3 đoạn hẹp tại thực quản

Thực quản là một bộ phận của ống tiêu hóa, bộ phận này có những đoạn hẹp thực quản tự nhiên. Tình trạng hẹp thực quản mắc phải có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Do đó, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào như khó nuốt, nuốt nghẹn... thì hãy đến cơ sở y tế uy tín để được hỗ trợ kịp thời.

1. Giải phẫu thực quản

Thực quản là đoạn đầu của ống tiêu hóa, nối giữa miệng và dạ dày. Thực quản có độ dài khoảng 25cm và được chia làm 3 đoạn, đó là đoạn cổ, đoạn ngực và đoạn bụng. Đoạn cổ dài khoảng 3cm, đoạn ngực dài khoảng 20cm và đoạn bụng dài khoảng 3cm.

Ống thực quản là bộ phận tương đối di động, có cấu trúc dính lỏng lẻo với các tạng xung quanh. Ở đoạn cổ, thực quản nằm phía sau khí quản, đi xuống trung thất sau, nằm ở phía sau tim, đi ra phía trước động mạch chủ ngực rồi xuyên qua cơ hoành vào tới ổ bụng, nối với dạ dày.

Từ trong ra ngoài, thực quản có cấu tạo gồm các lớp:

  • Lớp niêm mạc: Thuộc lớp biểu mô lát tầng không sừng hóa.
  • Lớp dưới niêm mạc: Chứa các tuyến tiết chất nhầy.
  • Lớp cơ: Là lớp dày nhất, gồm tầng vòng ở trong, tầng dọc ở ngoài. Lớp cơ thực quản gồm cơ vân ở đoạn 1/3 trên và cơ trơn ở 2/3 dưới.
  • Lớp vỏ ngoài của thực quản là lớp tổ chức liên kết lỏng lẻo ở đoạn cổ và ngực, lớp phúc mạc ở thực quản đoạn bụng.

2. 3 đoạn hẹp thực quản

Có 3 đoạn hẹp thực quản tự nhiên, đó là:

  • Đoạn hẹp 1: Chỗ nối tiếp với hầu, ngang mức sụn nhẫn.
  • Đoạn hẹp 2: Ngang mức cung động mạch chủ và phế quản gốc trái.
  • Đoạn hẹp 3: Lỗ tâm vị.

3. Hẹp thực quản và các triệu chứng hay gặp

3.1. Hẹp thực quản

Hẹp thực quản là tình trạng một đoạn thực quản bị tổn thương, lòng thực quản sẽ thu hẹp lại gây ảnh hưởng đến quá trình lưu thông, vận chuyển thức ăn từ miệng xuống tới dạ dày. Khi bị hẹp thực quản như vậy có thể dẫn đến những hậu quả sau:

  • Cảm thấy khó chịu, mắc nghẹn khi nuốt thức ăn khi ăn uống.
  • Nghẹt thở hoặc cảm thấy khó thở khi nuốt các loại thức ăn đặc rắn.
  • Hay bị khó thở, thở dốc.
  • Có cảm giác đau tức vùng thượng vị và ngực.
  • Cân nặng giảm sút.

Đoạn hẹp thực quản lành tính có thể được hình thành do bẩm sinh hoặc là do biến chứng của bệnh nào đó gây tổn thương thực quản như: Viêm thực quản do trào ngược dạ dày- thực quản, bỏng thực quản do hóa chất và tia xạ, một số bệnh lý khác như di chứng sau chấn thương... Hẹp thực quản do bệnh ác tính do ung thư thực quản hoặc ung thư bên ngoài thực quản đè ép vào thực quản. Đa số các trường hợp hẹp thực quản lành tính đều không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó ảnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe người bệnh.


Đoạn hẹp thực quản lành tính có thể được hình thành tự nhiên
Đoạn hẹp thực quản lành tính có thể được hình thành tự nhiên

3.2. Các triệu chứng hẹp thực quản

Triệu chứng lâm sàng:

  • Bệnh nhân cảm thấy khó nuốt, nuốt nghẹn.
  • Cảm giác vướng sau xương ức: Có thể tình trạng này sẽ kéo dài nhiều giờ ở một số bệnh nhân do thức ăn ứ lại ở đoạn dưới của thực quản không thể lưu thông được.
  • Đau ở sau xương ức.
  • Bệnh nhân khi bị hẹp thực quản có thể bị nôn một cách tự nhiên, nhưng cũng có khi bệnh nhân phải tự gây tác động để gây nôn ra cho dễ chịu.
  • Rất thường gặp tình trạng ợ hơi, ợ chua, ho kéo dài,...
  • Suy dinh dưỡng.
  • Các trường hợp hẹp thực quản do nguyên nhân ác tính thì có thể xuất hiện thêm một số triệu chứng của bệnh lý khối u gây nên, ví dụ như thiếu máu...
  • Ở trẻ nhỏ có thể xuất hiện thêm một số triệu chứng: như chảy quá nhiều nước bọt hoặc nước mũi, ho, khóc không ra tiếng, khó thở sau khi khóc;...

Cận lâm sàng:

  • Chụp X-quang có sử dụng thuốc cản quang để xác định vị trí hẹp trên ống thực quản.
  • Soi thực quản: Có thể quan sát thấy chỗ hẹp thực quản, nhiều khi ống soi không thể đi qua đoạn hẹp xuống dạ dày thì phối hợp sinh thiết để phục vụ chẩn đoán.
  • Đo áp lực của thực quản.
  • Trường hợp hẹp thực quản do nguyên nhân bẩm sinh phát hiện ở trẻ nhỏ:
  • Nếu bệnh được phát hiện thấy hẹp thực quản ngay trong thai kỳ khi bạn đi khám thai định kỳ, cần tiếp tục theo dõi cho đến khi em bé được sinh ra. Trong trường hợp này, người mẹ nên đến sinh tại các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa uy tín để có thể đảm bảo đầy đủ phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng can thiệp cho trẻ ngay từ khi sinh nếu có biến cố xảy ra.
  • Nếu sau khi sinh, trẻ được chẩn đoán xác định là có đoạn hẹp thực quản mắc phải không phải đoạn hẹp tự nhiên, cần xem xét đến các yếu tố khác như: Trẻ sinh đủ tháng không? Trọng lượng khi sinh của trẻ là bao nhiêu? Chức năng phổi của trẻ như thế nào?... Nếu xác định trẻ có đủ sức khỏe, đủ điều kiện phẫu thuật thì sẽ tiến hành phẫu thuật sửa chữa lại ống thực quản cho trẻ.

Trên đây là những thông tin hữu ích cung cấp cho bạn kiến thức về đoạn hẹp thực quản tự nhiên và hẹp thực quản mắc phải. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trên đây hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được hỗ trợ kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe