Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Bạn đang cố gắng thụ thai, vậy đã đến lúc thay đổi lại thói quen ăn uống của bạn. Bạn có thể tăng cường cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể bằng cách ăn những thực phẩm tốt cho sức khỏe và duy trì một lối sống lành mạnh. Thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, bao gồm trái cây và rau, cá, hàu, protein thực vật và ngũ cốc nguyên hạt, có thể giúp hỗ trợ khả năng sinh sản, một số nghiên cứu cho thấy. Hạn chế rượu, chất béo chuyển hóa và cafein. Khuyến khích đối tác của bạn cũng nên có một chế độ ăn uống lành mạnh vì điều này hỗ trợ tinh trùng khỏe mạnh. Vậy để có thể giúp bạn dễ mang thai, đâu là những thực phẩm và chất dinh dưỡng bạn cần nhất cho bạn? Và ăn như thế nào?
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy các loại thực phẩm cụ thể có thể khiến người phụ nữ dễ thụ thai hơn, tuy nhiên một chế độ ăn uống hợp lý và lành mạnh mang lại nhiều tác dụng hơn mọi người vẫn tưởng trong vấn đề sinh sản. Cynthia Staad, một chuyên gia dinh dưỡng tại Colorado cho biết: “Tất cả những gì bạn ăn có ảnh hưởng tới mọi thứ trong cơ thể của bạn, từ máu, tế bào cho đến hormone”. Một người phụ nữ có thể tối ưu hóa cũng như gia tăng cơ hội thụ thai bằng cách duy trì cân nặng và lối sống lành mạnh, ăn những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và hạn chế tối đa các chất kích thích cũng như các loại thực phẩm có hại. Chế độ ăn uống lành mạnh còn có thể giúp người phụ nữ có một giai đoạn thai kỳ khỏe mạnh sau thụ thai.
1. Những loại thực phẩm có thể hỗ trợ khả năng sinh sản
Một số loại thực phẩm dưới đây đã được chứng minh có khả năng hỗ trợ sinh sản, bao gồm:
1.1. Hoa quả và rau xanh
Hãy coi hoa quả và rau xanh như một loại vitamin tổng hợp mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Trái cây và rau quả cung cấp rất nhiều loại vitamin và khoáng chất và đặc biệt là bổ sung một số chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng trước khi người phụ nữ thụ thai.
Các loại thực phẩm như rau bina, cải bruxen, măng tây, bắp cải, trái cây họ cam quýt, các loại hạt, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì và ngũ cốc bổ sung rất nhiều vitamin B cho cơ thể. Vitamin B là một dạng acid folic tự nhiên, một chất dinh dưỡng thiết yếu trong các loại vitamin mà người phụ nữ cần nếu đang có kế hoạch mang thai. Ăn các loại thực phẩm giàu vitamin B trong thời kỳ chuẩn bị mang thai và mang thai có thể giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh liên quan đến ống thần kinh như tật nứt đốt sống. Vitamin B có thể bị thất thoát trong quá trình nấu nướng do đó hãy cố gắng hấp hoặc luộc rau với một lượng nhỏ nước để có thể giữ được vitamin B.
Nói chung, trái cây và các loại rau quả luôn là lựa chọn cho tất cả các chế độ ăn uống lành mạnh chứ không chỉ dành cho những người phụ nữ mang thai.
1.2. Cá
Các loại cá béo như cá hồi, cá cơm, cá trích... là nguồn cung cấp acid béo omega -3 cho cơ thể. Theo một số nhà khoa học, những chất béo thiết yếu này có thể có tác động tích cực đến khả năng sinh sản của người phụ nữ. Các nghiên cứu cho thấy một chế độ ăn uống giàu acid béo omega – 3 có thể giúp điều hòa quá trình rụng trứng, cải thiện chất lượng tế bào trứng và thậm chí làm chậm sự lão hóa của buồng trứng.
Một số người cho rằng cá chứa nhiều thủy ngân, một kim loại nặng có hại cho não và hệ thần kinh đang phát triển của trẻ. Tuy nhiên không phải tất cả các loại cá đều chứa nhiều thủy ngân. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho biết những người phụ nữ đang có kế hoạch mang thai có thể ăn khoảng 3 khúc cá trong tuần mà không sợ ảnh hưởng tới thai nhi. Tuy nhiên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cũng đưa ra khuyến cáo về một số loại cá không tốt cho sức khỏe và nên hạn chế ăn như cá ngừ trắng và tránh hoàn toàn cá kiếm, cá nhám, cá ngói từ vịnh Mexico, cá thu, cá ngừ mắt to và cá mập vì đây đều là những loại cá có hàm lượng thủy ngân rất cao.
