Quai bị là một bệnh truyền nhiễm trên toàn thế giới do virus quai bị gây ra. Virus quai bị lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Ở những bài viết trước đã đề cập đến các biểu hiện lâm sàng, cách điều trị, phòng chống lây nhiễm, cũng như các biến chứng thường gặp khi mắc virus quai bị. Ở bài viết này sẽ đề cập chi tiết hơn về một biến chứng “đáng sợ hơn” của quai bị, cụ thể là biến chứng viêm tinh hoàn, viêm mào tinh ở thanh thiếu niên và nam giới trưởng thành.
1. Biểu hiện lâm sàng của viêm tinh hoàn, viêm mào tinh
Viêm tinh hoàn do quai bị thường xảy ra vào khoảng một tuần sau khi bắt đầu viêm tuyến mang tai ở nam thanh niên nhiễm MuV. Sự khởi phát của viêm tinh hoàn có liên quan đến các triệu chứng cơ năng và thực thể như đau đầu và sốt và sau đó biểu hiện như sưng và đau tinh hoàn. Kiểm tra bìu thường thấy tinh hoàn một bên hoặc cả hai bên sưng, đau, nóng kèm theo biểu hiện tràn dịch màng tinh hoàn.
Viêm mào tinh hoàn cũng xảy ra ở hầu hết các trường hợp viêm tinh hoàn do quai bị. Một nghiên cứu gần đây chứng minh rằng viêm mào tinh hoàn do quai bị thường xảy ra hầu hết ở phần đầu mào tinh, trái ngược với viêm mào tinh hoàn do vi khuẩn thường xảy ra ở phần đuôi hoặc thân mào tinh.
Trên siêu âm tinh hoàn có thể dễ dàng nhận thấy các hình ảnh của tổn thương viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn bao gồm độ phản âm thấp, tăng thông mạch và tăng thể tích của tinh hoàn và mào tinh hoàn có thể kèm theo hình ảnh tràn dịch màng tinh hoàn.
Trong giai đoạn cấp tính (tinh hoàn sưng, nóng, đỏ, đau), chức năng nội tiết của tinh hoàn bị thay đổi, ví dụ như giảm nồng độ testosterone. Một số trường hợp cũng cho thấy mức độ hormone tuyến yên - hormone điều hòa hoạt động nội tiết, sinh tinh trùng của tinh hoàn LH và FSH tăng lên. Các triệu chứng cấp tính có thể hết trong vòng hai tuần. Tuy nhiên, các bất thường về tinh trùng, bao gồm số lượng, khả năng di chuyển và hình thái tinh trùng có thể kéo dài trong nhiều năm sau khi phục hồi, cho thấy có thể xảy ra quá trình sinh tinh bất thường.
Sau nhiều năm quan sát ở những người nam giới đã từng mắc quai bị sau dậy thì có biến chứng viêm tinh hoàn, kích thước tinh hoàn nhỏ, mầt độ mềm. Dưới siêu âm, tinh hoàn teo thấy rõ được đặc trưng bởi hình dạng thuôn dài, độ hồi âm thấp và giảm tính mạch máu dựa trên kết quả siêu âm. Quan sát dưới kính hiển vi các mảnh sinh thiết tinh hoàn thấy biểu mô sinh tinh bị teo nhỏ, không có hiện tượng sinh tinh, không có tinh trùng.
XEM THÊM: Teo tinh hoàn do mắc bệnh quai bị có thể sinh con được không?
2. Cơ chế bệnh sinh teo tinh hoàn sau khi mắc quai bị
Các biến chứng của MuV không gây chết người, do đó thiếu mẫu người để kiểm tra cơ chế bệnh sinh. Thông tin hiện tại về quá trình phát sinh bệnh sau khi bị quai bị phần lớn dựa vào các nghiên cứu trên mô hình động vật. Không may, virus quai bị lại không gây tình trạng viêm tinh hoàn trên mô hình động vật thực nghiệm như trên người. Các giả thuyết được đặt ra có thể do liên quan tới đặc quyền miễn dịch tại tinh hoàn. Ở cơ thể người nam giới bình thường, quá trình sinh tinh tại tinh hoàn tránh được các tác động của hệ thống miễn dịch của chính cơ thể nhờ đặc điểm “hàng rào” do các tế bào bảo vệ tại chính tinh hoàn tạo nên.
Cũng chính do đặc quyền này mà có thể virus quai bị khi xâm nhập được vào tinh hoàn dễ dàng nhân lên gây tổn thương các tế bào sinh tinh, đồng thời chính sự nhân lên đó của virus đã phá hủy “hàng rào” miễn dịch tại tinh hoàn. Những tế bào mầm vừa bị tấn công bởi virus quai bị ở giai đoạn cấp tính, vừa bị tấn công bởi chính hệ thống miễn dịch người nam giới ở giai đoạn sau đó.
XEM THÊM: Viêm tinh hoàn sau quai bị bao lâu thì khỏi?
3. Phương pháp tiếp cận chẩn đoán và điều trị
Thông thường các bệnh nhân mắc quai bị ít khi tới bệnh viện, chỉ trừ khi có các biến chứng xảy ra. Bệnh nhân thường tới bệnh viện khi xuất hiện sưng đau 1 hoặc cả 2 bên bìu. Việc chẩn đoán dựa vào các biểu hiện lâm sàng kèm theo các xét nghiệm miễn dịch tìm kháng thể kháng virus quai bị IgG, IgM trong huyết thanh và tìm virus quai bị trong nước bọt bằng kỹ thuật RT-PCR. Tuy nhiên, kỹ thuật RT-PCR cũng ít được chỉ định trong lâm sàng.
Điều trị viêm tinh hoàn do quai bị thường bao gồm các biện pháp điều trị hỗ trợ mà chưa có một hướng dẫn điều trị đặc hiệu nào cụ thể. Các biện pháp điều trị hỗ trợ bao gồm nghỉ ngơi tại giường, nâng đỡ bìu và các loại thuốc giảm đau và kháng kích thích chống đau, sốt. Các triệu chứng cơ năng và thực thể có thể biến mất sau điều trị tích cực trong 4−10 ngày. Thuốc chống đau giảm viêm steroid đã được sử dụng để giảm đau và sưng tinh hoàn, nhưng nó không làm thay đổi diễn biến lâm sàng và ngăn ngừa teo tinh hoàn sau đó. Interferon đã được sử dụng trong một loạt các trường hợp để chữa bệnh viêm tinh hoàn do quai bị. Tuy nhiên, đây là một phương pháp gây tranh cãi vì có bằng chứng ngược chiều về hiệu quả điều trị của nó.
Điều đáng nói ở đây là biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới sau tuổi dậy thì khi mắc virus quai bị đôi khi thoáng qua hoặc không được đánh giá đúng mức cũng như tâm lý ngại tới bệnh viện của bệnh nhân dẫn đến những hậu quả “nặng nề” sau này. Những tế bào có chức năng nội tiết tại tinh hoàn có khả năng phục hồi sau giai đoạn cấp mắc quai bị, tuy nhiên những tế bào mầm sinh tinh trùng tổn thương vĩnh viễn không hồi phục. Điều này dẫn tới nam giới không thấy thay đổi về sinh lý nên cũng không tới bệnh viện để kiểm tra khả năng sinh sản của mình. Họ chỉ tìm đến bệnh viện sau một thời gian dài mong con mà không có kết quả. Tuy nhiên nếu ở giai đoạn này thì việc giúp họ có được những đứa con của chính mình là điều không thể.
Lời khuyên dành cho các bệnh nhân nam giới mắc quai bị sau tuổi dậy thì là nên kiểm tra và theo dõi sức khỏe sinh sản nam giới ngay sau khi bị mắc bệnh để có những xử trí kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra sau này.
Nhờ sự phát triển trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản cũng như hệ thống lưu trữ hiện đại bậc nhất của Ngân hàng mô Vinmec, bệnh nhân có thể lựa chọn việc lưu trữ tinh trùng như một bảo hiểm sinh sản ngay sau khi qua giai đoạn cấp của mắc quai bị để đảm bảo thiên chức làm cha sau này.
Nếu cần cung cấp thêm thông tin và tư vấn, khách hàng có thể liên hệ tới Ngân hàng Mô Vinmec, 458 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo:
Han Wu, Fei Wang, Dongdong Tang, Daishu Han. Mumps Orchitis: Clinical Aspects and Mechanisms. Front Immunol. 2021 Mar 18;12:582946. doi: 10.3389/fimmu.2021.582946.