Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Khí phế thũng là bệnh tắc nghẽn mãn tính liên quan đến phổi, thường gặp ở người thường xuyên hút thuốc lá. Nếu không được điều trị kịp thời, khí phế thũng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, tràn khí màng phổi, tắc nghẽn động mạch phổi...
1. Khí phế thũng là gì?
Khí phế thũng là một bệnh lý liên quan đến phổi, khiến bệnh nhân bị khó thở. Bệnh xuất hiện ở những người có túi phổi bị tổn thương, đa số là do hút thuốc lá. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, túi phổi dần dần sẽ bị suy yếu và phá vỡ, tạo thành các không gian lớn gây giảm diện tích bề mặt phổi, lượng oxy đi vào máu giảm.
Khi phế quản bị tổn thương, hoạt động thở ra cũng sẽ bị ảnh hưởng, không khí bên trong tắc nghẽn không thoát ra được bên ngoài, đồng thời không khí giàu oxy bên ngoài không thể đi vào bên trong khiến người bệnh không được cung cấp đầy đủ oxy, phục vụ các hoạt động của cơ thể. Hầu hết các bệnh nhân bị bệnh khí phế thũng đều bị viêm phế quản mãn tính. Nguyên nhân là do viêm ống dẫn khí đến phổi dẫn đến ho dai dẳng, không dứt.
2. Phân loại bệnh khí phế thũng
Bệnh khí phế thũng được chia thành 2 loại, bao gồm: khí phế thũng nguyên phát và khí phế thũng thứ phát.
2.1. Bệnh khí phế thũng nguyên phát
Khí phế thũng nguyên phát gồm 3 loại chính và được chia theo vị trí tổn thương, bao gồm:
- Khí phế thũng trung tâm tiểu thùy/trung tâm tuyến nang: Đây là biến chứng thứ phát sau khi bị viêm phế quản mạn. Bệnh nhân bị viêm phế quản mạn sẽ lan xuống các tiểu phế quản ở trung tâm tiểu thùy, do phế quản không có sụn nên rất nhanh chóng bị làm co giãn và phá hủy thành những bóng khí thũng ở trung tâm tiểu thùy. Các phế nang ở ngoại vi tiểu thùy vẫn hoạt động bình thường, mao mạch phổi không bị tổn thương. Nếu cơ thể thiếu oxy sẽ tạo nên các shunt giải phẫu, làm cao áp tiểu tuần hoàn, ứ huyết ở tim phải và dẫn đến tâm phế mạn.
- Khí phế thũng toàn tiểu thùy/đa tuyến nang: nguyên nhân là do sự thiếu hụt A1 antitr và A1 kháng Proteaza.
- Khí phế thũng tuyến nang xa: tình trạng này sẽ gây tổn thương ở túi phế nang và các ống phế nang, hình thành những bóng khí có chiều dài khoảng 1cm và chiếm hết lòng ngực.
2.2. Khí phế thũng thứ phát
Khí phế thũng thứ phát có thể xảy ra ở một số trường hợp như:
- Khí phế thũng cạnh những tổ chức xơ
- Khí phế thũng điểm/khí phế thũng quanh tiểu phế quản (thường gặp ở những người bị bệnh bụi phổi).
3. Nguyên nhân gây bệnh khí phế thũng
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh khí phế thũng, phổ biến nhất là viêm phế quản mạn tính, kéo dài do viêm nhiễm từ vi sinh vật, tác động của hóa chất gây hại, khói thuốc, khói bếp, bụi bẩn... Do đó, những người hút thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ rất cao mắc bệnh khí phế thũng. Khói thuốc lá, khói thuốc lào có thể làm tê liệt tạm thời các lông chuyển của tiểu phế quản, thành phế quản, phế nang. Các lông chuyển này có tác dụng đẩy các chất kích ứng và mầm bệnh ra khỏi đường hô hấp. Khi các lông chuyển bị tê liệt, chức năng này sẽ không hoạt động, các chất độc hại, kích ứng sẽ ứ đọng lại ở phế quản dẫn đến thâm nhiễm phế nang gây viêm, làm xơ hóa các sợi chun, gây ra bệnh khí phế thũng.
Cơ thể thiếu protein AAT cũng có thể dẫn đến bệnh khí phế thũng. Protein AAT (Anpha1-Antitripsin) có tác dụng bảo vệ các cấu trúc chun của phổi, giúp giảm tác động của một số enzym. Nếu thiếu protein AAT có thể làm tổn thương phổi tiến triển, dẫn đến bệnh khí phế thũng.
Bệnh hen suyễn mạn tính hoặc bệnh lao kéo dài cũng có thể làm căng giãn thường xuyên thành phế quản, phế nang, hệ thống mao mạch của tổ chức phổi, dẫn đến bệnh khí phế thũng
4. Triệu chứng nhận biết bệnh khí phế thũng
- Thường xuyên khó thở
- Ho liên tục, kéo dài
- Luôn cảm thấy mệt mỏi
- Da xanh xao, nhợt nhạt
- Lòng ngực có dạng hình thùng
- Suy giảm hệ miễn dịch
Nếu có các dấu hiệu kể trên hoặc thấy các vấn đề bất thường của cơ thể thì nên đến bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt. Tùy theo cơ địa, tình trạng bệnh của mỗi người mà triệu chứng của bệnh có thể khác.
5. Cách điều trị bệnh khí phế thũng
Mục tiêu của điều trị bệnh khí phế thũng là làm giảm triệu chứng, ngăn bệnh tiến triển và biến chứng. Để điều trị khí phế thũng, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc giãn phế quản, thuốc chống viêm để làm giảm khó thở, hỗ trợ đẩy đờm ra ngoài. Thuốc có thể sử dụng thông qua đường hít (khí dung) hoặc uống trực tiếp. Corticoid dạng hít thường được dùng trong điều trị cơn cấp hoặc điều trị dự phòng. Trường hợp có nhiễm trùng phải sử dụng kháng sinh. Cách điều trị bệnh khí phế thũng cụ thể sẽ được bác sĩ chỉ định phù hợp với từng thể trạng người bệnh, mức độ nặng của bệnh.
6. Phòng bệnh khí phế thũng
- Không hút thuốc lá, thuốc lào
- Hạn chế tiếp xúc với khói bụi, đeo khẩu trang khi đi ngoài đường
- Vệ sinh mũi, họng, răng miệng hàng ngày
- Nếu làm việc trong môi trường khói bụi phải sử dụng đồ bảo hộ lao động
- Điều trị dứt điểm các bệnh viêm đường hô hấp
- Tiêm vắc-xin phòng bệnh lao (vắc-xin BCG) cho trẻ sơ sinh người lớn chưa có miễn dịch chống vi khuẩn lao
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ khám, điều trị các bệnh lý về đường hô hấp uy tín. Với đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, tận tình trong công việc, người bệnh sẽ được kiểm tra, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và đề xuất phương án điều trị, kiểm soát bệnh hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.