Ngoài ra những người phụ nữ có kế hoạch mang thai cũng có thể uống bổ sung dầu cá nếu không muốn ăn trực tiếp. Tuy nhiên bạn cũng cần trao đổi với bác sĩ về loại dầu cá cũng như liều lượng sử dụng.
1.3. Hàu biển
Trong khi những thực phẩm đã nêu bên trên có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nữ giới thì hàu biển lại có thể tăng cường khả năng sinh sản của cả nam giới và nữ giới. Hàu biển chứa nhiều kẽm, đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất tinh dịch và hormone testosterone ở nam giới cũng như quá trình rụng trứng và khả năng sinh sản ở nữ giới. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là các cặp vợ chồng nên bổ sung hàu vào mỗi bữa ăn của họ. Duy trì lượng kẽm được khuyến nghị hàng ngày ở mức 8 mg mỗi ngày có thể giúp hệ sinh sản hoạt động bình thường, tuy nhiên quá nhiều kẽm có thể sẽ phản tác dụng và khiến khả năng sinh sản của cả hai giảm sút.
1.4. Protein nguồn gốc thực vật
Protein là một phần quan trọng trong các chế độ ăn uống. Tuy nhiên nhiều người lại phụ thuộc quá nhiều vào nguồn protein động vật đến từ thịt bò, thịt lợn, thịt gà. Trong một nghiên cứu mới đây trên 18.555 người phụ nữ, các chuyên gia tại đại học Harvard đã phát hiện ra rằng những người thường xuyên bổ sung protein có nguồn gốc thực vật chẳng hạn như từ đậu Hà Lan, đậu nành hoặc đậu phụ ít có nguy cơ bị vô sinh do các vấn đề liên quan đến buồng trứng.
Trên thực tế, protein thực vật thường ít chất béo và năng lượng hơn so với protein nguồn gốc động vật nên việc đưa chúng vào khẩu phần ăn hàng ngày cũng là một cách tuyệt vời để duy trì cân nặng hợp lý.
1.5 Các loại ngũ cốc
Một người phụ nữ đang có kế hoạch mang thai nên ăn càng nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng càng tốt và ngũ cốc nguyên hạt là một trong số những lựa chọn tuyệt vời. Theo nhiều nghiên cứu, chế độ ăn uống lành mạnh với ngũ cốc nguyên hạt có mối liên quan đến khả năng sinh sản của người phụ nữ. Các chuyên gia cũng khuyến cái nên sử dụng một nửa lượng ngũ cốc hàng ngày ở dạng nguyên hạt.
Carbohydrate tinh chế trong mì trắng, mì ống và gạo trắng không trực tiếp làm giảm khả năng mang thai của phụ nữ nhưng chúng khiến cơ thể thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như chất xơ, một số vitamin nhóm B và sắt. Chúng cũng có liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), một trong những nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở phụ nữ. Hội chứng buồng trứng đa nang là tình trạng mất cân bằng nội tiết tố có thể trở nên tồi tệ hơn khi nồng độ insulin trong máu tăng cao và carbohydrate tinh chế là nguyên nhân chính gây ra sự tăng đột biến của insulin này. Mark Leondires, chuyên gia sinh sản và là giám đốc y tế của Hiệp hội Y học Sinh sản Connecticut giải thích rằng khi phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang ăn quá nhiều carbohydrate tinh chế sẽ khiến nồng độ insulin trong máu tăng cao, ảnh hưởng đến buồng trứng của phụ nữ.
2. Những loại thực phẩm nên tránh hoặc hạn chế
Cố gắng hạn chế tối đa lượng rượu đưa vào cơ thể. Thi thoảng có thể tự cho mình thưởng thức một ly rượu sẽ không ảnh hưởng tới khả năng mang thai nhưng uống nhiều hơn thế mỗi ngày có thể để lại những tác hại xấu. Rượu có thể gây hại cho thai nhi cũng như làm sai lệch thời điểm rụng trứng ở người phụ nữ.
Ngoài ra những thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa cũng cần được giảm thiểu. Được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm chế biến và thức ăn nhanh, chất béo chuyển hóa được cho là có liên quan đến vô sinh. Các nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn nhiều chất béo chuyển hóa có thể liên quan đến các vấn đề về rụng trứng cũng như số lượng và chất lượng tinh trùng ở nam giới.
