Túi mật có chức năng gì? Nguyên nhân gây viêm túi mật

Nhiều người thắc mắc túi mật nằm ở đâu và túi mật có chức năng gì trong cơ thể? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các kiến thức về vị trí và vai trò của túi mật, để từ đó có biện pháp phòng ngừa bệnh viêm túi mật tốt nhất.

1. Túi mật nằm ở đâu?

Trong cơ thể người, túi mật là một bộ phận thuộc hệ thống đường dẫn mật. Túi mật là một túi nhỏ, nằm sát dưới gan, vùng bụng bên phải, dưới bờ sườn phải. Túi mật có chiều dài khoảng từ 80 - 100mm và chiều ngang trong khoảng 30 - 40mm.

Túi mật gồm thân, ống và cổ túi mật. Ở hình dáng thông thường, cổ túi mật gấp khúc với thân túi mật và nối liền với ống mật chủ.

2. Túi mật có tác dụng gì?

Túi mật và ống túi mật là nơi chứa đựng và dự trữ dịch mật do gan tổng hợp và bài tiết ra. Khi ăn, gan sẽ bài tiết dịch mật nhiều hơn, túi mật có tác dụng co bóp đẩy dịch mật vào ống mật chủ, từ đó đổ vào tá tràng và xuống ruột non, giúp phân hủy các chất béo, thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn trong cơ thể người. Ngoài ra, túi mật còn có vai trò như một van điều phối dẫn mật vào tá tràng xuống ruột non một cách nhịp nhàng.

3. Nguyên nhân gây viêm túi mật

  • Do tuổi cao, người béo phì, thừa cân.
  • Do sỏi mật: 90% các trường hợp viêm túi mật là do sỏi túi mật gây ra. Sỏi di chuyển trong túi mật, cọ xát và làm tổn thương thành túi mật, hoặc cũng có thể gây tắc nghẽn các ống dẫn mật, làm cho dịch mật bị ứ đọng trong túi mật. Sỏi mật cũng khiến các hoạt chất, vi khuẩn trong dịch mật bị tích tụ, gây viêm nhiễm túi mật.

Sỏi túi mật là nguyên nhân chính gây ra viêm túi mật.
Sỏi túi mật là nguyên nhân chính gây ra viêm túi mật.
  • Do nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc virus: Các vi khuẩn gây viêm túi mật chủ yếu là các vi khuẩn ở đường ruột. Khi các vi khuẩn này di chuyển ngược lên đường dẫn mật qua lỗ mật vào tá tràng, hoặc theo giun khi giun chui lên ống mật, hoặc khi vi khuẩn theo đường máu, bạch huyết di chuyển tới đường dẫn mật, túi mật gây viêm nhiễm.
  • Do khối u: Viêm túi mật còn có thể do khối u từ bên ngoài chèn ép vào đường dẫn mật hoặc trong lòng ống dẫn mật. Sự chèn ép khiến dòng chảy của mật bị ứ đọng, gây ra nhiễm trùng.
  • Do chế độ ăn nhiều chất béo, làm tăng nguy cơ viêm túi mật.

4. Biến chứng của viêm túi mật như thế nào?

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng như:

  • Tích tụ mật gây viêm túi mật có thể khiến túi mật bị thủng.
  • Bệnh viêm túi mật cấp có thể chưa làm thủng túi mật nhưng có thể khiến túi mật bị căng phồng, làm cho thành túi mật bị giãn nở, yếu, thấm mật vào ổ bụng dẫn đến viêm phúc mạc mật.
  • Viêm phúc mạc mật là một trong những biến chứng rất nguy hiểm của bệnh viêm túi mật, có thể gây bị sốc nhiễm khuẩn, tụt huyết áp, trụy tim mạch, nặng có thể dẫn đến tử vong.
  • Thủng túi mật có thể gây suy tuần hoàn, chảy máu nội tạng. Khi có lỗ rò vào đường tiêu hóa hoặc viêm phúc mạc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.
  • Ngoài ra, viêm túi mật cũng có thể gây viêm mủ hoặc áp-xe đường dẫn mật.

Viêm túi mật có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh chủ quan không thăm khám và điều trị sớm. Việc đến các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra tình trạng của túi mật vô cùng quan trọng để phòng ngừa viêm túi mật và các biến chứng có thể có.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe