Các bệnh thường gặp ở mật

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Văn Quân - Phó trưởng khoa ngoại - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Túi mật là một cơ quan có dạng hình quả lê, kích thước nhỏ, nằm ngay bên dưới gan. Chức năng chính của túi mật là lưu trữ mật do gan sản xuất, co bóp bài tiết dịch mật qua ống mật vào ruột non, giúp tiêu hóa chất béo. Bệnh lý tại cơ quan này rất đa dạng, biểu hiện dưới nhiều bệnh cảnh khác nhau. Hiểu biết về các bệnh thường gặp ở mật giúp chúng ta chủ động trong phòng ngừa, phát hiện bệnh và thăm khám đúng chuyên khoa.

1. Sỏi mật

Sỏi mật phát triển khi các chất bài tiết trong mật (như cholesterol, muối mật và canxi) hoặc các chất ly gián từ ​​máu (như bilirubin) lắng đọng gắng kết tạo thành các hạt cứng. Ban đầu, sỏi có thể nhỏ như một hạt cát, theo thời gian, sỏi ngày càng lớn dần và đôi khi có kích thước lớn như một quả bóng golf.

Một số yếu tố góp phần vào nguy cơ hình thành sỏi mật được liệt kê như sau:

  • Thừa cân hoặc béo phì;
  • Mắc bệnh tiểu đường;
  • Từ 60 tuổi trở lên;
  • Giới nữ;
  • Dùng thuốc có chứa estrogen;
  • Có tiền sử gia đình sỏi mật;
  • Mắc bệnh Crohn hay các tình trạng ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng;
  • Có bệnh lý gan kèm theo như xơ gan, viêm gan.

Sỏi mật
Sỏi mật

2. Viêm túi mật

Viêm túi mật là một trong những bệnh lý túi mật phổ biến nhất, biểu hiện như một đợt viêm cấp tính hoặc mãn tính tại túi mật.

2.1. Viêm túi mật cấp tính

Viêm túi mật cấp tính thường do sỏi mật có gây tắc nghẽn. Đôi khi, đây cũng có thể là hệ quả của khối u hoặc các bệnh lý khác nhau.

Phần lớn các bệnh nhân thường nhập viện với một cơn đau ở phía trên bên phải hoặc phần giữa ổ bụng. Cơn đau có xu hướng xảy ra ngay sau bữa ăn và cường độ dao động từ đau nhói đến đau âm ỉ, đôi khi có khuynh hướng lan sang vai phải. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các triệu chứng đi kèm khác là sốt, buồn nôn, nôn ói và vàng da khi bệnh càng tiến triển nặng hơn.

2.2. Viêm túi mật mãn tính

Sau một vài đợt viêm túi mật cấp tính, túi mật có thể co lại và mất khả năng lưu trữ và giải phóng mật như sinh lý bình thường. Đau bụng, buồn nôn và nôn có thể xảy ra kéo dài. Phẫu thuật thường có chỉ định nhằm giải quyết triệt để những khó chịu này. Ngày nay, phẫu thuật qua ngã nội soi đã rất phổ biến, giảm thiểu xâm lấn, bệnh nhân được ra viện sớm và vết mổ cũng có độ thẩm mỹ cao.

3. Ung thư túi mật

Ngược lại với sỏi túi mật và viêm túi mật, ung thư túi mật là một bệnh tương đối hiếm. Có nhiều loại ung thư túi mật khác nhau nhưng lại có chung đặc điểm là khó điều trị, tiên lượng kém vì chúng thường không được chẩn đoán sớm cho đến khi bệnh đã vào giai đoạn tiến triển. Trong đó, sỏi mật gây viêm túi mật mạn tính là một yếu tố nguy cơ phổ biến đối với ung thư túi mật.

Ung thư túi mật có thể lan từ các thành bên trong của túi mật đến các lớp bên ngoài. Không chỉ như vậy, các tế bào ung thư có thể di chuyển ngược dòng đến gan, các hạch bạch huyết và các cơ quan khác. Các triệu chứng của ung thư túi mật có thể tương tự như viêm túi mật cấp tính nhưng đôi khi cũng không có triệu chứng nào cả.


Ung thư túi mật có thể lan từ các thành bên trong của túi mật đến các lớp bên ngoài
Ung thư túi mật có thể lan từ các thành bên trong của túi mật đến các lớp bên ngoài

4. Polyp túi mật

Polyp túi mật là lớp nội mạc bên trong lòng túi mật có các tổn thương hoặc tăng sinh bất thường. Phần lớn chúng thường lành tính và không có triệu chứng, chủ yếu phát hiện ra một cách tình cờ khi siêu âm. Tuy nhiên, polyp túi mật thường được khuyến cáo nên cắt bỏ nếu kích thước lớn hơn 1cm do khả năng chuyển dạng ung thư khá cao.

5. Áp xe túi mật

Áp xe túi mật là hậu quả sau khi túi mật bị viêm mủ kéo dài mà không được điều trị hay điều trị không đầy đủ. Dịch mủ trong khối áp xe là sự tích tụ của các tế bào bạch cầu, mô chết và vi khuẩn. Các triệu chứng có thể không chỉ đơn thuần là đau bên phải phía trên của bụng như một trường hợp viêm túi mật đơn thuần mà người bệnh còn sốt cao, lạnh run, vẻ mặt đừ, hốc hác, môi khô lưỡi dơ.