Có một số bằng chứng khoa học cho thấy uống nhiều cà phê mỗi ngày có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên sử dụng tối đa 200mg cà phê mỗi ngày. Vì không ai biết chắc chắn caffeine ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như thế nào nên những người phụ nữ đang gặp khó khăn trong vấn đề mang thai cần cân nhắc việc loại bỏ hoàn toàn cà phê ra khỏi chế độ ăn uống hàng ngày.
3. Những thay đổi quan trọng về lối sống
Để quá trình thụ thai và mang thai diễn ra thuận lợi không chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống mà còn là việc xây dựng những thói quen tốt để chuẩn bị cho một thai kỳ cũng như nâng cao sức khỏe của bé.
3.1. Uống vitamin trước khi sinh với acid folic
Ngay cả khi đang duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, các bà mẹ tương lai vẫn cần bổ sung vitamin trước khi sinh để làm giảm nguy cơ sinh con mắc dị tật ống thần kinh. Hầu hết các chuyên gia khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ nên bắt đầu bổ sung axit folic ít nhất một tháng trước khi cố gắng mang thai. Trên thực tế, Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên bổ sung 400 microgam (mcg) axit folic mỗi ngày.
Uống vitamin trước khi sinh đảm bảo rằng bạn nhận được đủ axit folic và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác để tăng cơ hội thụ thai một em bé khỏe mạnh. Thêm vào đó: Có một số bằng chứng cho thấy uống vitamin trước khi sinh có thể giúp bạn tránh ốm nghén khi mang thai.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng thực phẩm bổ sung là một biện pháp bảo vệ, không thay thế cho một chế độ ăn uống lành mạnh. Và vì các loại vitamin tổng hợp thông thường có thể chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất có thể gây hại cho thai nhi đang phát triển, do đó hãy cân nhắc chọn những loại viên uống được bào chế dành riêng cho phụ nữ mang thai.
3.2. Tránh hút thuốc và các các chất kích thích
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ hút thuốc và thường xuyên sử dụng các loại chất kích thích có nguy cơ vô sinh cao hơn đáng kể. Mặc dù rất khó để nghiên cứu ảnh hưởng của thuốc đối với khả năng sinh sản nhưng đã có những tài liệu chứng minh được khói thuốc lá có thể gây ra những ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của thai nhi.
3.3. Duy trì cân nặng hợp lý
Thừa cân, béo phì hoặc thiếu cân đều có thể khiến người phụ nữ khó mang thai hơn. Ngoài ra, phụ nữ béo phì có thể gặp nhiều biến chứng khi mang thai và sinh nở hơn trong khi phụ nữ nhẹ cân có nhiều khả năng sinh ra những trẻ nhẹ cân.
Không cung cấp đủ chất dinh dưỡng mỗi ngày có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, khiến người phụ nữ khó xác định thời điểm rụng trứng. Ngoài việc tuân thủ một chế độ ăn lành mạnh, ít chất béo, nhiều chất xơ, phụ nữ cũng cần tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Nếu cảm thấy thừa cân, hay đặt mục tiêu giảm từ 1 đến 2kg mỗi tuần. Giảm cân quá mức có thể khiến cơ thể cạn kiệt nguồn dinh dưỡng dự trữ và điều này thực sự không tốt với thai nhi.
3.4. Bổ sung sắt
Cần chú ý bổ sung lượng sắt trước khi mang thai, nhất là với những người phụ nữ kinh nguyệt ra nhiều. Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai cần nhiều hơn khoảng 1/3 lượng sắt so với nhu cầu trước khi mang thai. Quá ít sắt trong quá trình thụ thai không chỉ ảnh hưởng đến thai nhi mà còn có thể khiến bà mẹ có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt.
Những người phụ nữ hoàn toàn có thể tối ưu hóa sức khỏe sinh sản của bản thân nhằm tăng khả năng thụ thai bằng cách sử dụng những thực phẩm tốt cho sức khỏe bên cạnh việc duy trì một lối sống lành mạnh. Những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng bao gồm trái cây, rau quả, cá, hàu, protein nguồn gốc thực vật và ngũ cốc nguyên hạt có thể hỗ trợ khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Ngoài ra cũng cần hạn chế sử dụng rượu, chất béo chuyển hóa và caffeine.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com, whattoexpect.com