10 điều cần biết về giấc ngủ của trẻ

Giấc ngủ là một nhu cầu cần thiết để trẻ phát triển đúng cách. Nếu trẻ ngủ nhiều hay ít đều là một trong các dạng rối loạn giấc ngủ. Do đó, cha mẹ cần biết về giấc ngủ của trẻ để kịp thời điều chỉnh, đảm bảo chăm sóc con toàn diện.

1. Tại sao trẻ cần ngủ đủ?

Giấc ngủ của trẻ là điều kiện cần thiết để con phát triển nhanh và khỏe mạnh. Cơ bắp của trẻ, bao gồm cả tim, có khả năng tự sửa chữa trong khi ngủ. Hơn nữa, giấc ngủ cũng cho phép não trẻ được nghỉ ngơi và bình tĩnh, không trở nên cáu kỉnh. Ngoài ra, giấc ngủ cũng kiểm soát các tín hiệu thông báo cho con bạn biết chúng đói hay no, giữ cho trẻ ở mức cân nặng phù hợp.

2. Giấc ngủ tăng cường trí não

Giấc ngủ cũng tăng cường trí não cho trẻ. Khi con bạn ở trong thế giới của giấc mơ, não của trẻ sẽ lưu trữ những ký ức trong ngày để nhớ lại chúng sau này. Đây là điều kiện cần thiết để học điều mới.

Trẻ cũng cần ngủ đủ giấc để giúp tăng khả năng tập trung hơn khi đến trường. Nếu tập trung, trẻ sẽ hoàn thành công việc nhanh hơn, nhớ bài lâu và ít mắc lỗi.

3. Trẻ cần ngủ bao nhiêu trong ngày?

Trẻ em cần nhiều thời gian ngủ hơn người lớn. Nếu trẻ ngủ ít hay nhiều hơn bình thường thì đều ảnh hưởng đến sự phát triển.

Trẻ mới biết đi nên ngủ tổng cộng 11 đến 14 giờ trong mỗi ngày. Trẻ từ 3 đến 5 tuổi cần ngủ ít hơn một chút, khoảng 11 đến 13 giờ. Nếu con bạn từ 6 đến 13 tuổi, trẻ nên ngủ từ 9 đến 11 giờ. Thanh thiếu niên chỉ cần 8 đến 10 giờ để ngủ nhưng trẻ thực sự ngủ được bao nhiêu giờ lại là một câu chuyện khác.

4. Trẻ có cần ngủ trưa không?

Con bạn ngủ bao nhiêu trong ngày phụ thuộc vào thời gian chúng ngủ vào ban đêm.

Hầu hết trẻ em sẽ không cần ngủ trưa vào ban ngày từ độ tuổi lên 5. Nếu con bạn vẫn cần ngủ trưa từ độ tuổi này thì trẻ ngủ ít hơn so với nhu cầu thực sự.

Tuy nhiên, nếu trẻ ngủ nhiều quá mức vào buổi trưa và chiều, đó là một dấu hiệu chắc chắn rằng giấc ngủ của trẻ ban đêm không đủ số lượng về giờ ngủ hay chất lượng hoặc cả 2.


Nếu trẻ ngủ ít hay nhiều hơn bình thường thì đều ảnh hưởng đến sự phát triển
Nếu trẻ ngủ ít hay nhiều hơn bình thường thì đều ảnh hưởng đến sự phát triển

5. Làm thế nào để trẻ đi ngủ?

Giờ đi ngủ không phải là một trận chiến giữa cha mẹ và con cái! Hãy xây dựng nguyên tắc rõ ràng từ đầu và tuân thủ theo như một thói quen, ngay cả vào ngày cuối tuần. Các hoạt động báo sắp tới giờ đi ngủ có thể bao gồm cho trẻ tắm nước ấm nhẹ nhàng, đánh răng và đi vệ sinh rồi kết thúc mọi hoạt động trong phòng ngủ.

Để giúp giấc ngủ của trẻ đến một cách nhẹ nhàng, cha mẹ nên lên kế hoạch cho một hoạt động thư giãn thú vị trước khi ngủ, chẳng hạn như đọc sách dưới ánh sáng mờ. Không cho phép trẻ sử dụng màn hình điện tử trước khi đi ngủ. Đồng thời đảm bảo phòng ngủ tối, mát mẻ, yên tĩnh và không có màn hình điện tử.

Đối với những trẻ ngủ ít hay khó ngủ, hãy giữ giường ngủ chỉ là nơi để nhắm mắt - không đọc sách, làm bài tập về nhà hoặc chơi trò chơi trên giường ngủ.

6. Trẻ vào tuổi thanh thiếu niên có thể ngủ đúng giờ không?

Đó không phải là "nhiệm vụ bất khả thi", nhưng cha mẹ hãy đối mặt với điều này dù cũng không hề dễ dàng. Đồng hồ sinh học bên trong thường thúc đẩy trẻ đi ngủ muộn vào ban đêm và buồn ngủ vào sáng hôm sau.

Để khắc phục, cần giảm độ sáng của đèn vào ban đêm, cho dù trẻ đã sẵn sàng đi ngủ hay chưa. Giữ phòng ngủ mát mẻ và rút phích cắm, tắt ti vi, điện thoại di động và máy tính vào ban đêm.

Vào cuối tuần, hãy dặn trẻ không được ngủ muộn hơn 2 giờ so với thời điểm đi ngủ bình thường trong tuần để giữ đồng hồ sinh học luôn ổn định, tránh gây rối loạn giấc ngủ ở trẻ.

7. Trường học có nên bắt đầu vào lớp muộn hơn không?

Đây là một vấn đề gây tranh cãi đối với các trường học, phụ huynh và không có giải pháp dễ dàng.

Nhiều trường trung học đổ chuông trước 8 giờ sáng, điều đó khiến thanh thiếu niên khó ngủ đủ giấc, vì hầu hết không chấp nhận vào giường trước 11 giờ tối.

Thời gian học bắt đầu muộn hơn có thể giúp trẻ tăng cường trí nhớ học tập. Các nghiên cứu cho thấy những thanh thiếu niên có một giấc ngủ chất lượng theo nhu cầu sẽ đạt điểm số tốt hơn.

8. Giấc ngủ của trẻ có đủ hay không?

Nếu trẻ cần phải nghỉ ngơi thường xuyên hay ngủ gật từ 15 đến 30 phút trong ngày thì cho thấy trẻ ngủ không đủ. Nếu trẻ ngủ nhiều theo nhu cầu, trẻ sẽ dễ dàng thức dậy khi đến giờ vào buổi sáng và cha mẹ sẽ không phải quay lại phòng nhiều lần để đánh thức trẻ.

9. Rối loạn giấc ngủ ở trẻ xảy ra khi nào?

Hầu hết giấc ngủ của trẻ là thời gian nhắm mắt cho phép con bạn lớn lên. Nhưng đôi khi có một tình trạng bệnh lý đằng sau, gây rối loạn giấc ngủ ở trẻ. Cha mẹ cần để ý tiếng ngáy của trẻ, khoảng dừng dài giữa các nhịp thở hoặc trẻ bị khó thở khi đang ngủ. Một số trẻ có thể cần được kiểm tra chứng ngưng thở khi ngủ.

Mộng du, ác mộng hoặc mộng tinh ở trẻ trưởng thành cũng có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn giấc ngủ. Nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa nếu nghi ngờ chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ.


Nếu trẻ ngủ nhiều theo nhu cầu, trẻ sẽ dễ dàng thức dậy khi đến giờ vào buổi sáng
Nếu trẻ ngủ nhiều theo nhu cầu, trẻ sẽ dễ dàng thức dậy khi đến giờ vào buổi sáng

10. Trẻ bị ADHD hay ngủ không đủ?

Người lớn và trẻ em không hành động giống nhau khi bị rối loạn giấc ngủ. Nếu người lớn có thể trở nên lừ đừ, chậm chạp khi ngủ không đủ thì những trẻ ngủ ít có vẻ hưng phấn hơn. Những hành vi của trẻ lúc này có thể khiến chúng trông giống như bị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Bác sĩ nhi khoa có thể giúp bạn tìm ra những gì đang xảy ra đồng thời với rối loạn giấc ngủ ở trẻ.

Nếu con bạn thực sự bị ADHD, các nghiên cứu cho thấy giấc ngủ của trẻ đầy đủ có thể giúp chúng chú ý tốt hơn và ít hành động quá mức.

Tóm lại, giấc ngủ của trẻ là một điều kiện cơ bản để trẻ lớn lên. Theo đó, khi trẻ ngủ nhiều hay ít đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về mặt thể chất và tinh thần. Với những kiến thức trên đây, cha mẹ sẽ tự tin hơn khi chăm sóc và phòng tránh các chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ dễ dàng hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe