U não do di căn: Những điều cần biết

U não do di căn là những khối u ở não có nguồn gốc từ các mô hoặc cơ quan bên ngoài não. Di căn não là biến chứng thường gặp của ung thư toàn thân, gây nên thương tật và tử vong ở những bệnh nhân ung thư. U não do di căn là những khối u bên trong hộp sọ, hay còn gọi là u nội sọ phổ ​biến nhất với tỷ lệ phát sinh có thể đang tăng.

1. U não di căn là gì?

U não di căn là sự lây lan của một khối u ban đầu đến não, khác với khối u não nguyên phát. Sự khác nhau giữa hai loại tổn thương não này gây ra nhầm lẫn đối với nhiều người. Ví dụ, một bệnh nhân bị ung thư phổi có khối u hình thành đầu tiên trong mô phổi, sau đó các tế bào từ khối u tách ra từ khối u ban đầu di chuyển theo máu hoặc hệ thống bạch huyết đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả não. Khối u lan xa được gọi là “di căn”. Khi ung thư phổi di căn đến não, “khối u ở não” thực sự là các tế bào ung thư phổi.

2. Triệu chứng ung thư di căn não thường gặp

Một hay nhiều khối u ở não sẽ gây ra một trong những triệu chứng như sau:

  • Tăng áp lực nội sọ: Ở hầu hết các bệnh nhân, những triệu chứng của ung thư di căn não xuất hiện do sự hình thành và lớn lên của các tổn thương não và gây ra tăng áp lực bên trong sọ (tăng áp lực nội sọ). Các triệu chứng thường gặp nhất của tăng áp lực nội sọ là ói mửa, nhức đầu và rối loạn ý thức.
  • Nhức đầu: Ở khoảng một nửa số bệnh nhân mắc u não di căn có triệu chứng nhức đầu. Nhức đầu là triệu chứng được hầu hết bệnh nhân cảm nhận tại một thời điểm nào đó trong quá trình diễn tiến của u não di căn.
  • Nôn mửa: Nôn mửa thường xuất hiện cùng với đau đầu. Triệu chứng nôn mửa thường xuất hiện ở trẻ em phổ biến hơn so với người lớn. Nôn mửa ở trẻ em có thể xảy ra rất kịch tính và dữ dội.

Buồn nôn
Nôn mửa, đau đầu là triệu chứng ung thư di căn não thường gặp

  • Mất ý thức và giảm độ tỉnh táo: Bệnh nhân u não di căn thường bị giảm độ tỉnh táo hoặc mất ý thức ở tại một thời điểm nào đó. Khối u não có thể ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần theo nhiều mức độ khác nhau, từ những thay đổi nhẹ trong tính cách đến những trạng thái hôn mê sâu và không thể hồi phục.
  • Động kinh co giật: Chứng động kinh thường đi kèm với các khối u não trong khoảng gần 35% bệnh nhân mắc u não di căn. Tuổi có thể làm tăng nguy cơ bị động kinh do khối u, đặc biệt là ở những người trên 45 tuổi.
  • Các triệu chứng thần kinh khu trú: Trong khi nhức đầu, thay đổi trạng thái tinh thần và co giật có thể xảy ra với khối u ở nhiều vị trí khác nhau trong não, thì một số triệu chứng khác lại có liên quan đến vị trí cụ thể của u não di căn. Những triệu chứng thần kinh khu trú này thường ảnh hưởng đến phần cơ thể ở bên đối diện với bên mà khối u tồn tại. Ví dụ, một khối u ở bên phải bộ não có thể gây nên rối loạn cảm giác có thể xuất hiện tê, mất cảm giác hoặc vận động như yếu liệt cơ phía bên trái của cơ thể.

3. Nguyên nhân gây ung thư di căn não

U não do di căn xảy ra khi các tế bào ung thư di chuyển trong dòng máu hoặc hệ thống bạch huyết từ khối u ban đầu, lan ra (di căn) tới não. Ở não, các tế bào di căn bắt đầu nhân lên. Ung thư di căn lây lan từ vị trí ban đầu được gọi là ung thư nguyên phát. Ví dụ, ung thư lan từ vú đến não được gọi là ung thư vú di căn, không phải là ung thư não.

Ung thư
Các tế bào ung thư di chuyển trong máu, từ khối u ban đầu đến não gây ra u não do di căn

4. Yếu tố nguy cơ của u não do di căn

Tỷ lệ chính xác của u não di căn không rõ ràng. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ những bệnh nhân bị ung thư mắc u não di căn xảy ra là khoảng 10 - 30%.

