Đường ăn trong đồ ngọt không phải là yếu tố duy nhất làm tăng đường huyết quá cao. Có rất nhiều lý do làm mất ổn định đường huyết, từ những loại thực phẩm thông thường, một số thuốc và thói quen sinh hoạt. Sau đây là 20 lý do khiến lượng đường trong máu thay đổi mà người bệnh cần phải chú ý.
1. Caffeine
Lượng đường trong máu của bạn có thể tăng lên sau khi uống cà phê, ngay cả cà phê đen không chứa calo. Tương tự đối với trà đen, trà xanh và nước tăng lực đều là những đồ uống có chất caffeine. Mỗi người bị tiểu đường sẽ phản ứng với thực phẩm và đồ uống theo cách khác nhau, vì vậy tốt nhất bạn nên theo dõi phản ứng của chính mình. Tuy nhiên các hợp chất khác trong cà phê lại có khả năng ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2 ở những người khỏe mạnh.
2. Thực phẩm không đường
Nhiều loại thực phẩm không đường sẽ làm tăng lượng đường trong máu của bạn vì có thể chứa nhiều carbs từ tinh bột. Đừng quên kiểm tra tổng lượng carbohydrate bên ngoài nhãn Thông tin dinh dưỡng trước khi tiêu thụ. Bạn cũng cần chú ý đến các chất làm ngọt nhân tạo như sorbitol và xylitol. Mặc dù có ít vị ngọt với carbs hơn đường ăn bình thường (sucrose), nhưng những chất này vẫn đủ để tăng mức glucose huyết của bạn.
3. Những món mặn chế biến phức tạp, giàu chất béo
Khi ăn một đĩa bò kho hay gà chua ngọt với cơm trắng, lượng đường trong máu của bạn sẽ tăng cao trong một thời gian dài hơn. Mức độ glucose huyết cũng tăng lâu dài khi ăn bánh pizza, khoai tây chiên và các loại thức ăn ngon khác có nhiều carbs và chất béo. Kiểm tra lượng đường trong máu khoảng 2 giờ sau khi bạn ăn để biết thực phẩm ảnh hưởng đến cơ thể bạn như thế nào.
4. Bị cảm lạnh
Lượng đường trong máu của bạn sẽ tăng lên khi cơ thể phải chống lại bệnh tật. Nếu bị cảm, hãy uống nhiều nước và bổ sung các chất lỏng khác để giữ đủ nước. Đến gặp bác sĩ nếu bạn bị tiêu chảy hoặc nôn mửa trong hơn 2 giờ hoặc nếu bạn bị bệnh trong 2 ngày mà không thuyên giảm. Lưu ý rằng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng sinh và thuốc thông mũi có thể làm sạch xoang, nhưng cũng làm mất ổn định đường huyết.
5. Căng thẳng công việc
Khi bạn bị stress, quá sức hay không hài lòng trong công việc, cơ thể sẽ tiết ra các hormone làm tăng đường huyết quá cao. Tình trạng này phổ biến hơn đối với những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Lời khuyên là tập thư giãn bằng cách hít thở sâu và tập thể dục. Ngoài ra nếu có thể, hãy cố gắng thay đổi những tác nhân đang khiến bạn căng thẳng.
6. Bánh mì tròn
Bánh mì tròn chứa nhiều carbohydrate và calo hơn một lát bánh mì trắng. Vì vậy, nếu bạn đang thèm bánh mì, hãy chọn bánh mì lát nhỏ hoặc tốt hơn là bánh mì nguyên cám để ổn định đường huyết.
7. Đồ uống thể thao
Những thức uống này giúp bạn bù nước nhanh chóng, nhưng một số loại có nhiều đường. Vì vậy chỉ nên chọn nước lọc để bổ sung chất lỏng cho một buổi tập thể dục - thể thao vừa phải dưới một giờ. Đồ uống thể thao sẽ phù hợp khi bạn phải tập luyện lâu hơn, cường độ cao hơn. Đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ trước để xem lượng calo, carbs và khoáng chất trong chai nước có an toàn cho bạn hay không.
8. Trái cây sấy khô
Trái cây là một lựa chọn lành mạnh, nhưng hãy lưu ý một khẩu phần nhỏ trái cây sấy khô sẽ chứa khá nhiều carbohydrate. Chỉ 2 thìa nho khô hoặc cherry khô đã có lượng carbs bằng với một miếng trái cây nhỏ.
9. Steroid và thuốc lợi tiểu
Corticosteroid, chẳng hạn như prednisone, được dùng để điều trị phát ban, viêm khớp, hen suyễn và nhiều bệnh khác. Tuy nhiên các loại thuốc này có thể làm tăng lượng đường trong máu của bạn, thậm chí có thể gây ra bệnh tiểu đường của người bình thường. Thuốc lợi tiểu giúp điều trị huyết áp cao cũng có tác dụng phụ tương tự như vậy. Một số thuốc chống trầm cảm cũng làm thay đổi lượng glucose trong máu.
10. Thuốc cảm
Thuốc thông mũi chứa pseudoephedrine hoặc phenylephrine có thể làm tăng lượng đường trong máu. Thuốc cảm đôi khi cũng chứa một ít đường hoặc alcohol, vì vậy hãy chọn những sản phẩm không có thành phần này. Thuốc kháng histamine hiếm khi ảnh hưởng đến lượng glucose huyết. Hãy hỏi dược sĩ về những tác dụng tiềm ẩn của thuốc không kê đơn trước khi bạn mua về sử dụng.
11. Thuốc ngừa thai
Các loại thuốc tránh thai chứa estrogen có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý insulin. Nhưng nhìn chung thì thuốc tránh thai vẫn an toàn đối với phụ nữ mắc bệnh tiểu đường. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ đề xuất dùng thuốc viên kết hợp norgestimate với estrogen tổng hợp. Các mũi tiêm và cấy que ngừa thai vẫn an toàn cho phụ nữ mắc bệnh này, mặc dù cũng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
12. Công việc nhà
Dọn dẹp nhà cửa hoặc sân vườn sẽ giúp những người bệnh ổn định đường huyết. Nhiều công việc nhà bạn làm hàng ngày được coi là hoạt động thể chất cường độ vừa phải, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hãy tranh thủ đi bộ quanh chợ hoặc siêu thị để xem như là những bài tập nhỏ.
13. Sữa chua
Sữa chua có chứa lợi khuẩn hay gọi là men vi sinh, có tác dụng cải thiện tiêu hóa và giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu. Một số loại sữa chua có thêm đường và trái cây, do đó hãy chú ý đến lượng carbs nạp vào. Sự lựa chọn tốt nhất cho người mắc bệnh tiểu đường là sữa chua nguyên chất hoặc sữa chua không đường.
14. Chế độ ăn thuần chay
Nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 chuyển sang chế độ ăn thuần chay sẽ kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn và cần ít insulin hơn. Tăng cường chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt và đậu có thể làm chậm quá trình tiêu hóa carbs. Tuy nhiên các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm trước khi khẳng định ăn chay có thực sự giúp ích cho bệnh tiểu đường hay không. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định thực hiện những thay đổi lớn về chế độ ăn uống.
15. Quế
Thêm một chút gia vị quế vào món ăn giúp tăng hương vị mà không cần dùng quá nhiều muối, tinh bột hoặc calo. Một số nghiên cứu cho thấy quế cũng có khả năng giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn và làm giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu thêm để biết chắc chắn về công dụng của quế, cũng như tác dụng phụ có thể xảy ra nếu dùng với liều lượng lớn. Vì vậy, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử dùng quế.
16. Ngủ
Lượng đường trong máu có thể xuống thấp đột ngột đối với một số người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là nếu đang điều trị bằng insulin. Tốt nhất là bạn nên kiểm tra chỉ số đường huyết của mình trước khi đi ngủ và khi thức dậy. Một bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ có thể giúp ổn định đường huyết trong trường hợp này. Đối với một số người, lượng đường trong máu có thể tăng vào buổi sáng - thậm chí trước khi ăn sáng, do những thay đổi hormone hoặc giảm insulin. Vì vậy việc theo dõi đường huyết thường xuyên để hiểu được cơ thể mình là rất quan trọng.
17. Tập thể dục
Hoạt động thể chất là một biện pháp tăng cường sức khỏe tuyệt vời cho tất cả mọi người. Những bệnh nhân tiểu đường nên điều chỉnh lịch trình tập luyện phù hợp với nhu cầu cá nhân. Khi bạn tập thể dục vừa phải nhưng đủ lâu đến mức đổ mồ hôi và tăng nhịp tim, lượng đường trong máu của bạn có thể tăng đột biến, sau đó giảm xuống. Tập thể dục cường độ cao có thể khiến lượng đường trong máu của bạn giảm trong vài giờ sau đó. Ăn một bữa ăn nhẹ trước khi bắt đầu tập là một gợi ý hay. Đừng quên kiểm tra chỉ số glucose huyết trước, trong và sau khi bạn tập thể dục.
18. Rượu
Đồ uống có cồn chứa nhiều carbs, vì vậy ban đầu lượng đường trong máu của bạn sẽ tăng lên. Vài giờ sau khi uống, chỉ số đường huyết có thể giảm xuống. Nếu bạn uống rượu, tốt nhất nên uống trong bữa ăn và đừng quên kiểm tra chỉ số đường huyết. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyên phụ nữ không nên uống quá 1 ly mỗi ngày và nam giới chỉ nên uống 2 ly/ ngày. Một ly tương đương 150ml rượu vang, 350ml bia hoặc 35ml rượu mạnh như vodka hoặc whisky.
19. Nhiệt
Ở trong nhà có điều hòa sẽ an toàn hơn ở ngoài trời nóng bởi vì nhiệt làm cho lượng đường trong máu của bạn khó kiểm soát hơn. Bạn nên kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên và uống nhiều nước để tránh mất nước. Nhiệt độ cao cũng có thể ảnh hưởng đến thuốc, máy đo đường và que thử của bạn. Vì vậy đừng để những dụng cụ này trong một chiếc xe hơi nóng.
20. Nội tiết tố nữ
Khi nội tiết tố của phụ nữ thay đổi, lượng đường trong máu cũng không ổn định. Ghi lại về mức độ đường huyết của bạn mỗi ngày trong tháng để biết rõ hơn về ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt đối với lượng đường trong máu. Sự thay đổi hormone trong thời kỳ mãn kinh có thể làm mất ổn định đường huyết. Bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn về liệu pháp thay thế hormone.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com