Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Minh Châu - Khoa Liên Chuyên Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Viêm giác mạc là bệnh nguy hiểm, có thể để lại những di chứng nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của người bệnh. Nắm bắt được các nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và cách phòng bệnh giúp chúng ta kịp thời phát hiện bệnh, điều trị kịp thời tránh để lại di chứng.
1. Nguyên nhân viêm giác mạc
Giác mạc là lớp mô mỏng trong suốt nằm phía trước nhãn cầu, là bộ phận tiếp xúc với ánh sáng đầu tiên, cho phép ánh sáng đi qua giúp mắt nhìn thấy. Viêm loét giác mạc là khi giác mạc bị trầy và bị nhiễm trùng gây phản ứng viêm. Đây là một bệnh rất nguy hiểm vì có thể để lại những di chứng vĩnh viễn như sẹo giác mạc, lồi mắt cua, thủng nhãn cầu, thậm chí là đánh mất một phần hoặc toàn bộ thị lực.
Các nguyên nhân gây viêm giác mạc bao gồm:
- Viêm biểu mô giác mạc nông: Tác nhân chủ yếu do virus như Herpes, Zona, Adenovirus. Hoặc do sự rối loạn sự chế tiết nước mắt (khô mắt), hở mi, nhiễm độc.
- Viêm giác mạc sâu: Tác nhân gây bệnh thường theo đường máu, có thể do lao, giang mai, phong, virus,...
- Viêm giác mạc sợi: Thường do bệnh nhân bị khô mắt có thể do tiêu hao nhiều nước mắt (Thường xuyên thức đêm, mất ngủ, mắt nhắm không kín do liệt VII, hở mi,...), do không sản xuất đủ nước mắt (thiếu vitamin A, dị ứng thuốc, một số loại thuốc tra mắt,....)
- Viêm loét giác mạc: nguyên nhân có thể do vi khuẩn, virus, nấm, amip, microsporidia,...
Các yếu tố nguy cơ gây viêm loét giác mạc mà bạn cần đề phòng như: Biến chứng của bệnh mắt hột như lông quặm, khô mắt,...; khô mắt do thiếu vitamin A; tổn thương thần kinh như Liệt VII (gây mắt nhắm không kín); chấn thương mắt như gây trầy, rách giác mạc; do kính áp tròng dùng không đúng cách,...
2. Triệu chứng viêm giác mạc
Khi mắt của bạn xuất hiện các dấu hiệu sau, hãy nhanh chóng đến các phòng khám mắt hoặc Bệnh viện chuyên khoa mắt để chẩn đoán bệnh kịp thời:
- Khó chịu, mỏi mắt, có cảm giác có dị vật trong mắt.
- Đau nhức âm ỉ trong mắt, cảm giác mắt nóng rát.
- Chói mắt, sợ ánh sáng.
- Chảy nước mắt nhiều.
- Mắt đỏ, cảm giác nhìn mờ.
- Đục giác mạc, vùng trung tâm giác mạc thường xuất hiện những đốm trắng.
- Sưng nề mi mắt, khó mở mắt.
- Nhiều ghèn, dử mắt màu trắng vàng hoặc vàng.
3. Điều trị bệnh viêm giác mạc
Người bệnh viêm giác mạc cần được điều trị sớm, tránh nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng thị lực sau này. Thông thường, viêm giác mạc sẽ được điều trị bằng thuốc. Trường hợp nặng không điều trị được bằng thuốc, bệnh nhân có thể được phẫu thuật tùy theo tình trạng mà có các phương pháp phẫu thuật khác nhau: Phủ kết mạc, ghép màng ối, ghép giác mạc,...
Một số lưu ý khi điều trị viêm giác mạc:
- Không nên băng kín mắt vì sẽ tạo điều kiện cho các vi sinh vật phát triển mạnh hơn.
- Nên đeo kính mát giúp bảo vệ mắt tránh những kích thích từ môi trường.
- Không nên đeo kính áp tròng hay trang điểm trong quá trình điều trị.
- Tránh dụi mắt hay những vật thể có tác động đến mắt.
4. Các phòng bệnh viêm giác mạc như thế nào?
- Sử dụng các biện pháp bảo hộ mắt khi làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi,...
- Sử dụng kính mát khi di chuyển ngoài đường tránh bụi và dị vật bay vào mắt.
- Dùng kính bảo vệ mắt trong trường hợp bị hở mi.
- Điều trị dứt điểm các bệnh về mắt và bệnh toàn thân có nguy cơ gây viêm giác mạc.
- Không dùng tay dụi mắt, không tư sử dụng các vật dụng để lấy dị vật, không đắp các loại thuốc lá trực tiếp vào mắt.
- Cung cấp đủ vitamin A cho mắt và thường xuyên chớp mắt để tránh khô mắt.
- Chú ý khi sử dụng kính áp tròng vệ sinh trước và sau khi đeo kính.
Bệnh viêm giác mạc rất hay gặp và là một trong những nguyên nhân gây giảm thị lực, mù lòa. Chính vì những biến chứng do bệnh để lại nghiêm trọng nên người bệnh khi thấy các triệu chứng khó chịu ở mắt nên đến các cơ sở y tế uy tín để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.