Rất nhiều các phương pháp điều trị ung thư có ảnh hưởng tạm thời hoặc vĩnh viễn lên khả năng sinh sản ở nam giới. Do đó trước khi quá trình điều trị bắt đầu, hãy tham vấn với bác sĩ về nguy cơ ảnh hưởng lên khả năng sinh sản cũng như các giải pháp để bảo tồn khả năng sinh sản của bản thân.
1. Các phương pháp điều trị ảnh hưởng tới khả năng sinh sản như thế nào?
Ung thư và các phương pháp điều trị ung thư gây ra các vấn đề về sinh sản theo hai con đường chủ yếu:
- Gây tổn thương lên các tuyến nội tiết hoặc các cơ quan có liên quan tới nội tiết. Đó là tinh hoàn, tuyến giáp, tuyến thượng thận,... vốn là các tuyến, các cơ quan tiết ra nội tiết tố kiểm soát dậy thì và sinh sản.
- Tác động lên não bộ, qua đó ảnh hưởng lên hệ nội tiết.
Các vấn đề về sinh sản là hậu quả từ:
- Tinh trùng bị giảm chất lượng.
- Tinh trùng bị giảm số lượng.
- Giảm hoặc mất khả năng tiết ra tinh dịch (tinh dịch là chất dịch được tạo ra tại tinh hoàn, trong quá trình quan hệ tình dục nó mang theo tinh trùng).
2. Các phương pháp điều trị ung thư ảnh hưởng tới khả năng sinh sản
Các phương pháp điều trị ung thư dưới đây có hoặc có thể gây ra các tác dụng không mong muốn đối với khả năng sinh sản:
2.1 Hóa trị
Một số thuốc sử dụng trong hóa trị sau đây (đặc biệt là các tác nhân alkyl hóa) gây ra các vấn đề sinh sản ở con người:
- Busulfan (Busulfex, Myleran).
- Carmustine (BiCNU).
- Chlorambucil (Leukeran).
- Cisplatin (Platinol).
- Cyclophosphamide (Neosar).
- Lomustine (CeeNU).
- Mechlorethamine (Mustargen).
- Melphalan (Alkeran).
- Procarbazine (Matulane).
2.2 Xạ trị
Xạ trị có thể phá hủy tinh trùng cũng như các tế bào mầm sẽ hình thành nên tinh trùng sau này.
Các hình thức xạ trị có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản bao gồm:
- Xạ trị toàn thân chuẩn bị cho cấy ghép tủy xương.
- Xạ trị khu vực giữa thân mình, bao gồm vùng bụng, chậu hông, cột sống vùng thấp, và tinh hoàn.
- Xạ trị tuyến yên (nằm ở não bộ).
2.3 Phẫu thuật
Phẫu thuật loại bỏ các cơ quan sau đây gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản:
- Tiền liệt tuyến.
- Bàng quang.
- Một hoặc cả hai tinh hoàn.
- Phẫu thuật nạo vét hạch vùng chậu.
3. Các ảnh hưởng khác nhau từ quá trình điều trị ung thư lên khả năng sinh sản
Tùy cá nhân mỗi nam giới mà quá trình điều trị ung thư có tác động khác nhau lên khả năng sinh sản. Với một số người sẽ bị vô sinh vĩnh viễn, với một số khác sẽ chỉ là tạm thời (dù có thể kéo dài tới vài năm), sau đó khả năng sinh sản có thể quay trở lại (và có thể không được như trước khi điều trị).
Các yếu tố làm tăng nguy cơ gây ra các vấn đề sinh sản:
- Xạ trị hoặc hóa trị liều cao.
- Có vấn đề về sinh sản trước khi tiến hành điều trị.
- Nhiều tuổi (trên 40 tuổi) (dù vô sinh do điều trị ung thư có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào).
Bệnh nhân trẻ tuổi điều trị ung thư trước tuổi dậy thì có thể ít bị tổn thương lên tinh trùng. Tuy nhiên điều trị liều cao vẫn có thể gây ra vô sinh vĩnh viễn trong tương lai, chẳng hạn như trường hợp hóa trị chuẩn bị cho cấy ghép tủy xương.