Tác nhân gây viêm thường là vi khuẩn gram âm đường ruột, có độc tính cao. Nếu không được xử lý triệt để, ổ mủ sẽ vỡ ra gây nhiễm trùng toàn bộ ổ bụng, sốc nhiễm khuẩn và nguy kịch tính mạng.

6. Vỡ túi mật

Nếu sỏi mật không được điều trị, sỏi lớn dần gây viêm mạn tính kéo dài hay viêm cấp tính dẫn đến áp xe túi mật, thành túi bị tổn thương mất tính vững chắc, hệ quả cuối cùng là gây vỡ (thủng) túi mật.

Vỡ túi mật xảy ra khiến dịch mật trong túi lan tràn khắp phúc mạc. Dịch mật vốn dĩ là các men tiêu hóa do gan sản xuất ra để tiêu hóa thức ăn, nay tiếp xúc với các nội tạng trong ổ bụng sẽ gây viêm phúc mạc hóa học. Trong trường hợp có sự hiện diện của vi khuẩn thoát ra từ lòng ruột, bệnh cảnh càng trở nên vô cùng nặng nề.

7. Túi mật sứ (vôi hóa túi mật)

Thành túi mật, theo thời gian, là một cấu trúc lý tưởng cho sự tích tụ canxi. Đây cũng là hệ quả của quá trình viêm mạn tính thời gian dài. Từ đó, thành túi mật dày lên và mất sự đàn hồi, chức năng co bóp tống xuất dịch mật giảm làm rối loạn chức năng tiêu hóa. Không chỉ như vậy, túi mật sứ cũng là một chỉ định cắt bỏ túi mật vì làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư túi mật.


Thành túi mật, theo thời gian, là một cấu trúc lý tưởng cho sự tích tụ canxi
Thành túi mật, theo thời gian, là một cấu trúc lý tưởng cho sự tích tụ canxi

8. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh túi mật?

Để chẩn đoán bệnh túi mật, bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh, đặc điểm các cơn đau hạ sườn phải cũng như các triệu chứng tiêu hóa nói chung và thực hiện kỹ thuật khám bụng.

Đồng thời, các kỹ thuật hình ảnh học thường quy giúp đánh giá tình trạng ổ bụng là hoàn toàn không thể bỏ qua. Trong đó, đóng vai trò quan trọng nhất là siêu âm bụng. Siêu âm sử dụng sóng âm thanh để phác họa lại hình ảnh bên trong ổ bụng, đặc biệt là để chẩn đoán bệnh túi mật, rất nhạy để phát hiện sỏi. Ngoài ra, siêu âm có thể đánh giá thành túi mật, polyp hoặc các khối bất thường hay không cũng như cấu trúc, nhu mô gan nói chung.

Bên cạnh đó, các xét nghiệm hình ảnh khác, chẳng hạn như chụp CT hay MRI, cũng có thể được sử dụng chẩn đoán.

Tóm lại, triệu chứng của bệnh lý túi mật nhìn chung là mơ hồ, lặp đi lặp lại ảnh hưởng cuộc sống người bệnh. Ngày nay, công tác chẩn đoán các bệnh lý tại cơ quan này như sỏi mật, viêm túi mật, ung thư túi mật hay polyp túi mật đã trở nên đơn giản hơn nhờ các phương tiện hình ảnh học. Việc còn lại là mỗi người cần trang bị những hiểu biết cần thiết để thăm khám sớm, tránh hậu quả muộn màng.

Khi nghi ngờ bản thân có các dấu hiệu của bệnh lý túi mật kể trên, bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám. Vinmec áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến giúp chẩn đoán chính xác bệnh thường gặp ở mật, như siêu âm bụng, chụp CT, MRI, nội soi mật tụy ngược dòng ERCP,... Các kỹ thuật được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ được đào tạo bài bản, kinh nghiệm khám chữa bệnh dày dặn, với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc, vật tư y tế hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, cho độ chính xác cao nhất.

Từ tháng 10/2019, Bệnh viện Vinmec Hải Phòng đón các chuyên gia đầu ngành về Tiêu hóa – Gan, mật, tụy từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đến thăm khám định kỳ bệnh lý dạ dày, thực quản, đại trực tràng, gan, lách, đường mật, tụy, rò hậu môn, sa trực tràng, sàng lọc ung thư tiêu hóa... Khi người bệnh có yêu cầu, TS.BS cao cấp Lê Văn Thành – Chủ nhiệm Khoa phẫu thuật Gan mật tụy – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sẽ trực tiếp mổ. Lịch khám vào thứ 7, lịch mổ vào ngày Chủ nhật để khách hàng dễ dàng sắp xếp thời gian cá nhân và có thêm thời gian phục hồi sau can thiệp.

Để được tư vấn chi tiết về các bệnh lý túi mật cũng như các phương pháp điều trị bệnh hiệu quả tại Vinmec, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe