Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Mang thai bị trĩ là tình trạng thường gặp đối với các bà bầu. Vậy bị trĩ sau sinh có tự khỏi không, nếu không thì bị trĩ khi đang cho con bú phải xử lý thế nào?
1. Vì sao mang thai bị trĩ?
Mang thai bị trĩ do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến lý do là sự thay đổi các hormone trong cơ thể người mẹ tăng lên cao, làm giãn tĩnh mạch, gây ứ máu và dẫn đến sự hình thành trĩ.
Bị trĩ sau sinh là kết quả của việc tăng sức nặng lên vùng đáy chậu khi mang thai, trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Khi các tĩnh mạch hậu môn đang bị yếu, chúng sẽ bị ứ máu và phình lên. Các tĩnh mạch này cũng bị một lực đẩy ra ngoài khi rặn đẻ, dẫn đến tình trạng bị bệnh trĩ sau sinh.
Trắc nghiệm: Những điều cần biết về kiêng cữ sau sinh
Sau sinh, cơ thể sản phụ sẽ có rất nhiều sự thay đổi, việc thực hiện tốt các kiêng cữ sau sinh và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình hồi phục sức khỏe. Bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp mọi người có cái nhìn tổng quan về kiêng cữ sau sinh và thực hiện sao cho phù hợp nhất.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Tạ Quốc Bản , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
2. Bị bệnh trĩ sau sinh có tự khỏi không?
Thông thường, tình trạng mang thai bị trĩ sẽ tự biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên, để biết chính xác tình trạng và mức độ bệnh, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế và bệnh viện để được bác sĩ tư vấn và đưa ra cách điều trị cụ thể.
Bị trĩ mức độ nhẹ (độ 1 và 2) thì có thể chỉ cần điều trị nội khoa (bằng thuốc). Nếu bị trĩ mức độ nặng (độ 3 và 4) thì có thể cần sự can thiệp của phẫu thuật như cắt trĩ hoặc thắt, tiêm xơ búi trĩ. Tuy nhiên với bà mẹ khi vừa sinh con, việc phẫu thuật can thiệp cần được tiến hành sau ít nhất 6 tuần kể từ lúc sinh để đảm bảo an toàn.
Hiện có nhiều phương pháp chữa bệnh trĩ và các loại thuốc điều trị bị trĩ khi đang cho con bú. Dù là phương pháp nào và sử dụng loại thuốc nào thì cũng cần có sự tư vấn, chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
3. Bị trĩ khi đang cho con bú phải làm sao?
Đối với bệnh trĩ mức độ nhẹ, để làm giảm tình trạng đau, ngứa do bị trĩ khi đang cho con bú, người bệnh cần:
- Sử dụng thuốc uống giảm đau hoặc thuốc bôi theo ý kiến và chỉ định của bác sĩ, loại thuốc an toàn trong điều trị bị trĩ khi đang cho con bú.
- Chườm lạnh hoặc ngâm ấm chỗ bị trĩ vài lần trong ngày.
Để giúp quá trình điều trị bị trĩ khi đang cho con bú nhanh hơn, người bệnh nên:
- Tránh bị táo bón và hạn chế chảy máu khi đại tiện bằng cách ăn nhiều rau, quả, trái cây tươi để tăng cường chất xơ cho cơ thể, không ăn các thức ăn cay và nóng như tiêu, ớt, uống đủ nước.
- Tránh nhịn hoặc nín đi đại tiện vì sợ đau, sẽ làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
- Giữ vùng hậu môn trực tràng luôn sạch sẽ, khô thoáng bằng cách sử dụng khăn vải mềm, ẩm lau nhẹ nhàng vùng đáy chậu.
- Nằm nghiêng để làm giảm áp lực lên vùng đáy chậu.
- Luyện tập các động tác trong bài Kegel để làm săn chắc cơ vùng đáy chậu.
Bệnh nhân bị trĩ khi đang cho con bú có thể thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Đây là một trong những bệnh viện hàng đầu về chẩn đoán và điều trị trĩ, đặc biệt có những phương pháp can thiệp phù hợp và hiệu quả với đối tượng phụ nữ bị trĩ sau sinh.
Bác sĩ Lê Nhất Nguyên có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Sản phụ khoa. BS nguyên là bác sĩ khoa sản bệnh viện Nhân Dân Gia Định TPHCM. BS có chuyên môn cao và thế mạnh trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý Sản Phụ khoa. Hiện tại là Bác sĩ Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn khâu treo triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.