Bất kỳ khối u ác tính nào cũng có thể di căn đến não gây ra bệnh u não di căn, tuy nhiên tỷ lệ phát sinh di căn não thay đổi tùy thuộc vào mỗi loại ung thư khác nhau. Ung thư phổi, ung thư vú, ung thư thận, ung thư đại tràng và ung thư tế bào hắc tố (Melanoma) là những ung thư hay di căn não nhất. Ung thư phổi nguyên phát là phổ biến nhất, chiếm 30 - 60% tất cả các di căn não. Khoảng 20 - 30% bệnh nhân ung thư vú sẽ bị di căn não.

Khả năng bị u não di căn cũng thay đổi tùy theo độ tuổi. Ở độ tuổi từ 40 - 60 tuổi có nguy cơ mắc cao nhất và có xu hướng giảm đi sau đó. Tỷ lệ u não di căn ở trẻ em thấp hơn so với người lớn, với tần số dao động từ 6 đến 13%.

Mặc dù u não di căn xảy ra với tần suất tương tự ở nam và nữ, một số khác biệt về giới tính được ghi nhận tùy vào loại ung thư nguyên phát. Ung thư phổi là nguồn gây u não di căn phổ biến nhất ở nam giới, trong khi ở nữ giới nguồn phổ biến nhất là ung thư vú.

5. Chẩn đoán u não do di căn như thế nào?

Khi bị nghi ngờ có u não di căn, bác sĩ có thể đề nghị làm một số xét nghiệm và thủ thuật bao gồm:

  • Khám thần kinh:

Khám thần kinh có thể kèm theo kiểm tra thị lực, thính lực, khả năng cân bằng, phối hợp, độ mạnh và phản xạ của bạn. Khó khăn ở một phần nào đó có thể cung cấp manh mối về phần não bị tổn thương do khối u.

  • Chẩn đoán hình ảnh:

Chụp cộng hưởng từ (MRI) thường được sử dụng để giúp chẩn đoán u di căn ở não. Một loại thuốc nhuộm có thể được tiêm vào tĩnh mạch ở cánh tay trong quá trình chụp MRI. Một số loại chụp MRI chuyên biệt bao gồm: MRI chức năng, MRI tưới máu não và quang phổ cộng hưởng từ giúp bác sĩ đánh giá khối u cũng như lên kế hoạch điều trị.

Kiểm tra hình ảnh khác có thể bao gồm chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET). Ví dụ, nếu như khối u nguyên phát gây di căn não không rõ, bệnh nhân có thể được chụp CT scan ngực để tìm ung thư phổi.

PET/CT
Hệ thống máy chụp PET/CT tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec giúp chẩn đoán chính xác các loại u gây ung thư

  • Lấy mẫu và xét nghiệm mẫu mô bất thường (sinh thiết):

Sinh thiết có thể được lấy trong khi phẫu thuật cắt bỏ khối u não hoặc có thể được thực hiện bằng một kim hút. Các mẫu sinh thiết được xem dưới kính hiển vi để xác định nó là ung thư (ác tính) hay không phải ung thư (lành tính), và các tế bào ung thư có di căn từ một khối u nguyên phát hay không. Những thông tin này là rất quan trọng cho chẩn đoán, tiên lượng và hướng dẫn điều trị.

6. Điều trị u não do di căn

U não di căn thường đáp ứng với điều trị nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Những phương pháp điều trị có thể làm nhẹ các triệu chứng, làm chậm sự tăng trưởng của khối u và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Lựa chọn điều trị cho những người bị u não di căn thường bao gồm thuốc, phẫu thuật, phẫu thuật xạ trị tập trung, xạ trị toàn bộ não hoặc kết hợp các phương pháp này. Hóa trị và liệu pháp miễn dịch có tác dụng cho một số trường hợp. Các khối u có thể tái phát sau khi điều trị.

Phương pháp điều trị tốt cho bạn sẽ phụ thuộc vào kích thước, số lượng và vị trí của khối u, cũng như sức khỏe tổng thể và mong muốn của bạn. Hãy nói chuyện với bác sĩ về các mục tiêu điều trị để tìm ra hướng điều trị phù hợp nhất cho mình.

Dưới đây là các biện pháp điều trị có thể áp dụng với trường hợp bệnh nhân ung thư di căn não:

6.1 Thuốc

Sử dụng Corticosteroid liều cao để giảm sưng xung quanh khối u và giảm các dấu hiệu và các triệu chứng thần kinh.

6.2 Phẫu thuật

Nếu u não di căn nằm ở vị trí dễ tiếp cận khi phẫu thuật, thì phẫu thuật sẽ là một lựa chọn. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt để loại bỏ càng nhiều ung thư càng tốt. Thậm chí loại bỏ một phần của khối u còn có thể làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân.

Phẫu thuật cắt bỏ di căn não có nhiều rủi ro như tê liệt thần kinh, nhiễm trùng và chảy máu. Các rủi ro khác có thể phụ thuộc vào phần của bộ não nơi có khối u. Ví dụ, phẫu thuật một khối u nằm gần dây thần kinh kết nối với mắt của bệnh nhân có thể có nguy cơ mất thị lực.

