Tìm hiểu lý do gây mề đay

Dị ứng nổi mề đay gây ngứa có xu hướng gia tăng và ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Nguy hiểm hơn, nếu tình trạng dị ứng không được xử lý kịp thời có thể khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Do đó, tìm hiểu kỹ về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị là vô cùng quan trọng để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến chứng do căn bệnh này gây ra. 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Anh, chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Bệnh mề đay là gì?

Bệnh mề đay, với tên gọi khác là mày đay, là tình trạng mao mạch da phản ứng với các tác nhân khác nhau. Bệnh có biểu hiện như: da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, sần lên rõ ràng, dẫn đến phù nề cấp tính hoặc mãn tính ở lớp trung bì, khiến bề mặt da không còn phẳng mịn như bình thường.

Đây là bệnh lý da liễu phổ biến, dễ nhận biết và không lây truyền. Theo thống kê, cứ 100 người thì có đến 15-20 người mắc phải căn bệnh này.

Dựa trên diễn biến của bệnh, mề đay được chia thành hai dạng chính:

  • Mề đay cấp tính: Xuất hiện và kéo dài trong 24 giờ hoặc dưới 6 tuần.
  • Mề đay mãn tính: Kéo dài trên 6 tuần.

Thời gian tình trạng dị ứng nổi mề đay kết thúc phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như: triệu chứng bệnh, số lượng, cách thức tiếp xúc với dị nguyên cũng như mức độ mẫn cảm của cơ địa mỗi người. Với các trường hợp dị ứng nhẹ, tình trạng nổi mề đay có thể tự khỏi. Tuy nhiên, đối với những trường hợp dị ứng mãn tính, bệnh nhân cần can thiệp điều trị chuyên khoa.

2. Triệu chứng gây nổi mề đay

Triệu chứng dị ứng nổi mề đay cơ bản gồm:

  • Nổi mẩn đỏ hoặc trắng: Xuất hiện trên mặt, thân mình, tay hoặc chân.
  • Kích thước và hình dạng đa dạng.
  • Ngứa.

Các triệu chứng này có thể tái phát thường xuyên và không theo quy luật, có thể xảy ra cách nhau vài tháng hoặc vài năm. 

Trắc nghiệm: Bận rộn có ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn không?

Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta vì quá bận rộn mà quên chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Ai cũng biết rằng lịch trình làm việc cả ngày có thể khiến bạn kiệt sức, nhưng cụ thể bận rộn ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe? Hãy cùng làm thử bài trắc nghiệm dưới đây.

Nổi mẩn đỏ ở tay là triệu chứng dị ứng nổi mề đay cơ bản.
Nổi mẩn đỏ ở tay là triệu chứng dị ứng nổi mề đay cơ bản.

3. Nguyên nhân gây dị ứng nổi mề đay

Mề đay có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, thậm chí là nhiều nguyên nhân cùng lúc tác động lên cùng một người. Một số nguyên nhân dị ứng nổi mề đay bao gồm:

  • Dị ứng thức ăn.
  • Dị ứng thuốc.
  • Dị ứng côn trùng cắn.
  • Dị ứng hóa mỹ phẩm.
  • Do yếu tố di truyền.
  • Bệnh lý.
  • Nguyên nhân tự phát.

Một số yếu tố khiến một người dễ bị nổi mề đay hơn:

  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ bị nổi mề đay cao gấp đôi nam giới.
  • Tuổi tác: Người trẻ tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh hơn. 
Phụ nữ có nguy cơ bị dị ứng nổi mề đay cao gấp đôi nam giới.
Phụ nữ có nguy cơ bị dị ứng nổi mề đay cao gấp đôi nam giới.

4. Cách trị bệnh mề đay tại nhà

Một số cách trị dị ứng nổi mề đay tại nhà được liệt kê như sau:

  • Để trị dị ứng mề đay tận gốc, điều cốt yếu là bệnh nhân phải tìm đúng nguyên nhân gây ra và loại bỏ hoàn toàn tác nhân đó. Hầu hết các trường hợp, khi tách biệt khỏi yếu tố kích thích, bệnh mề đay sẽ tự giảm và biến mất trong vòng 24 giờ.  
  • Bị ngứa do nổi mề đay khiến người bệnh thường xuyên gãi, dẫn đến tổn thương da. Để giảm ngứa và hạn chế tổn thương, bệnh nhân nên vệ sinh vùng da bị mề đay bằng các dung dịch dịu nhẹ như bột yến mạch, baking soda hoặc tắm nước mát.
  • Chườm lạnh là phương pháp giảm mề đay và các triệu chứng ngứa da, dị ứng da hiệu quả. Nhiệt độ lạnh từ đá chườm làm mát da, dịu bớt cảm giác ngứa rát, khó chịu và hạn chế việc gãi ngứa da. Lưu ý khi chườm lạnh:
    • Sử dụng túi nước đá hoặc đá lạnh bọc trong khăn mềm.
    • Chườm tối đa 10 phút mỗi lần.
    • Có thể chườm vài lần trong ngày cho đến khi các triệu chứng giảm bớt.
  • Lô hội được ưa chuộng bởi là nguồn nguyên liệu mỹ phẩm tự nhiên, giá cả phải chăng nhưng mang lại hiệu quả cao. Nhờ hàm lượng dưỡng chất dồi dào, đặc biệt là Vitamin E, chiết xuất lô hội được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm dưỡng da, giúp giảm thiểu kích ứng, làm dịu da và phục hồi da khỏe mạnh.
  • Nếu tình trạng dị ứng nổi mề đay nghiêm trọng và triệu chứng không thuyên giảm sau khi thực hiện các biện pháp tại nhà, việc sử dụng thuốc là cần thiết. Thuốc kháng histamin là lựa chọn phổ biến để giảm ngứa và khó chịu do mề đay. Khi bị nổi mề đay mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc kháng histamin không kê toa theo hướng dẫn của bác sĩ, bao gồm:
    • Benadryl: Giảm mẩn ngứa nhanh trong 1 giờ nhưng có thể gây buồn ngủ.
    • Calamine (bôi ngoài da): Làm mát da, giảm ngứa nhanh, bôi trực tiếp lên vùng da bị bệnh.
    • Cetirizine, loratadine, fexofenadine: Chống mẩn ngứa, mề đay lâu dài, ít gây buồn ngủ, dùng được cho cả trường hợp mề đay mức độ nặng.

5. Chế độ sinh hoạt giúp hạn chế mề đay

Bệnh nhân có thể kiểm soát tình trạng dị ứng nổi mề đay hiệu quả bằng cách:

  • Ưu tiên quần áo sáng màu.
  • Hạn chế chà xát mạnh lên vùng da bị mề đay.
  • Tránh sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm có chất tẩy rửa mạnh.
  • Làm mát da bằng vòi sen nước mát, quạt, khăn lạnh hoặc kem dưỡng ẩm dịu nhẹ.
  • Ghi lại thời điểm, địa điểm, hoạt động, thực phẩm tiêu thụ khi bị mề đay. Thông tin này giúp bệnh nhân và bác sĩ xác định nguyên nhân gây bệnh chính xác.
  • Xác định và loại bỏ các thực phẩm, đồ uống nghi ngờ gây dị ứng.

Ngoài việc sử dụng thuốc, người bị nổi mề đay cần tránh các yếu tố làm bệnh nặng hơn như:

  • Chất kích thích (thuốc lá, cà phê).
  • Thực phẩm cay nóng (tiêu, ớt).
  • Thực phẩm giàu protein (hải sản, chocolate, trứng, sữa); đồ ngọt (kẹo, bánh, đường, chè) vì có thể làm tình trạng viêm nghiêm trọng hơn.
  • Muối  
  • Nước nóng sẽ làm da dễ tổn thương hơn. 
Ngoài việc sử dụng thuốc, người bị nổi mề đay cần tránh chất kích thích như cafe.
Ngoài việc sử dụng thuốc, người bị nổi mề đay cần tránh chất kích thích như cafe.

Để ngăn ngừa tình trạng dị ứng nổi mề đay tái phát, hỗ trợ quá trình điều trị, điều quan trọng là bệnh nhân phải xác định và tránh các tác nhân gây dị ứng. Người bệnh cần hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh và những thực phẩm, thức uống cần kiêng khem để có chế độ sinh hoạt hợp lý, giúp bệnh không trở nặng hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe