Sảy thai nhiều lần thường liên quan đến các bất thường nhiễm sắc thể của các cặp vợ chồng. Ngoài ra, nó còn liên quan đến một số dị tật bẩm sinh ở cơ quan sinh sản và các bệnh tật khác. Để hạn chế nguy cơ sảy thai liên tiếp, các cặp vợ chồng nên đi khám sàng lọc di truyền và thường xuyên chăm sóc sức khỏe.
1. Sảy thai liên tiếp là gì?
Sảy thai liên tiếp được định nghĩa là sẩy thai từ 2 lần trở lên. Sau 3 lần sảy thai, bạn nên khám sức khỏe tổng quát và thực hiện các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.
2. Khả năng sảy thai nhiều lần là bao nhiêu phần trăm?
Một số ít phụ nữ (1%) sẽ bị sảy thai nhiều lần.
3. Nguyên nhân phổ biến nhất gây sẩy thai là gì?
Hầu hết các trường hợp sảy thai (khoảng 60%) xảy ra ngẫu nhiên khi phôi thai nhận được các bất thường nhiễm sắc thể trong quá trình thụ tinh. Vấn đề di truyền này xảy ra một cách tình cờ, không do tác động của môi trường sống. Nó thường xảy ra phổ biến hơn ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
4. Có các vấn đề di truyền khác liên quan đến sảy thai nhiều lần không?
Đột biến chuyển vị (trong đó một đoạn nhiễm sắc thể được chuyển đến vị trí mới trên cùng một hoặc một nhiễm sắc thể khác) của một trong hai vợ chồng là nguyên nhân gây nhiều lần sảy thai. Những người có đột biến nhiễm sắc thể này thường không có bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng bất thường nào. Tuy nhiên, một số trứng hoặc tinh trùng sẽ có nhiễm sắc thể bất thường. Nếu phôi thai nhận quá nhiều hoặc quá ít vật chất di truyền, nó thường dẫn đến sảy thai.
5. Các vấn đề về cơ quan sinh sản nào có liên quan đến sảy thai nhiều lần?
Một số vấn đề bất thường tại cơ quan sinh sản có thể gây ra sảy thai nhiều lần như:
- Tử cung có vách ngăn: Tử cung được chia thành 2 phần bởi một bức tường mô
- Hội chứng Asherman: Các chất kết dính và sẹo hình thành trong tử cung có thể gây ra sảy thai nhiều lần. Sảy thai thường xảy ra trước khi người phụ nữ biết mình mang thai.
- U xơ và polyp: Đây là khối u lành tính (không phải ung thư) ở tử cung.
6. Các vấn đề sức khỏe nào có thể làm tăng nguy cơ sảy thai nhiều lần?
Phụ nữ mắc một số bệnh lý sau đây có thể làm tăng nguy cơ sảy thai nhiều lần:
- Hội chứng kháng phospholipid (APS): Là một rối loạn tự miễn, trong đó hệ miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại một số chất liên quan đến quá trình đông máu. APS có liên quan đến sảy thai nhiều lần và thai chết lưu.
- Đái tháo đường: Lượng đường (glucose) có trong máu cao. Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là những người kiểm soát bệnh kém, có nguy cơ sảy thai cao hơn.
- Hội chứng buồng trứng đa nang cũng có nguy cơ sảy thai cao hơn.
7. Tỷ lệ bị sảy thai nhiều lần không rõ nguyên nhân là bao nhiêu?
50–75% phụ nữ bị sảy thai nhiều lần không tìm được nguyên nhân gây sảy thai.
8. Xét nghiệm nào giúp xác định nguyên nhân gây sảy thai nhiều lần?
Để giúp xác định nguyên nhân của sảy thai liên tiếp, bạn sẽ được hỏi về tiền sử bệnh và những lần mang thai trước đây. Ngoài ra, bác sĩ có thể đưa ra một số chỉ định xét nghiệm bao gồm:
- Khám sức khỏe tổng thể, trong đó có khám vùng chậu.
- Xét nghiệm máu để phát hiện các vấn đề với hệ miễn dịch.
- Xét nghiệm di truyền có thể được thực hiện để giúp phát hiện nguyên nhân di truyền của sảy thai nhiều lần.
- Các xét nghiệm hình ảnh có thể được xem xét để tìm xem có vấn đề về tử cung gây sảy thai nhiều lần hay không.
XEM THÊM: 2 xét nghiệm di truyền trong sảy thai liên tiếp
9. Có điều trị được không nếu nguyên nhân gây sảy thai nhiều lần đã xác định được?
Nếu nguyên nhân gây sảy thai nhiều lần được xác định, bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị giải quyết nguyên nhân gây sảy thai.
10. Phải làm sao khi bị đột biến chuyển đoạn nhiễm sắc thể?
Những người bị đột biến chuyển đoạn cần đi tư vấn di truyền. Sau khi có kết quả xét nghiệm di truyền, bác sĩ sẽ đưa ra các giải pháp cho các cặp vợ chồng. Biện pháp thường được sử dụng là thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp xét nghiệm di truyền giúp chọn những phôi tốt nhất để cấy ghép vào cơ thể người vợ.
11. Các vấn đề về cơ quan sinh sản được điều trị như thế nào?
Phẫu thuật giúp làm tăng cơ hội mang thai thành công. Ví dụ, đối với phụ nữ tử cung có vách ngăn, một vách ngăn trong tử cung sẽ được cắt bỏ để tăng cơ hội mang thai.
12. Phương pháp điều trị cho người bị hội chứng kháng phospholipid?
Thuốc ngăn đông máu như heparin, đôi khi kết hợp với aspirin liều thấp, có thể được kê đơn trong suốt thai kỳ và trong vài tuần sau sinh. Phương pháp điều trị này giúp làm tăng tỷ lệ mang thai thành công ở những phụ nữ mắc chứng này.
13. Cơ hội thụ thai thành công là bao nhiêu nếu sảy thai nhiều lần không rõ nguyên nhân?
Khoảng 65% phụ nữ bị sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân có lần mang thai tiếp theo thành công.
Những tác động tiêu cực về tâm lý là điều không thể tránh khỏi sau khi bị sảy thai, đặc biệt là khi bị sảy thai liên tiếp, hạnh phúc gia đình có nguy cơ đổ vỡ. Nếu không được ổn định và thoải mái về mặt tinh thần, nghỉ ngơi về thể chất sau sảy thai thì cơ hội giữ thai thành công của các chị em phụ nữ sẽ càng ít. Do đó, để đảm bảo khả năng sinh sản và có một thai kỳ khỏe mạnh trong lần mang thai tới, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng trước khi mang thai.
Người vợ nên:
- Tiêm chủng trước khi mang thai (đặc biệt là ngừa rubella vì rubella trong thai kỳ cực kỳ nguy hiểm)
- Xét nghiệm gen để sàng lọc các bệnh lý di truyền trước khi mang thai
- Kiểm tra tình trạng viêm nhiễm phụ khoa tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi
- Đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi nếu muốn mang thai (nhất là chưa mang thai lần nào) sẽ phải kiểm tra sức khỏe rất chi tiết do mang thai ở tuổi này thường gặp các vấn đề: Suy buồng trứng, sinh non, nguy cơ dị tật thai nhi, rau tiền đạo, tiền sản giật cao hơn.
Người chồng nên:
- Kiểm tra sức khỏe sinh sản, phát hiện các bệnh lý teo tinh hoàn, yếu sinh lý, tinh trùng yếu...
- Các bệnh lây qua đường tình dục nhất là những bệnh không thể chữa khỏi vô cùng nguy hiểm
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: acog.org