6.3 Xạ trị

Xạ trị là sử dụng chùm tia năng lượng cao như X-quang, để tiêu diệt tế bào ung thư. Đối với u não do di căn, điều trị có thể bao gồm một hoặc cả hai phương pháp xạ trị sau:

  • Xạ trị toàn bộ não:

Xạ trị toàn bộ não áp dụng bức xạ cho toàn bộ não để tiêu diệt tế bào ung thư. Quá trình này thường đòi hỏi 10 - 15 đợt điều trị trong 2 - 3 tuần. Tác dụng phụ có thể bao gồm mệt mỏi, buồn nôn và rụng tóc. Về lâu dài, bức xạ toàn bộ não liên quan đến suy giảm nhận thức.

Phương pháp này sử dụng chùm bức xạ không quá mạnh, nhưng điểm tiếp nhận bức xạ tại khối u não sẽ nhận được liều bức xạ rất lớn để diệt các tế bào ung thư.

SRS thường được thực hiện trong một lần điều trị và bác sĩ có thể tiêu diệt nhiều khối u trong một lần điều trị. Hầu hết các trường hợp có thể về nhà trong ngày. Tác dụng phụ có thể có gồm buồn nôn, nhức đầu, co giật, chóng mặt hay xây xẩm. Sau khi điều trị SRS thì nguy cơ suy giảm nhận thức lâu dài được cho là ít hơn so với xạ trị toàn bộ não.

Trong những năm gần đây, khi y học phát triển, các bác sĩ và các nhà nghiên cứu đã có những bước tiến đáng kể trong sự hiểu biết về xạ trị toàn bộ não, phẫu thuật xạ trị tập trung và mức độ ảnh hưởng của hai phương pháp này đến cơ hội sống, khả năng nhận thức và chất lượng sống của bệnh nhân. Để quyết định loại xạ trị nào nên sử dụng, bệnh nhân và bác sĩ sẽ xem xét nhiều yếu tố, bao gồm những phương pháp điều trị khác mà người bệnh đang thực hiện và khả năng tái phát ung thư sau điều trị.

Điều trị ung thư di căn não bằng phương pháp xạ phẫu não SRS
Điều trị ung thư di căn não bằng phương pháp xạ phẫu não SRS tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

6.4 Phục hồi chức năng sau điều trị

Do khối u não có thể ảnh hưởng tới các kỹ năng bao gồm: vận động, lời nói, thị lực và tư duy của bệnh nhân, phục hồi chức năng có thể là một phần tất yếu của sự phục hồi chung. Các biện pháp phục hồi chức năng sau điều trị bao gồm:

  • Vật lý trị liệu giúp bệnh nhân lấy lại kỹ năng vận động hoặc sức mạnh cơ bắp.
  • Trị liệu nghề nghiệp giúp bệnh nhân lấy lại các kỹ năng cần thiết cho sinh hoạt bình thường hàng ngày, bao gồm cả công việc.
  • Ngôn ngữ trị liệu với các chuyên gia chuyên điều trị các trường hợp khó khăn về nói, phát âm (nhà nghiên cứu bệnh học về khả năng nói).

6.5 Chăm sóc hỗ trợ (giảm nhẹ)

Chăm sóc giảm nhẹ là chăm sóc y tế đặc biệt tập trung vào việc giảm đau và làm nhẹ các triệu chứng của một căn bệnh nghiêm trọng. Các chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ sẽ làm việc với bệnh nhân, gia đình và các bác sĩ để bổ sung thêm các hỗ trợ điều trị khác cho người bệnh.

Chăm sóc giảm nhẹ được cung cấp bởi một đội ngũ các chuyên gia y học, tâm lý, chăm sóc tinh thần và xã hội. Nhóm hoạt động chăm sóc này sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân mắc bệnh ung thư và gia đình họ.

7. Phòng ngừa ung thư di căn não

Để giảm những biến chứng do u não di căn cần có chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp:

  • Tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn: Nếu bác sĩ đồng ý, hãy bắt đầu tập thể dục nhẹ nhàng một vài lần một tuần và tăng lên nếu bạn cảm thấy tốt. Bệnh nhân có thể cân nhắc đi bộ, yoga hoặc luyện tập thái cực quyền.
  • Giảm căng thẳng: Hãy tự kiểm soát sự căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày của chính mình. Có thể thử áp dụng các kỹ thuật giảm căng thẳng như: thư giãn cơ, trực quan và thiền định.

Tóm lại, u não di căn là một căn bệnh nguy hiểm và đang có tỷ lệ phát sinh tăng. Do đó, khi thấy có những dấu hiệu bất thường, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có phương pháp điều trị thích hợp.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan