7 loại bệnh chàm: Triệu chứng, nguyên nhân và hình ảnh

Bệnh chàm được chia thành các dạng bệnh khác nhau như viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc, chàm thể đồng tiền, viêm da thần kinh, bệnh chàm bàn tay, v.v. Mỗi loại bệnh có những đặc điểm lâm sàng riêng biệt, đòi hỏi các phác đồ điều trị khác nhau. Việc phân loại chính xác sẽ giúp bác sĩ đưa ra những lời khuyên về chăm sóc da phù hợp. 

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Vân - Bác sĩ Nội thẩm mỹ - Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

1. Phân loại bệnh chàm

1.1 Viêm da cơ địa

Trong số các loại bệnh chàm, viêm da cơ địa là dạng thường gặp nhất. Nghiên cứu cho thấy, khoảng 10% đến 20% trẻ sơ sinh mắc phải loại bệnh chàm này, trong khi con số này ở người lớn và trẻ em lớn hơn, dao động từ 3%.  

Dạng bệnh chàm này thường bắt đầu từ thời thơ ấu và có xu hướng nhẹ hơn hoặc biến mất khi người bệnh trưởng thành. Viêm da cơ địa là một dạng dị ứng thường gặp, cùng với hen suyễn và viêm mũi dị ứng. Nhiều người có thể mắc cả ba loại dị ứng này cùng một lúc. 

Viêm da dị ứng là loại thường gặp nhất trong các dạng bệnh chàm.
Viêm da dị ứng là loại thường gặp nhất trong các dạng bệnh chàm.

Viêm da cơ địa có thể biểu hiện qua những triệu chứng như:

  • Phát ban thường xuất hiện ở các vùng nếp gấp như khuỷu tay hoặc đầu gối.
  • Vùng da bị phát ban có thể có màu sắc nhạt hơn, tối hơn hoặc dày lên.
  • Có thể có mụn nước và dịch rỉ ra nếu mụn nước bị vỡ.
  • Ở trẻ em, phát ban thường xảy ra trên da đầu và má.
  • Nếu gãi, da có thể bị nhiễm trùng.

Bệnh chàm dạng viêm da cơ địa có thể xuất hiện ở nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể, đặc biệt thường gặp tại các khớp như đầu gối, khuỷu tay và các vị trí như cẳng tay, cánh tay. Ngoài ra, loại bệnh chàm này cũng có thể ảnh hưởng đến một số vùng da khác như mặt, cổ, da đầu và các bộ phận như chân, ngực, lưng.

Nguyên nhân gây ra viêm da cơ địa là do hàng rào bảo vệ của da bị yếu đi, không đủ khả năng đối phó với các tác nhân gây kích ứng và dị ứng. Tình trạng này xảy ra từ sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố di truyền, tình trạng khô da, sức đề kháng kém và các yếu tố môi trường.

1.2 Viêm da tiếp xúc

Khi da có dấu hiệu đỏ và ngứa sau khi tiếp xúc với một số vật liệu, đây có thể là biểu hiện của viêm da tiếp xúc.  

Viêm da tiếp xúc được chia thành hai loại:  

  • Viêm da tiếp xúc dị ứng: Xuất hiện khi da tiếp xúc với các chất gây dị ứng như nhựa hoặc kim loại.
  • Viêm da tiếp xúc kích ứng: Xảy ra khi da tiếp xúc với hóa chất hoặc các chất gây kích thích khác.

Viêm da tiếp xúc có thể gây ra các triệu chứng như: ngứa ngáy, da đỏ, cảm giác rát, châm chích, mề đay, mụn nước và đóng vảy.

Nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc là do sự tiếp xúc với chất gây kích thích hoặc chất gây dị ứng cho da. Các yếu tố thường gặp bao gồm: các loại chất tẩy rửa, chất tẩy trắng, trang sức, cao su, niken, sơn, cây thường xuân, các loài thực vật độc hại, sản phẩm dưỡng da, xà phòng, nước hoa, dung môi và khói thuốc.

1.3 Bệnh chàm tổ đỉa

Chàm tổ đỉa là một loại bệnh chàm da xuất hiện dưới dạng các mụn nước nhỏ trên tay và chân, thường gặp nhiều ở phụ nữ hơn so với nam giới.

Triệu chứng của bệnh chàm tổ đỉa thường là các mụn nước phồng trên các ngón tay, ngón chân cũng như lòng bàn tay và lòng bàn chân. Những mụn này có thể gây cảm giác ngứa hoặc đau. Da cũng thường xuyên bị khô, nứt nẻ và bong tróc.

Các yếu tố như dị ứng, tay chân ẩm ướt, tiếp xúc với các chất như niken, coban hay muối crôm cũng như căng thẳng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh chàm tổ đỉa.

1.4 Chàm bàn tay

Chàm bàn tay là một loại bệnh chàm chỉ xuất hiện trên bàn tay. Những người thường xuyên tiếp xúc với nước như nhân viên giặt ủi, thợ cắt tóc, người lau dọn và nhân viên y tế dễ bị ảnh hưởng. Triệu chứng của bệnh chàm này bao gồm việc bàn tay bị đỏ, ngứa và khô, có thể xuất hiện vết nứt hoặc mụn nước. 

Chàm bàn tay là loại bệnh chàm chỉ ảnh hưởng đến tay.
Chàm bàn tay là loại bệnh chàm chỉ ảnh hưởng đến tay.

1.5 Viêm da thần kinh

Viêm da thần kinh có biểu hiện gần giống với viêm da cơ địa. Các dấu hiệu dễ nhận thấy là các vùng da dày, có vảy xuất hiện trên cánh tay, chân, gáy, da đầu, dưới lòng bàn chân, mu bàn tay hoặc ở bộ phận sinh dục. Các vùng da này thường rất ngứa, nhất là khi chúng ta đang nghỉ ngơi hay trong giấc ngủ. Việc gãi có thể gây chảy máu và dẫn đến nhiễm trùng.

Những người có tiền sử mắc các bệnh về da như bệnh chàm hoặc vảy nến thường dễ bị viêm da thần kinh. Tuy chưa xác định được nguyên nhân cụ thể, nhưng stress được coi là yếu tố có thể góp phần làm bùng phát bệnh chàm này.

1.6 Viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã là tình trạng da bị kích ứng do tuyến bã nhờn hoạt động quá mức. Khi tuyến bã hoạt động mạnh sẽ sản sinh ra lượng dầu thừa lớn, gây bít tắc lỗ chân lông và tạo thành các mảng bã nhờn.  

Những mảng bã nhờn này sau đó sẽ bong tróc, gây ra tình trạng vảy da giống như gàu. Vùng da thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi loại bệnh chàm này là những nơi có nhiều tuyến bã nhờn như da đầu, nách, bẹn, nếp mũi má, chân mày, mang tai và trước ngực.

1.7 Chàm thể đồng tiền

Triệu chứng bao gồm những mảng da tròn, giống hình đồng xu, gây ngứa và có vảy. Bệnh chàm này thường xuất hiện sau khi bị côn trùng đốt hoặc do phản ứng dị ứng khi tiếp xúc với kim loại, hóa chất hay da bị khô. Bệnh chàm thể đồng tiền thường đi kèm với một loại bệnh chàm khác, chẳng hạn như viêm da cơ địa.

1.8 Viêm da ứ đọng

Viêm da ứ đọng hình thành khi chất lỏng từ các tĩnh mạch yếu rò rỉ vào da, dẫn đến tình trạng sưng, đỏ, ngứa và đau. Triệu chứng của loại bệnh chàm viêm da ứ máu gồm tình trạng sưng ở chân dưới, đặc biệt là vào ban ngày khi người bệnh di chuyển nhiều. Đồng thời, người bệnh có thể cảm thấy chân đau và nặng nề.

Bệnh viêm da ứ đọng có liên quan đến vấn đề tuần hoàn máu kém ở phần chân dưới. Khi các van không đủ mạnh để đẩy máu trở lại tim, máu sẽ tích tụ ở chân, gây sưng và giãn tĩnh mạch. 

Viêm da ứ đọng gây sưng, đỏ, ngứa.
Viêm da ứ đọng gây sưng, đỏ, ngứa.

2. Cách điều trị bệnh chàm

Nếu tình trạng ngứa và đỏ trên da kéo dài hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, mọi người nên gặp bác sĩ để được khám và tư vấn.  

Để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, người khám cần cung cấp đầy đủ thông tin như thực phẩm đã sử dụng, chất kích thích tiếp xúc, thời gian tắm, nhiệt độ nước khi tắm và mức độ căng thẳng. Người khám cũng cần quan sát kỹ mối liên hệ giữa các hoạt động hàng ngày và bệnh chàm để nhận diện yếu tố gây bệnh.

Bệnh chàm có thể xuất hiện rồi lại tự biến mất. Khi bệnh chàm bùng phát, bệnh nhân có thể phải thử qua nhiều loại thuốc và áp dụng các biện pháp điều trị khác nhau nhằm ngăn chặn tình trạng bệnh chàm lây lan trên da. Những loại thuốc phổ biến thường được dùng để điều trị bao gồm:

  • Thuốc chống dị ứng như diphenhydramine có khả năng làm dịu cơn ngứa.
  • Corticosteroid dạng bôi ngoài da có thể giúp giảm cảm giác ngứa ngáy.
  • Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể cần dùng thuốc steroids kháng viêm dạng uống.
  • Các chất ức chế calcineurin như tacrolimus (Protopic) và pimecrolimus (Elidel) giúp giảm bớt phản ứng miễn dịch, từ đó làm giảm đỏ da và ngứa.
  • Nếu da bị nhiễm trùng, bệnh nhân có thể sẽ cần sử dụng thuốc kháng sinh.
  • Liệu pháp chiếu tia cực tím có thể hỗ trợ quá trình hồi phục các vết phát ban trên da.
  • Làm lạnh da trước khi bôi thuốc corticosteroid có thể giúp thuốc thẩm thấu vào da tốt hơn.

3. Mẹo để ngăn ngừa bệnh bùng phát

Một vài phương pháp có thể giúp chúng ta ngăn ngừa bệnh chàm bùng phát và kiểm soát các triệu chứng như sau:

  • Chườm mát da hoặc dùng bột yến mạch, baking soda để giảm cảm giác ngứa.
  • Hằng ngày thoa kem dưỡng ẩm có gốc dầu để bảo vệ da khỏi kích ứng. Người bệnh nên thoa kem ngay sau khi tắm để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Sau khi tắm, chỉ nên thấm khô da bằng khăn mềm mà không chà mạnh.
  • Không nên gãi vì việc này có thể làm nhiễm trùng.
  • Chỉ dùng các sản phẩm không chứa hương liệu và chất tẩy rửa mạnh.
  • Mang găng tay và trang phục bảo hộ khi tiếp xúc với hóa chất.
  • Chọn quần áo rộng, thoáng khí, làm từ vải mềm mại như cotton.
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng da. 
Có thể dùng baking soda để giảm cảm giác ngứa do bệnh chàm gây ra.
Có thể dùng baking soda để giảm cảm giác ngứa do bệnh chàm gây ra.

Bệnh chàm là một vấn đề da liễu phổ biến, mang lại nhiều cảm giác khó chịu. Dù có nhiều loại chàm khác nhau, chúng đều có các triệu chứng phổ biến như ngứa, đỏ da, da bong tróc hoặc sần sùi và đóng vảy. Dựa vào nguyên nhân gây ra, bệnh chàm có thể bùng phát mạnh với các dấu hiệu nặng nề hoặc chuyển sang giai đoạn mãn tính với triệu chứng nhẹ hơn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec nổi bật không chỉ ở chất lượng chuyên môn với đội ngũ bác sĩ tay nghề cao và trang thiết bị tiên tiến mà còn ở dịch vụ khám chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp. Môi trường khám chữa bệnh ở đây rất văn minh, lịch sự, đảm bảo an toàn và khử trùng triệt để. Khách hàng thực hiện xét nghiệm tại bệnh viện hoàn toàn có thể tin tưởng vào độ chính xác của kết quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe