Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Dị ứng thức ăn là một tình trạng phổ biến mà nhiều người mắc phải, trong đó dị ứng hải sản là trường hợp hay gặp nhất. Bà bầu bị dị ứng hải sản là trường hợp có thể gặp trong thai kỳ. Phản ứng xảy ra ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
1. Mẹ bầu bị dị ứng hải sản có nguy hiểm không?
Phản ứng dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức với các dị nguyên xâm nhập vào cơ thể. Dị ứng thức ăn nói chung hay dị ứng hải sản nói riêng thường xuất hiện ở những người có cơ địa dị ứng trước đó, biểu hiện bằng nhiều bệnh lý như viêm da cơ địa.
Bà bầu bị dị ứng hải sản khi cơ thể phản ứng thái quá với những thành phần bên trong hải sản và biểu hiện bằng các triệu chứng đa dạng trên lâm sàng. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà biến chứng của nó có thể xuất hiện ở những mức độ nặng nề khác nhau.
Dị ứng hải sản đôi khi được ghi nhận trong thai kỳ ở những người phụ nữ trước đây chưa từng có tiền sử dị ứng, đặc biệt thường thấy ở quý 1 thai kỳ. Điều này có thể được giải thích bởi sự thay đổi của hệ miễn dịch nhằm thích ứng với sự xuất hiện của bào thai. Khi đó cùng với sự thay đổi nhịp sinh học của các hoocmon sinh học, hoạt động của hệ miễn dịch cũng dễ bị rối loạn. Chính sự khác biệt này khiến phụ nữ mang thai dễ gặp phải nhiều rối loạn khác nhau, bao gồm dị ứng hải sản.
Dị ứng hải sản ở phụ nữ mang thai đôi khi gặp những phản ứng nhẹ, có khi dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, nặng nề nhất là sốc phản vệ. Tính mạng của bà mẹ có thể bị đe dọa nếu phản ứng phản vệ không được phát hiện kịp thời.
2. Yếu tố nguy cơ khiến bà bầu bị dị ứng hải sản
Dị ứng hải sản là một bất thường có thể xuất hiện ở tất cả mọi người. Tuy nhiên, một số yếu tố được xem làm tăng nguy cơ xuất hiện phản ứng dị ứng ở một số người, bao gồm:
- Tiền sử có những đợt dị ứng trước đây.
- Mắc bệnh hen phế quản
- Mắc bệnh chàm hoặc viêm da cơ địa
- Suy giảm hệ miễn dịch
- Có người thân trong gia đình từng mắc nhiều đợt dị ứng với các dị nguyên khác nhau
Tuy nhiên phản ứng dị ứng hải sản ở phụ nữ mang thai có thể xuất hiện với những đối tượng không có các đặc điểm nguy cơ trên. Vì thế khi có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ, các mẹ bầu cần đến khám tại các cơ sở y tế trước khi có những biến chứng nghiêm trọng khác.
3. Cách nhận biết khi bà bầu bị dị ứng hải sản
Tương tự như các phản ứng dị ứng khác, bà bầu bị dị ứng hải sản xuất hiện nhiều biểu hiện đa dạng ở các cơ quan khác nhau sau khi ăn hải sản. Các phản ứng xuất hiện ngoài da và niêm mạc là các triệu chứng phổ biến nhất, bao gồm phát ban, mề đay và ngứa, biểu hiện như viêm da cơ địa: Các triệu chứng ngoài da và niêm mạc gây mẩn ngứa, có thể gặp những dấu hiệu tại hệ hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, thần kinh như:
- Khó thở, thở nhanh
- Thở rít
- Buồn nôn, nôn mửa
- Đau bụng
- Rối loạn tiêu hóa
- Trào ngược dạ dày thực quản.
Khi dị ứng hải sản tiến triển nặng nề thành sốc phản vệ, bà bầu có thể đối diện với các biểu hiện nghiêm trọng như:
- Rối loạn tri giác
- Da lạnh ẩm
- Phù nề thanh khí phế quản
- Phù mặt, môi
- Khó thở mức độ nặng
- Tim đập nhanh
- Huyết áp tụt
Khi có bất kỳ một biểu hiện bất thường nào sau khi ăn hải sản, các bà bầu cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm nhất.
4. Bà bầu bị dị ứng hải sản phải làm sao?
Khi có biểu hiện nghi ngờ dị ứng hải sản, phụ nữ mang thai không nên tự ý điều trị vì bất sử dụng thuốc trong thai kỳ không đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng. Việc điều trị và xử trí khi bà bầu bị dị ứng hải sản cần có sự tham vấn của bác sĩ để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Khi xác định phản ứng dị ứng hải sản ở mức độ nhẹ, các thuốc điều trị triệu chứng, giảm ngứa và hạn chế phản ứng dị ứng có thể được chỉ định sử dụng. Các thuốc này có tác dụng khiến người thai phụ cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, liều thuốc và thời gian sử dụng thuốc phải tuân theo các chỉ định của bác sĩ điều trị.
Khi phản ứng dị ứng tiến triển nặng nề hơn, thuốc điều trị phản ứng theo đường tiêm sẽ được chỉ định sử dụng để cấp cứu cho tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi. Nếu không may rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn ngừng hô hấp trước khi đến bệnh viện, thai phụ cần được cấp cứu bằng hô hấp nhân tạo, bóp tim ngoài lồng ngực, và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
Sau khi được xử trí ổn định, bệnh nhân nên được điều tra và khai thác chế độ ăn trước đó. Các loại hải sản có khả năng gây dị ứng nên được khuyên loại trừ trong các khẩu phần ăn sau đó. Muốn xác định được chính xác loại hải sản gây dị ứng, bệnh nhân cần được thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu hơn.
Để bảo vệ sức khỏe cho thai nhi và thai phụ, hành động có hiệu quả nhất là phòng ngừa các trường hợp dị ứng hải sản trước khi nó xảy ra. Đối với những người đã có tiền sử dị ứng trước đây, cần lưu ý:
- Không ăn những loại hải sản gây dị ứng đã biết trước đây.
- Lưu ý kỹ nguyên liệu của những món ăn trước khi sử dụng
- Lựa chọn các loại thực phẩm một cách cẩn thận
- Không chế biến chung hải sản với các món ăn khác.
Dị ứng hải sản ở bà bầu là tình trạng nguy hiểm và cần được cấp cứu khẩn cấp. Do đó để phòng ngừa dị ứng hải sản mẹ bầu cần tuân thủ một số nguyên tắc và điều chỉnh chế độ ăn uống khi ăn hải sản, động vật có vỏ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.