Achondroplasia - Loạn sản sụn: Những điều cần biết

Bài viết của Bác sĩ chuyên khoa I Võ Tá Sơn - Bác sĩ Y học bào thai - Khoa Y học bào thai - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Achondroplasia là một nhóm các rối loạn xương di truyền hiếm gặp. Đây là một bệnh di truyền phổ biến nhất từng được gọi là chứng người lùn, trong đó tay và chân của trẻ ngắn so với chiều dài cơ thể.

1. Achondroplasia là gì?

Achondroplasia là một nhóm các rối loạn xương di truyền hiếm gặp (tần suất 1/25,000 ca sinh). Đây là dạng phổ biến nhất từng được gọi là chứng người lùn, trong đó tay và chân của trẻ ngắn so với chiều dài cơ thể. Ngoài ra, đầu của trẻ thường to và thân có kích thước bình thường. Chiều cao trung bình của nam và nữ trưởng thành mắc achondroplasia tương ứng là khoảng 52 inches (khoảng 132cm) và 49 inches (khoảng 124cm).

2. Nguyên nhân nào gây ra achondroplasia?

Achondroplasia là một bệnh di truyền gây ra sự hình thành sụn bất thường. Nam và nữ bị ảnh hưởng như nhau. Đây là một bệnh di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường, có nghĩa là chỉ cần một gen bất thường được thừa hưởng từ cha hoặc mẹ thì trẻ sẽ mắc bệnh này. Hầu hết các trường hợp mắc chứng achondroplasia là do đột biến mới trong các gia đình mà cha mẹ có chiều cao trung bình và không có gen bất thường.

3. Các triệu chứng của achondroplasia là gì?

Mỗi trẻ có thể mắc bệnh sẽ có các triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng phổ biến có thể bao gồm:

  • Tay, chân và các ngón ngắn
  • Cánh tay và đùi ngắn hơn cẳng tay và cẳng chân
  • Đầu to trội với trán dồ và sống mũi dẹt
  • Răng mọc chồng hoặc không thẳng hàng
  • Cong cột sống thắt lưng (vẹo cột sống) có thể dẫn đến chứng gù lưng (hunchback), sự phát triển của một bướu nhỏ gần vai thường biến mất sau khi trẻ bắt đầu biết đi.
  • Hẹp ống sống (cột sống hoặc ở thắt lưng) có thể dẫn đến chèn ép tủy sống ở tuổi thiếu niên. Đôi khi một đứa trẻ mắc achondroplasia có thể chết đột ngột ở giai đoạn sơ sinh khi đang ngủ do chèn ép phần trên tủy sống, gây cản trở hô hấp
  • Chân vòng kiềng
  • Bàn chân dẹt, ngắn và rộng
  • Tăng khoảng cách giữa ngón 2, 3 và ngón 4 (còn được gọi là bàn tay đinh ba (trident hand))
  • Trương lực cơ kém và khớp lỏng lẻo
  • Các đợt thở chậm hoặc ngừng thở ngắn (gọi là cơn ngưng thở)
  • Viêm tai giữa thường xuyên có thể dẫn đến mất thính giác
  • Chậm đạt đến các mốc phát triển, ví dụ như biết đi (có thể xảy ra từ 18 đến 24 tháng thay vì khoảng 1 tuổi)

Thực tế, những người mắc chứng achondroplasia có trí tuệ và tuổi thọ bình thường. Tuy nhiên, các triệu chứng của achondroplasia có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì thế, khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường thì cha mẹ nên cho trẻ đi khám và nhờ sự tư vấn từ các bác sĩ có chuyên môn.


Những người mắc chứng achondroplasia - bệnh loạn sản sụn có trí tuệ và tuổi thọ bình thường
Những người mắc chứng achondroplasia - bệnh loạn sản sụn có trí tuệ và tuổi thọ bình thường

4. Achondroplasia được chẩn đoán như thế nào?

Achondroplasia có thể được chẩn đoán trước sinh bằng siêu âm thai hoặc sau sinh bằng thăm khám toàn diện bệnh sử và lâm sàng của trẻ. Xét nghiệm DNA hiện đã có sẵn trước sinh để xác nhận các phát hiện trên siêu âm thai cho những cha mẹ có nguy cơ cao sinh con mắc achondroplasia.

Chẩn đoán bằng siêu âm thai sẽ thấy các dấu hiệu như sau:

  • Các chi ngắn, bàn tay và ngón tay ngắn, đầu to, trán dô và cầu mũi thấp, cong vẹo cột sống thắt lưng.
  • Tay chân ngắn lại và các đặc điểm điển hình trên khuôn mặt trở nên rõ ràng khi thai trên 22 tuần trở đi.

Xét nghiệm cận lâm sàng bằng cách siêu âm hình thái chi tiết.

Achondroplasia là do đột biến ở gen FGFR3 và có kiểu di truyền trội trên NST thường. Chẩn đoán có thể được thực hiện bằng xét nghiệm xâm lấn hoặc phân tích cfDNA của máu mẹ.

Nếu có nguy cơ, người mẹ cần thực hiện siêu âm mỗi 4 tuần để theo dõi sự phát triển của đầu thai nhi.

Cách sinh nở được khuyến cáo:

  • Chăm sóc sản khoa và đỡ đẻ tiêu chuẩn
  • Sinh mổ nếu đầu chu vi đầu thai nhi trên 40cm

5. Tiên lượng và nguy cơ tái mắc bệnh

5.1. Tiên lượng

  • Thể đồng hợp tử: Có thể gây tử vong do thiểu sản phổi nặng.
  • Thể dị hợp tử: trí tuệ và tuổi thọ bình thường. Những hạn chế về hô hấp do lồng ngực nhỏ và sự phát triển của chứng hẹp ống sống (khiếm khuyết thần kinh ngoại vi) có thể làm giảm chất lượng cuộc sống.

5.2. Nguy cơ tái mắc

Nguy cơ tái mắc bệnh sẽ dựa trên yếu tố của cha mẹ trẻ như sau:

  • Chỉ có cha HOẶC mẹ mang gen bệnh: 50%
  • Cả cha VÀ mẹ đều mang gen bệnh: 50% nguy cơ mang gen dị hợp tử, 25% nguy cơ mang gen đồng hợp tử và 25% không mang gen gây bệnh.
  • Đột biến mới: nguy cơ tái mắc thấp

6. Achondroplasia được điều trị như thế nào?

Hiện tại, không có cách nào để ngăn ngừa hoặc điều trị achondroplasia, vì hầu hết các trường hợp là đột biến mới không mong muốn. Điều trị bằng hormone tăng trưởng về cơ bản không có tác động đến chiều cao của một người mắc achondroplasia. Tuy nhiên, phẫu thuật kéo dài chân có thể được xem xét trong một vài trường hợp cụ thể.

Phát hiện các bất thường về xương, đặc biệt là ở lưng là điều quan trọng để ngăn ngừa khó thở, đau chân và hoặc mất chức năng đáng kể. Chứng gù lưng (hunchback) có thể cần phải được phẫu thuật để điều chỉnh nếu nó không biến mất khi trẻ bắt đầu biết đi. Phẫu thuật cũng có thể giúp chỉnh sửa chân vòng kiềng. Tuy nhiên, nhiễm trùng tai cần được điều trị ngay lập tức để tránh nguy cơ mất thính lực. Còn các vấn đề về răng có thể cần được giải quyết bởi bác sĩ chỉnh nha.

Nghiên cứu về nhóm các gen - gọi là các yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi đã phát hiện ra gen gây bệnh achondroplasia. Mục đích là để hiểu cách gen bị lỗi gây ra các đặc điểm được thấy ở achondroplasia và để cải thiện điều trị. Những gen này có liên quan đến nhiều chứng rối loạn xương di truyền khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  • [1] Achondroplasia | Children's Hospital of Philadelphia (chop.edu)
  • [2] The Fetal Medicine Foundation
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe