Hỏi:
Chào Bác sĩ. Tôi hiện đang mang thai ở tuần thứ 36, năm nay 28 tuổi. Tôi bị tiểu đường thai kỳ khi xét nghiệm vào khoảng tuần thai 24,25. Sau đó tôi có chuyển chế độ ăn ít tinh bột, chia nhiều bữa trong ngày, đặc biệt là không ăn thực phẩm ngọt và đường.
Mỗi ngày tôi thử đường huyết 4 lần: trước ăn sáng, sau ăn sáng, sau ăn trưa và sau ăn tối. Kết quả nằm trong khoảng yêu cầu (trước ăn sáng <5.1, sau ăn 4.6–7.7) đó là khoảng yêu cầu của bác sĩ đường huyết bên bệnh viện tôi đưa ra. Tuy nhiên cũng có một vài lần tôi ăn hơi nhiều hơn thì đường huyết tăng lên 8.0 hoặc 8.6, tôi đọc chỉ số tiểu đường bên bệnh viện của mình là sau ăn <10 thì là chấp nhận được.
Tôi đang băn khoăn không biết rằng chỉ số đường huyết > 7.7 của tôi là có an toàn cho bé hay không, hay phải duy trì đều đặn không được vượt quá 7.7? Mức đường huyết sau ăn <10 của bệnh viện mình là có áp dụng cho thai phụ bị tiểu đường như tôi không? Mong Bác sĩ hồi âm sớm để tôi bớt lo lắng. Cảm ơn Bác sĩ.
An Trần (1991)
Chào bác sĩ. Chỉ số tiểu đường thai kỳ bao nhiêu là cao ạ. Cảm ơn bác sĩ!
Bùi Thị Tuyết Nhung (2001)
Trả lời:
Chào bạn!
Theo thống kê cứ 7 – 10 phụ nữ mang thai lại có 1 người gặp phải tình trạng tiểu đường thai kỳ. Không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ, tiểu đường thai kỳ còn gây nguy hại đến sự phát triển của thai nhi.
Để phát hiện ra tiểu đường thai kỳ thì phụ nữ có thai ở tuổi thai từ 24 – 28 sẽ được làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết tại cơ sở y tế chuyên Sản (3 lần lấy máu, mỗi lần cách nhau 1 giờ). Nếu 1 trong 3 chỉ số lớn hơn ngưỡng giá trị bình thường khuyến cáo (lúc đói ≤ 5.1 mmol/l, sau ăn 1 giờ ≤ 10 mmol/l, sau ăn 2 giờ ≤ 8.5 mmol/l) thì kết luận là thai phụ có tiểu đường thai kỳ.
Khi có tiểu đường thai kỳ thì thai phụ sẽ được khám chuyên khoa Nội tiết tiểu đường. Trước tiên sẽ điều chỉnh chế độ ăn giảm tinh bột theo hướng dẫn của Bác sĩ Nội tiết tiểu đường và theo dõi đường máu mao mạch hàng ngày. Mục tiêu điều trị cho thai phụ bị tiểu đường thai kỳ là giữ mức đường huyết là:
- Lúc đói: 5 – 5.5 mmol/l
- 1 giờ sau ăn < 7.8 mmol/l
Nếu bạn theo dõi đường máu mao mạch hàng ngày và mức đường huyết mao mạch của bạn sau ăn 1 giờ < 7.8 mmol/l thì được coi là điều chỉnh chế độ ăn có hiệu quả. Ngoài việc khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ Sản thì bạn cần được khám và tư vấn Bác sĩ chuyên khoa Nội tiểu đường để có điều chỉnh chế độ điều trị thích hợp bạn nhé. Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!
Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.