Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh lý kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống hàng ngày của nhiều người. Trong số các thuốc điều trị bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, thuốc Olodaterol nhận được nhiều sự lựa chọn và quan tâm của người bệnh và các bác sĩ. Vậy hãy cùng tìm hiểu để biết thuốc Olodaterol có tác dụng gì và sử dụng thuốc Olodaterol như thế nào để đạt được hiệu quả và đảm bảo an toàn.
1. Thuốc Olodaterol là thuốc gì?
Thành phần chính của thuốc Olodaterol là Olodaterol, đây là một thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài (LABA). Thuốc Olodaterol hoạt động bằng cách hoạt động bằng cách làm giãn mở các cơ xung quanh đường thở để có thể thở dễ dàng hơn. Thuốc Olodaterol có tác dụng giãn phế quản, kiểm soát triệu chứng của các vấn đề hô hấp.
Vì vậy, thuốc Olodaterol là một thuốc được sử dụng trong điều trị lâu dài để ngăn ngừa, giảm nhẹ các triệu chứng khò khè và khó thở do các vấn đề về hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bao gồm cả viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng.
Tuy nhiên, thuốc Olodaterol không có tác dụng ngay lập tức và không nên được sử dụng khi gặp các cơn khó thở đột ngột, không được chấp thuận để điều trị bệnh hen suyễn. Lý do là vì những người bị hen suyễn sử dụng thuốc chủ vận beta dạng hít tác dụng kéo dài như thuốc Olodaterol mà không sử dụng corticosteroid dạng hít có thể bị tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng, đôi khi gây tử vong.
2. Sử dụng thuốc Olodaterol đúng cách như thế nào?
Việc sử dụng đúng cách sẽ giúp tăng hấp thu hoạt chất và thuốc Olodaterol phát huy tác dụng tối đa, đảm bảo hiệu quả điều trị cho người sử dụng. Do đó, người bệnh cần quan tâm những lưu ý sau đây khi sử dụng thuốc Olodaterol:
- Thuốc Olodaterol được sử dụng bằng đường hít.
- Liều lượng thuốc Olodaterol thường là một lần mỗi ngày, có thể được bác sĩ điều chỉnh, thay đổi, hướng dẫn theo mỗi một bệnh nhân.
- Khi mồi ống thuốc, hãy nhớ xịt thuốc hít hướng xuống đất (cách xa mặt) để không bị thuốc vào mắt.
- Thở ra hết mức trước khi hít để có thể hít vào tối đa khi sử dụng thuốc Olodaterol.
- Chờ ít nhất 1 phút giữa mỗi lần hít vào.
- Nếu bạn đang sử dụng các ống hít khác ngoài thuốc Olodaterol, hãy đợi ít nhất 1 phút giữa mỗi lần sử dụng thuốc.
- Không sử dụng nhiều thuốc Olodaterol hoặc thường xuyên hơn so với hướng dẫn (ví dụ: sử dụng nhiều hơn 2 lần hít olodaterol mỗi ngày) vì có thể gây ra quá liều và dẫn tới các tác dụng phụ nghiêm trọng.
3. Thuốc Olodaterol có những tác dụng phụ nào?
Bên cạnh tác dụng điều trị, sử dụng thuốc Olodaterol có thể dẫn tới những tác dụng không mong muốn. Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc Olodaterol bao gồm: bồn chồn, run và khó ngủ.
Hãy cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu trong khi dùng thuốc Olodaterol bạn gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào bao gồm:
- Nhịp tim đập mạnh, tim đập không đều, đau ngực,
- Chuột rút, yếu cơ, đau khớp
- Tăng khát, hay đi tiểu,
- Chóng mặt, ngất xỉu,
- Thuốc Olodaterol có thể làm tăng huyết áp. Do đó, bạn nên theo dõi, kiểm tra huyết áp thường xuyên.
- Thuốc Olodaterol có thể gây ra một tình trạng kéo dài QT, gây ra nhịp tim nhanh, không đều và các triệu chứng khác như chóng mặt, ngất xỉu, có thể gây ảnh hưởng tính mạng.
- Hiếm khi xảy ra nhưng thuốc Olodaterol có thể gây ra các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng như co thắt phế quản. Nếu đột ngột bị khó thở hoặc thở khò khè, hãy sử dụng ống hít giảm đau nhanh và đến bệnh viện.
- Phản ứng dị ứng được xếp vào mức nghiêm trọng của thuốc Olodaterol rất hiếm xảy ra với các triệu chứng bao gồm: ngứa và/hoặc sưng lưỡi, phát ban, cổ họng, chóng mặt, cảm giác khó thở, ngứa sưng mặt.
- Thuốc Olodaterol có thể làm ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm như kiểm tra huyết áp, nhịp tim, xét nghiệm chức năng phổi. Vì vậy, người bệnh đi khám nên cho nhân viên xét nghiệm và bác sĩ biết nếu đang dùng thuốc Olodaterol.
Đây không phải là tất cả các tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Olodaterol. Trong khi dùng thuốc Olodaterol, nếu bạn nhận thấy các tác dụng không mong muốn khác không được liệt kê ở trên hoặc nếu bất kỳ tác dụng phụ nào trầm trọng, kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn, đừng chủ quan, hãy ngừng thuốc Olodaterol và đi khám lại.
Trước khi sử dụng thuốc Olodaterol, hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết tiền sử dị ứng với Olodaterol hoặc các thuốc khác cùng nhóm, tiền sử mắc phải các vấn đề về tim như nhịp tim không đều, đau thắt ngực, cơn đau tim; huyết áp cao, tiểu đường, động kinh, cường giáp.
4. Các tương tác thuốc nào có thể xảy ra khi dùng thuốc Olodaterol?
Tương tác giữa thuốc Olodaterol và các thuốc khác khi sử dụng đồng thời hoặc trong một thời gian gần nhau có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động, tác dụng và hiệu quả của thuốc dùng cùng hoặc thậm chí làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ ngoài ý muốn của mỗi thuốc. Vì thế, trước khi sử dụng thuốc Olodaterol, hãy cho bác sĩ biết tất cả các thuốc và sản phẩm khác bạn đang sử dụng.
5. Một số lưu ý khác khi sử dụng thuốc Olodaterol là gì?
Khi bị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, bạn cần tránh các yếu tố có thể làm nặng hơn các vấn đề về hô hấp, ví dụ những chất gây kích ứng như khói, phấn hoa, lông thú cưng, bụi và nấm mốc. Bên cạnh đó, vi rút cúm có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về hô hấp, nên hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ xem bạn có nên tiêm phòng cúm hàng năm hay không.
Nếu lạm dụng thuốc Olodaterol có thể dẫn tới quá liều và có các triệu chứng nghiêm trọng như đau ngực, nhịp tim nhanh, không đều, chóng mặt, thậm chí ngất đi hoặc khó thở.
Nếu bạn đã bỏ lỡ một liều thuốc thuốc Olodaterol, hãy sử dụng ngay khi nhớ ra nếu chưa tới thời điểm của liều tiếp theo. Ngược lại, nếu tới thời điểm sử dụng liều thuốc Olodaterol kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo một cách bình thường.
Để thuốc Olodaterol không bị biến chất dẫn tới suy giảm chất lượng và có thể mất tác dụng điều trị và an toàn cần có, bạn cần bảo quản thuốc trong điều kiện như chỉ dẫn.
Để đảm bảo an toàn và tránh được các tác dụng phụ của thuốc Olodaterol, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn. Trong trường hợp sử dụng thuốc Olodaterol không thấy hiệu quả, người bệnh đến các cơ y tế để thăm khám, điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com