Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Bệnh trĩ gây nên do tình trạng giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở mô xung quanh hậu môn trực tràng. Bình thường các mô này sẽ giúp kiểm soát sự tống phân ra ngoài. Khi các mô này bị viêm và sưng phồng lên thì gọi là trĩ. Bệnh trĩ ở bà bầu chiếm tỷ lệ rất cao và gây ra nhiều khó chịu, ảnh hưởng cho bà bầu.
1. Tổng quan về bệnh trĩ
Trĩ là bệnh lý phổ biến trong nhóm các bệnh lý vùng hậu môn. Bệnh trĩ tuy không gây tử vong ngay nhưng lại ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống người bệnh. Bệnh lý hay gặp ở những bệnh nhân thường xuyên có tăng áp lực ổ bụng như: Bà bầu, bệnh nhân bị táo bón, bệnh nhân ngồi lâu,...
Đặc biệt phụ nữ khi mang thai kích thích tố sinh dục nữ progesterone tăng làm giãn các cơ ruột, ảnh hưởng đến sự co bóp của nhu động ruột khiến bà bầu dễ bị táo bón, lâu dài sẽ chuyển sang trĩ. Khi thai phát triển to vừa gây tăng áp lực trong ổ bụng, vừa gây chèn ép lên các mạch máu ở vùng sàn chậu khiến máu khó lưu thông, gây sưng và dẫn đến trĩ.
Một số sản phụ lúc sinh con bị rạch tầng sinh môn, khi khâu sản phụ có thể bị khâu chít một số mạch máu ở hậu môn, nên một thời gian sau rất dễ bị trĩ. Lần sinh thường đầu tiên bắt buộc phải rặn mạnh, người mẹ lấy hết sức lực đẩy thai ra ngoài, điều này làm trĩ nặng thêm. Khi các cơ vòng chưa kịp hồi phục mà người mẹ lại mang thai lần 2 sẽ khiến tình trạng giãn cơ nặng hơn nên trĩ càng nặng.
XEM THÊM: Bị trĩ khi mang thai chữa trị thế nào?
2. Bà bầu bị trĩ có sinh thường được không?
Nhìn chung thì bà bầu bị bệnh trĩ hoàn toàn có thể sinh thường được. Trong trường hợp trĩ sưng quá to, gây đau đớn, không thể đại tiện được, cần sự can thiệp của phẫu thuật. Tuy nhiên, các bà mẹ cũng cần đợi ít nhất 6 tuần sau khi sinh mới có thể tiến hành cắt trĩ, bởi phải chờ cho các mô cơ ở hậu môn trở lại bình thường. Lúc này, bác sĩ sẽ giúp đánh giá mức độ trĩ và chọn phương pháp điều trị thích hợp. Ngoại trừ một số trường hợp, cần xử trí búi trĩ trước khi sinh hoặc ngay khi sinh, trước một quyết định đối với người bệnh, bác sĩ đều phải cân nhắc những lợi ích và nguy cơ cụ thể như:
- Khi bị trĩ ngoại tắc mạch: Đây là trường hợp cần phẫu thuật cấp cứu, cắt trĩ. Tuy nhiên với những trường hợp trên bệnh nhân bà bầu thì chỉ nên thực hiện vô cảm bằng biện pháp gây tê tại chỗ. Gây tê tại chỗ có thể xử lý tốt trĩ tắc mạch và không làm ảnh hưởng tới thai nhi. Nếu gây tê tủy sống thì có thể gây nên những ảnh hưởng đối với thai nhi và có thể gây sảy thai hoặc gây đẻ non. Bác sĩ sản khoa và bác sĩ ngoại tiêu hóa cần hội chẩn và đưa ra biện pháp tốt cho người bệnh.
- Khi bị trĩ độ IV chảy máu: Với trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ dùng các biện pháp xử trí tạm thời như: Sử dụng các thuốc co mạch, tăng sức bền thành mạch như Daflon (Thuốc này chưa có ghi nhận gây ảnh hưởng trên thai nhi, được phép dùng cho bà bầu); thuốc giảm đau, cầm máu; hướng dẫn bệnh nhân ngâm nước ấm; ngâm nước bồ kết... để giúp co búi trĩ, cầm máu. Sau khi sinh, bác sĩ sẽ xử lý búi trĩ cho bệnh nhân sau.
3. Giải pháp
- Khi đi vệ sinh cố gắng không rặn, không ngồi quá lâu gây áp lực hậu môn. Tập thói quen đại tiện đều đặn vào một giờ nhất định trong ngày.
- Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước và thường xuyên vận động như đi bộ hay tập các bài tập liên quan tới xương chậu thúc đẩy tuần hoàn máu và tăng cường độ dẻo dai cho các múi cơ ở vùng kín, giúp quá trình chuyển dạ của dễ dàng và giúp thu gọn âm hộ.
- Ngâm phần dưới cơ thể trong nước nóng từ 10 - 15 phút một vài lần mỗi ngày giúp mang lại cảm giác thư thái, kích thích máu lưu thông, làm giảm cảm giác đau đớn hoặc cũng có thể sử dụng túi nước đá chườm lên vùng cần giảm sưng và khó chịu.
- Vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn sau mỗi lần tiểu tiện. Nên sử dụng giấy vệ sinh mềm, không mùi, không màu để tránh làm tổn thương hậu môn, có thể dùng khăn ướt thay cho giấy vệ sinh.
- Hạn chế ngồi quá lâu, khi nằm nên nằm nghiêng về một bên, tránh nằm ngửa hoặc nằm sấp. Nằm nghiêng sang trái để giảm máu ứ tại vùng chậu và hậu môn.
Bà bầu nên đi khám và thông báo cho bác sĩ biết về tình trạng bệnh của mình để bác sĩ tiến hành kiểm tra, theo dõi trong khoảng thời gian thai kỳ cho đến khi ngày gần sinh sẽ đưa ra tư vấn về phương pháp sinh cụ thể.
Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn khâu treo triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.