Cây mạn kinh tử thường mọc hoang trên các bãi biển ở nhiều tỉnh thành trên nước ta. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến vị thuốc mạn kinh tử. Vậy vị thuốc mạn kinh tử có tác dụng gì?
1. Đặc điểm cây mạn kinh tử
Cây mạn kinh tử còn có tên gọi khác là mạn kinh thực, kinh tử, từ bi biển, quan âm, đẹn ba lá, thuộc họ cỏ roi ngựa. Mạn kinh tử thuộc loại cây nhỏ, cao khoảng 1m, cành non có 4 cạnh được phủ bởi một lớp lông mềm. Cây mạn kinh tử có hai loại, một loại lá kép với 3 lá chét (V.trifolia) và một loại lá đơn (V.rotundiflolis), mặt trên lá nhẵn, mặt dưới lá có nhiều lông nhỏ, màu trắng bạc.
Hoa mạn kinh tử có màu lơ nhạt, mọc thành chùm xim ở đầu cành, hoặc mọc phía dưới cuống lá. Quả mạn kinh tử có hình cầu nhỏ, đường kính khoảng 2-3mm, mặt ngoài quả màu xám, phủ một lớp phấn màu trắng tro mỏng, thể chất nhẹ song cứng, quả có mùi thơm nhẹ đặc trưng.
2. Vị thuốc mạn kinh tử có tác dụng gì?
Mạn kinh tử dược liệu là phần quả của cây mạn kinh tử. Khi quả chín, người ta thu hái về, sau đó đem phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ dưới 600 C để làm thuốc. Vị thuốc mạn kinh tử có chứa tinh dầu, trong đó chủ yếu là camphen, α – pinen, β – pinen, terpenylaxetat, diterpen alcol.
Ngoài ra, trong quả mạn kinh tử dược liệu còn có flavonoid casticin, vitamin A và alcaloid. Nước sắc và dịch chiết cồn của vị thuốc mạn kinh tử có tác dụng với các chủng vi khuẩn gram dương, như là Bacillus subtilis, Bacillus cereus, Bacillus pumilus, Sarcina lutea, và nó còn tác dụng ức chế tụ cầu vàng Staphylococcus aureus.
Theo Y Học Cổ Truyền, vị thuốc mạn kinh tử có vị cay, đắng và tính ôn đi vào các kinh can, vị và bàng quang. Nó có tác dụng trừ phong, thanh nhiệt, làm cho đầu óc và mắt sáng suốt.
Theo Y Học Cổ Truyền, vị thuốc mạn kinh tử được sử dụng trong điều trị cảm mạo phong nhiệt, sốt cao, đau đầu, đặc biệt đau ở vùng thái dương, đau nhức trong hốc mắt, hoa mắt, chóng mặt, cao huyết áp.
Trong trường hợp không bị cảm mạo nhưng vẫn bị đau đầu, đau nửa đầu, hoặc cả 2 bên, hoặc đau 2 bên đối nhau. Dùng vị thuốc mạn kinh tử vẫn phát huy tác dụng.
Liều dùng của vị thuốc mạn kinh tử thường là từ 6-12g, dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Cần lưu ý, những người do huyết hư mà đau đầu cần phải thận trọng khi sử dụng mạn kinh tử, vì vị thuốc nào có tính thăng tán.
3. Một số bài thuốc dùng vị thuốc mạn kinh tử
- Bài thuốc điều trị cảm nhiệt, đau đầu, đau mắt đỏ: Sử dụng 16g mạn kinh tử, chi tử, cúc hoa, mỗi vị 12g, kinh giới 10g, xuyên khung 4g, sắc uống ngày 1 thang.
- Bài thuốc điều trị thiên đầu thống, hoặc chứng đau nửa đầu: Sử dụng 10g mạn kinh tử, cúc hoa 8g, xuyên khung 4g, bạch chỉ, tế tân, mỗi vị 3g, sắc uống ngày một thang, chia uống 3 lần.
- Bài thuốc điều trị mắt đau sưng đỏ, có màng che, chói mắt: Sử dụng 12g mạn kinh tử, xa tiền tử, thảo quyết minh, sung úy tử (hạt ích mẫu), lượng bằng nhau (10-12g), tán thành bột, mỗi lần uống 8 - 10g, ngày 2 lần.
Cây mạn kinh tử được sử dụng trong nhiều bài thuốc Y Học Cổ Truyền chữa bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ. Vì thế, để đảm bảo hiệu quả điều trị, bạn chỉ nên sử dụng khi có sự tư vấn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.