệch, đặc biệt áp dụng cho những trường hợp như bệnh nhân cao tuổi không thể đi lại hoặc có bệnh nền nội khoa nặng đi kèm.
  • Phẫu thuật xương bánh chè được chỉ định khi xương bánh chè bị vỡ. Nếu khoảng cách giữa hai mảnh xương vỡ xa nhau, xương bị gãy thành nhiều mảnh hoặc có mảnh xương lệch vào khớp gối, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật mổ xương bánh chè buộc vòng chỉ thép, mổ buộc xương số 8, mổ bắt vít. Trường hợp xương bị vỡ quá nghiêm trọng, có thể phải mổ để thay thế hoặc lấy bỏ xương bánh chè. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe