Hoàng nàn là dược liệu có công dụng giảm đau và sát khuẩn hiệu quả. Tuy nhiên, dược liệu này có độc tính khá mạnh, cần được chế biến và sử dụng đúng cách để không gây tác động xấu đối với sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về đặc điểm, tác dụng và cách dùng vị thuốc Hoàng nàn.
1. Đặc điểm cây
Hoàng nàn còn được gọi là Vỏ dãn, Mã tiền quế, có tên khoa học là Cotex Strychni wallichianae – thuộc ho Mã tiền (Loganiaceae). Loại thực vật này có những đặc điểm như sau:
- Hoàng nàn mọc leo và thuộc loại cây thảo dược, cành cây nhẵn, gầy và có móc mọc đối ở đầu những cành non;
- Thân cây có vỏ xám và có những đám màu vàng đỏ;
- Lá cây mọc đối, có hình dạng giống như hình bầu dục; lá dai, mặt nhẵn, cuống lá ngắn, hơi tròn hoặc nhọn, đầu lá nhọn hoặc tù. Chiều dài khoảng 6 – 12cm, chiều rộng lá khoảng 3 – 6cm;
- Hoa cây mọc thành chùy ngù tận cùng, không cuống và được phủ màu hung nâu;
- Quả cây hình cầu, đường kính quả từ 4 – 5cm. Vỏ ngoài của quả cứng, dày khoảng 4mm, trong quả chứa nhiều hạt hình khuy áo. Hạt có đường kính từ 22mm trở lên, dày khoảng 18mm.
Vỏ thân và cành cây Hoàng nàn là những bộ phận được dùng trong các bài thuốc chữa bệnh. Dược liệu sau khi thu hái đem phơi hoặc sấy khô. Vị thuốc là mảnh vỏ cuộn tròn hoặc cong lòng máng, kích thước to nhỏ không đều nhau (dài khoảng 5 – 12cm, rộng 2 – 4cm, dày 0,1 – 0,2cm). Mặt ngoài của vị thuốc có nhiều nốt sần sùi màu đỏ nâu hoặc nâu, mặt trong màu đen và có vị rất đắng. Dược liệu cần được bảo quản ở điều kiện độ ẩm không quá 12%, alcaloid toàn phần ít nhất là 2,5%.
Hoàng nàn là vị thuốc có độc tính mạnh, vì vậy cần phải chế biến trước khi dùng để giảm độc tính của thuốc, giảm tác dụng gây độc của Strichnin và giảm hàm lượng Strichnin theo phương pháp loại trừ. Chế biến vị thuốc Hoàng nàn bằng cách ngâm vị thuốc trong nước khoảng 12 – 24 giờ. Sau đó cạo bỏ vỏ ngoài và ngâm tiếp trong nước vo gạo trong 3 ngày đêm, mỗi ngày thay nước một lần, vớt ra và rửa sạch. Dược liệu sau khi ngâm được phơi hoặc sấy đến khi khô kiệt. Tiêu chuẩn sau khi chế biến là vị thuốc có màu vàng đậm, vị đắng rõ rệt.
Dược liệu sau khi chế biến cần được bảo quản theo quy định bảo quản thuốc độc, cụ thể là hoàng nàn sống thuộc loại thuốc độc Bảng A, hoàng nàn chín thuộc loại thuốc độc Bảng B.
2. Công dụng của vị thuốc hoàng nàn
Tác dụng của cây hoàng nàn đối với sức khỏe đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khoa học. Theo đó, vỏ thân cây chứa 6,28% alcaloid toàn phần, 2,34 – 2,93% Strichnin và 2,8% brucin khi còn sống. Dược liệu sau khi sơ chế thì thành phần hóa học cũng có sự thay đổi, trong đó hàm lượng alcoloid giảm còn 2,73%.
Công dụng trong Y Học Hiện Đại: Hoạt chất Strichnin trong dược liệu có tác dụng kích thích thần kinh trung ương, thần kinh ngoại vi mạnh và có thể gây ra nôn mửa, co giật và sợ ánh sáng. Strychnin tác dụng chọn lọc và đối kháng cạnh tranh với glycin trên receptor glycin tại tủy sống, vì vậy hoạt chất này có những công dụng sau:
- Tăng dẫn truyền thần kinh cơ, kích thích phản xạ tủy, tăng hoạt động và dinh dưỡng cơ. Thường được sử dụng trong điều trị đau cơ khớp, đau thần kinh ngoại biên, suy nhược, tê liệt và đái dầm, liệt dương;
- Tăng tiết dịch vị, giúp kích thích tiêu hóa, tăng nhu động ruột, từ đó giúp ăn ngon và dễ tiêu;
- Kích thích vào các trung tâm nhìn, nghe, ngửi nên làm tăng độ nhạy cảm của các cơ quan cảm giác;
- Dùng liều cao Strychnin gây kích thích mạnh tủy sống làm tăng phản xạ, gây ra các cơn co giật tương tự như co giật uốn ván.
Công dụng trong Y Học Cổ Truyền: Vị thuốc Hoàng nàn trong Y Học Cổ Truyền có tính lạnh, vị đắng nhưng mãnh liệt và rất độc, quy vào kinh Tỳ, Can. Dược liệu này có công dụng giảm đau, thông kinh lạc, trừ phong hàn.
3. Cách dùng và liều dùng vị thuốc Hoàng nàn
Bên cạnh những công dụng đối với sức khỏe, Hoàng nàn là vị thuốc có độc tính cao, vì vậy người bệnh cần lưu ý một số vấn đề về cách dùng, liều dùng vị thuốc này như sau:
- Hoàng nàn đã chế biến có thể dùng trong, tuy nhiên chỉ được dùng với một liều lượng cho phép. Chỉ dùng ở dạng thuốc viên phối hợp cùng các vị thuốc khác, tuyệt đối không dùng dạng dược liệu này dưới dạng thuốc bột hay sắc;
- Hoàng nàn chỉ được dùng ngoài;
- Dược liệu chứa hoạt chất có độc tính cao (alcaloid, strychnin) nên khi dùng cần lưu ý mỗi lần dùng 0,1g, tối đa không vượt quá 0,4g mỗi ngày và không dùng cho phụ nữ đang mang thai.
Vị thuốc có độc tính cao, khi bị ngộ độc người bệnh thường có triệu chứng gồm ngáp, chảy nước dãi, sợ ánh sáng, nôn mửa, mạch nhanh và yếu, tứ chi cứng đờ, một số triệu chứng tương tự như uốn ván (lồi mắt, co rút gân hàm, thân bị co, ngạt, khó thở...) và có thể tử vong sau khoảng 5 phút đến 5 giờ. Trong trường hợp ngộ độc hoàng nàn, cần cho người bệnh sử dụng một trong các bài thuốc sau:
- Nước cốt rau muống tươi: Rửa sạch rau muống, đem giã nhỏ và vắt ép lấy nước uống. Mỗi lần uống từ 100 – 200ml, dùng liên tục đến khi hết độc;
- Ngũ liễm cân tươi: Dùng 30 – 50g rễ cây Khế đem rửa sạch và sắc lấy nước uống. Mỗi lần uống 50 – 100ml, dùng liên tục đến khi hết độc;
- Ngã liễm căn gia vị thang: Dùng 30g vỏ cây Móng bò, 30g vỏ cây Bằng lăng và 1 nắm tay lá Gạo sấm. Hỗn hợp các vị thuốc đem sắc trong 1000ml nước đến khi còn 300ml thì dừng, thêm đường mía vào nước thuốc và dùng uống.
4. Hoàng nàn trong các bài thuốc chữa bệnh
4.1. Bài thuốc chữa vết loét, mụn ghẻ
Dùng dược liệu Hoàng nàn tán thành bột và ngâm rượu, dùng kết hợp với lá Trầu không bôi lên các mụn ghẻ và vết loét.
4.2. Bài thuốc chữa nhức xương, tê thấp
Chế biến bài thuốc như sau: Dùng 600g Hoàng nàn, 160g Hương phụ tử chế, 20g Thảo quả và 2g Đại hồi. Trong đó, vị thuốc đại hồi đem bỏ hạt và vị thuốc Thảo quả đem bỏ vỏ lấy hạt. Tất cả các vị thuốc được tán thành bột và trộn đều với nhau. Dùng 2 – 3g bột thuốc trộn với nước hoặc rượu, dùng uống sau khi ăn nửa giờ.
4.3. Bài thuốc chữa ho đờm, ho cảm lạnh, ho gió, ngứa cổ
Chế biến bài thuốc như sau: Dùng 160g Khô phàn (Phèn chua phi), 80g Nghệ vàng (được sao vàng), 20g Hạt tiêu (được sao thơm) và 12g Hoàng nàn chế. Tất cả các vị thuốc được tán thành bột mịn, làm thành viên có khối lượng 0,25g. Đối với người trưởng thành dùng 4 – 6 viên mỗi lần uống và uống 2 lần mỗi ngày với nước sôi để nguội.
Như vậy, cây Hoàng nàn là dược liệu có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Tuy nhiên dược liệu này cũng có độc tính mạnh và có thể gây ra những tác dụng phụ nhất định.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.