Rất nhiều chuyên gia khuyên sau quá trình điều trị ung thư, nên đợi khoảng 6 tháng trước khi tiến hành thụ thai. Đây là khoảng thời gian cần thiết để tinh trùng bình phục trở lại.
4. Khuyến cáo về việc bảo tồn khả năng sinh sản ở nam giới
Hiệp hội ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (The American Society of Clinical Oncology - ASCO) khuyến cáo tất cả nam giới mắc ung thư cần tham vấn với bác sĩ về vấn đề vô sinh và bảo tồn khả năng sinh sản ở nam càng sớm càng tốt trước khi tiến hành điều trị.
Các lựa chọn bảo tồn sinh sản phải dựa trên:
- Tuổi.
- Sự trưởng thành về thể chất và sinh dục.
- Tình trạng quan hệ hôn nhân.
- Ý nguyện của bệnh nhân.
Các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản ở nam được Hiệp hội ung thư lâm sàng Hoa Kỳ khuyến cáo bao gồm:
- Lưu trữ tinh trùng: quá trình này sẽ tiến hành đông lạnh rồi lưu trữ tinh dịch. Phương pháp này đạt hiệu quả tốt nhất nếu thực hiện trước khi tiến hành điều trị, bởi sau khi điều trị mới lưu trữ tinh trùng thì rất có thể những tinh trùng đó đã bị hư hại vật liệu di truyền. Tinh dịch đông lạnh có thể được sử dụng sau này, qua kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung hoặc thụ tinh nhân tạo. Lưu trữ tinh trùng là lựa chọn thích hợp cho hầu hết những nam giới đã dậy thì. Với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (intracytoplasmic sperm injection - ICSI), chỉ cần một ít tinh trùng cũng đủ để một người đàn ông được trở thành người cha.
- Trữ đông mô tinh hoàn: đây là phương pháp vẫn đang được nghiên cứu, dành cho những bệnh nhân chưa dậy thì. Mô tinh hoàn sau khi được lấy ra sẽ cho đông lạnh và lưu trữ sử dụng sau này.
5. Bảo tồn khả năng sinh sản trước xạ trị
Đa số các phương pháp bảo tồn sinh sản cần được tiến hành trước khi bước vào quá trình điều trị. Tuy nhiên nếu phải xạ trị, bệnh nhân có thể sử dụng tấm chắn bằng chì để bảo vệ tinh hoàn, tránh cho tinh trùng không bị tổn hại. Điều này rất khả thi nếu bệnh nhân mắc ung thư ở các khu vực ngoài khung chậu.
6. Cân nhắc phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản
Không phải phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản nào cũng thích hợp cho tất cả mọi người. Hãy cân nhắc các yếu tố sau:
- Chi phí để thực hiện phương pháp.
- Hiệu quả phương pháp mang lại.
- Các ảnh hưởng tâm lí tác động lên bệnh nhân, nhất là khi bệnh nhân đang trong tình trạng căng thẳng.
7. Các câu hỏi tham khảo mà bệnh nhân có thể sử dụng
Trong quá trình xin tham vấn từ bác sĩ, bệnh nhân có thể tham khảo một số câu hỏi dưới đây để quá trình tư vấn được thuận lợi và dễ dàng hơn:
- Mỗi phương pháp điều trị ảnh hưởng tới khả năng sinh sản như thế nào?
- Phương pháp nào có nguy cơ thấp nhất?
- Các phương pháp bảo tồn sinh sản có thể chọn lựa là gì?
- Các phương pháp bảo tồn sinh sản có làm ảnh hưởng tới quá trình điều trị hay không?
- Các phương pháp bảo tồn sinh sản có làm tăng nguy cơ tái phát ung thư hay không?
- Khi nào có thể tiến hành thụ thai sau điều trị?
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: cancer.net