Cỏ lưỡi mèo có tên khoa học là Elephantopus scaber, thuộc họ Cúc. Lá của cây mọc ở gốc và tỏa ra xung quanh như hình hoa thị, hoa có màu tím, cứ 4 hoa thì xếp lại thành một đầu.Vậy cây lưỡi mèo trị bệnh gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Tìm hiểu về cây cỏ lưỡi mèo
Theo Đông y, cỏ lưỡi mèo có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, khoan trung hạ khí, lợi tiểu, tiêu thũng. Thường dùng chữa: cảm sốt, ho, họng sưng đau, đau mắt đỏ, tiêu chảy, vàng da, mụn nhọt,... Cách dùng: sắc lấy nước hoặc giã vắt lấy nước cốt uống. Dùng ngoài giã đắp hoặc nấu nước xông rửa.
Cỏ lưỡi mèo còn có tên gọi khác là cỏ lưỡi chó,... Cỏ lưỡi mèo mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở các bãi trống, bờ ruộng, ven đường, ven rừng. Có thể thu hái quanh năm về làm thuốc, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô,... Cây lưỡi mèo sống dai, thân cao chừng 20-50cm, nhiều cành, gần như không có lá, cả cây có lông. Lá gốc mọc thành hình hoa thị, sát đất. Phiến lá dài chừng 6-12cm, rộng 3-5cm, hình thìa, có lông trắng ở cả hai mặt, mép có răng cưa lượn sóng, phía dưới hẹp lại thành cuống rộng ôm vào thân. Lá ở thân nhỏ và hẹp hơn lá ở gốc. Hoa màu tím, mọc thành xim, có đầu giả. Quả hình thoi, có 10 cạnh lồi. Mùa hoa quả: tháng 1-8.
2. Cây lưỡi mèo có tác dụng gì?
Theo y học cổ truyền, cỏ lưỡi mèo có nhiều công dụng như:
- Thanh nhiệt, hỗ trợ điều trị cảm mạo, viêm kết mạc.
- Hỗ trợ điều trị viêm hạch hạnh nhân cấp tính (viêm amidan cấp tính).
- Hỗ trợ điều trị viêm họng.
- Giúp lợi thủy, hỗ trợ điều trị viêm thận cấp và mãn tính.
- Hỗ trợ điều trị xơ gan cổ trướng.
- Giúp tiêu thũng, hỗ trợ điều trị cước khí thủy thũng.
- Hỗ trợ điều trị viêm gan vàng da cấp tính.
- Hỗ trợ điều trị tiêu chảy và kiết lỵ.
- Giúp giải độc, sơ cứu rắn cắn.
Riêng với trường hợp sơ cứu rắn cắn thì cũng tương tự như nhiều vị thuốc khác, ta vừa dùng toàn cây tươi giã nát vắt lấy nước uống, vừa lấy phần bã đắp lên (có thể giã cùng lá ớt đắp lên), sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
- Trường hợp da nổi nhọt độc hoặc mặt bị mụn đinh râu, bạn cũng có thể lấy lá cỏ lưỡi mèo tươi, giã nát với giấm và mẻ rồi đắp lên.
- Trường hợp nhức răng, người ta lấy rễ cây tươi, giã nát với hồ tiêu rồi nhét vào lỗ răng sâu, khi thấy bớt nhức thì nhả ra.
- Trường hợp loét da và chàm, dân gian cũng dùng lá tươi giã nát, đem nấu với một ít dầu dừa rồi để nguội và thoa đắp thường xuyên
3. Một số bài thuốc thường dùng từ cây cỏ lưỡi mèo
Bài 1: Chữa họng sưng đau do viêm họng, viêm amiđan: Cỏ lưỡi mèo 10g khô, rửa sạch cho vào ấm hãm với 300ml nước sôi trong khoảng 30 phút, chia uống nhiều lần trong ngày. Hoặc lá cỏ lưỡi mèo tươi rửa sạch nhai ngậm với một ít muối, có tác dụng giảm đau họng rất tốt.
Bài 2: Chữa môi lở sưng đau do nhiệt: Lá cỏ lưỡi mèo tươi, rửa sạch, thêm chút muối, giã nhỏ, vắt lấy nước bôi hoặc đắp vào chỗ đau.
Bài 3: Chữa mụn nhọt chưa vỡ: Cỏ lưỡi mèo tươi rửa sạch, thêm ít muối, giã nát ít muối đắp vào chỗ bị mụn nhọt, 2 tiếng thay băng 1 lần, dùng ngày 3 lần.
Bài 4: Hỗ trợ điều trị vàng da do viêm gan: Cỏ lưỡi mèo 20g, rễ dứa dại 30g, rễ cỏ xước 20g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 550ml nước, chia 3 lần uống trong ngày. 15 ngày 1 liệu trình.
Bài 5: Chữa viêm loét miệng lưỡi do nhiệt: Cỏ lưỡi mèo 30g khô, rửa sạch cho vào ấm đổ 400ml nước, chia 2 lần uống trong ngày. Uống 3-5 ngày.
Bài 6: Chữa bí đái do nhiệt: Dùng cỏ lưỡi mèo tươi 20-30g, mã đề 20g, rửa sạch cho vào ấm đổ 750ml nước, chia 3 lần uống trong ngày. 10 ngày 1 liệu trình.
Lưu ý: Người cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai cần thận trọng khi sử dụng. Không dùng đối với bệnh thuộc chứng hàn
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.