Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Co thắt tâm vị có thể xảy ra vì nhiều lý do khác nhau. Tình trạng này có thể do di truyền hoặc có thể là kết quả của một tình trạng tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công.
Sự thoái hóa của các dây thần kinh trong thực quản góp phần vào tiến triển của các triệu chứng. Bệnh có thể được điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc mổ nội soi chữa co thắt tâm vị.
1. Bệnh co thắt tâm vị là gì?
Co thắt tâm vị là tình trạng bệnh lý của thực quản, trong đó hiện tượng chủ yếu là rối loạn chức năng vận động (nhu động) bình thường của thực quản và tâm vị. Co thắt tâm vị gây khó khăn cho thực phẩm và chất lỏng trong việc lưu thông xuống dạ dày.
Co thắt tâm vị xảy ra khi thực quản mất khả năng bóp thức ăn xuống, van cơ giữa thực quản và dạ dày không giãn ra hoàn toàn. Nguyên nhân co thắt tâm vị có thể là do sự thoái hóa của các cơ thực quản và quan trọng hơn là các dây thần kinh điều khiển.
Nếu không được điều trị, co thắt tâm vị có thể gây các biến chứng như loét thực quản, sẹo xơ gây chít hẹp thực quản, thực quản giãn to chèn ép khí quản, tĩnh mạch, tim, tăng nguy cơ viêm phổi, áp xe phổi do trào ngược thức ăn vào khí quản, ung thư hóa tại vùng viêm mạn tính, suy dinh dưỡng...
2. Các biểu hiện bệnh co thắt tâm vị
Bệnh thường có diễn biến từ từ, ít cấp tính với các biểu hiện cơ năng:
- Đau ngực sau xương ức hoặc cảm giác đè ép ở ngực nhất là sau khi nuốt. Đau nhói vùng ngực thường xuyên với nguyên nhân không rõ ràng.
- Nuốt khó (cả thức ăn lỏng và rắn), cảm giác ứ lại ở vùng ngực (khó chịu vùng ngực do thực quản giãn nở và thức ăn bị giữ lại), người bệnh phải uống thêm nước khi ăn. Nuốt khó xuất hiện thất thường lúc có lúc không. Đau dữ dội hoặc khó chịu sau khi ăn.
- Cảm giác nghẹn, ợ, trào ngược thức ăn xuất hiện sau ăn, khiến bệnh nhân có cảm giác sợ ăn. Bệnh nhân sụt cân, suy kiệt do ăn kém.
- Ợ nóng. Tuy nhiên, đây không phải là đặc trưng của chứng ợ nóng và không thể thuyên giảm được bằng phương pháp điều trị chứng ợ nóng.
3. Điều trị co thắt tâm vị
3.1 Điều chỉnh chế độ ăn
Duy trì chế độ ăn phù hợp: ăn thức ăn lỏng, đủ calo, ăn nhiều lần trong ngày, ưỡn cổ ra phía sau khi nuốt, thở ra mạnh để thức ăn dễ đi xuống, uống nước ấm nóng, hạn chế ăn nhiều vào tối trước đi ngủ, đề phòng trào ngược khi nằm ngủ.
Không uống rượu, không hút thuốc, hạn chế các loại thực phẩm có nhiều gia vị, hành tỏi, không nên uống nước lạnh...
3.2 Chế độ điều trị bằng thuốc
Thuốc an thần (seduxen...), thuốc giảm co thắt (Spasmaverine, Nospa...), thuốc giãn cơ thắt thực quản dưới (chẹn kênh canxi, isosorbid dinitrat...), truyền đạm/máu khi suy kiệt, tiêm botulinum toxin nhằm làm giảm áp lực cơ vòng dưới thực quản... Tuy nhiên các phương pháp điều trị nội khoa ít mang lại kết quả triệt để hoặc chỉ tác dụng ngắn hạn.
4. Mổ nội soi chữa co thắt tâm vị
Mổ nội soi chữa nong lỗ tâm vị khi có hẹp bằng bóng hơi, hiện nay đây là phương pháp hay được áp dụng nhất trên thế giới. Bác sĩ sẽ dùng 1 bóng hơi có đồng hồ đo áp lực, đưa vào lòng thực quản qua máy nội soi. Tiến hành bơm căng bóng hơi giúp làm giãn tối đa cơ thắt thực quản dưới, có thể xé rách cơ thắt gây mất tác dụng co thắt. Phương pháp nên được tiến hành một số lần để đạt hiệu quả tối đa.
Tuy nhiên, do nong bóng hơi đòi hỏi can thiệp nhiều lần, nên nguy cơ gặp các tai biến như thủng thực quản, đau ngực, chảy máu, rách niêm mạc, viêm dính, viêm phổi do hít... khá cao.
Những năm gần đây kỹ thuật cắt cơ vòng dưới thực quản qua nội soi đường miệng được ứng dụng ở nhiều nước, giúp giải quyết tình trạng co thắt tâm vị ít đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Bằng nội soi có thể dùng dao cắt trong niêm mạc thực quản đoạn 1/3 dưới, tạo đường hầm rồi cắt đứt cơ thắt dưới thực quản, đây là phương pháp mới nhất hiện nay trên thế giới, đòi hỏi trình độ kỹ thuật của bác sĩ nội soi rất cao. Kỹ thuật này ít xâm lấn, giảm tai biến, giảm nguy cơ viêm dính, hậu phẫu nhẹ nhàng hơn, giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn so với phẫu thuật nội soi ngả bụng.
Chống chỉ định trong phẫu thuật mổ nội soi chữa co thắt tâm vị:
- Thể trạng người bệnh quá yếu không chịu được phẫu thuật
- Người bệnh già yếu, có nhiều bệnh phối hợp
- Người bệnh ung thư thực quản
- Tiền sử mổ viêm phúc mạc, tắc ruột
- Cổ trướng tự do hoặc cổ trướng khu trú
- Thoát vị thành bụng, thoát vị rốn
- Nhiễm khuẩn tại chỗ thành bụng
- Bệnh lý rối loạn đông máu
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.