Viêm loét đại trực tràng chảy máu được xem là một trong những căn bệnh phổ biến nhất liên quan đến hệ tiêu hóa. Bệnh gây ra sự tổn thương cho niêm mạc và dưới niêm mạc của đại trực tràng với vị trí chủ yếu tập trung ở phần trực tràng và giảm dần cho đến phần đại tràng phải.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đồng Xuân Hà - Phó trưởng khoa Khám bệnh và Nội khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
1. Viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh gì?
Viêm loét đại trực tràng chảy máu là một loại bệnh viêm mạn tính, có tính chất tự miễn gây ra các vết loét và vết thương chảy máu trên niêm mạc, dưới niêm mạc trực tràng và đại tràng. Sự tổn thương này thường tập trung chủ yếu ở vùng trực tràng và giảm dần cho đến đại tràng phải.
2. Nguyên nhân gây viêm loét đại trực tràng
Đại tràng là phần cuối của đường tiêu hóa chịu trách nhiệm hình thành và lưu trữ phân trước khi được đẩy ra ngoài cơ thể. Đại tràng bao gồm nhiều phần: manh tràng nối với phần cuối của ruột non; sau đó là đại tràng phải (đại tràng lên), đại tràng góc gan, đại tràng ngang, đại tràng góc lách, đại tràng trái (đại tràng xuống), đại tràng sigma, trực tràng và cuối cùng là hậu môn.
Nguyên nhân gây ra viêm loét đại trực tràng vẫn chưa được xác định rõ, nhưng được cho là có liên quan với các phản ứng miễn dịch. Cả viêm loét đại trực tràng chảy máu và bệnh Crohn được xem là các loại bệnh thuộc nhóm viêm ruột (Inflammatory Bowel Disease - IBD).
Bệnh có thể chỉ khu trú tại trực tràng trong giai đoạn đầu và lan rộng vào trong theo thời gian, gây tổn thương từ một phần của đại tràng đến cả toàn bộ đại tràng. Trong một số trường hợp, tổn thương có thể lan đến một phần của đoạn cuối ruột non. Ngoài ra, viêm loét đại trực tràng xuất hiện ở cả nam và nữ, thường là ở độ tuổi từ 15 đến 30 và từ 60 đến 70.
3. Triệu chứng của bệnh
Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện dần dần, phụ thuộc vào mức độ và vị trí tổn thương. Các triệu chứng có thể tái phát liên tục hoặc tái phát sau một khoảng thời gian từ 1 đến 2 năm hoặc thậm chí lâu hơn.
Một số biểu hiện phổ biến của bệnh bao gồm:
- Phân nhầy máu.
- Đau quặn bụng.
- Đau ở hố chậu bên trái.
- Tiêu chảy, có thể ít hoặc rất thường xuyên.
- Cảm giác cần đi đại tiện mặc dù ruột đã rỗng.
- Biểu hiện của viêm đại tràng nặng: sốt, sụt cân và da xanh xao.
Khoảng một phần ba các trường hợp viêm loét đại trực tràng chảy máu xuất hiện các triệu chứng ngoài tiêu hóa như:
- Đau khớp, viêm khớp và loãng xương.
- Ban đỏ nút, viêm loét miệng, viêm da mủ.
- Viêm màng bồ đào, xơ gan mật,...
Ở trẻ em, viêm loét đại trực tràng có thể dẫn đến tình trạng chậm phát triển.
4. Biến chứng của bệnh
Các biến chứng của viêm loét đại trực tràng chảy máu bao gồm:
- Hẹp hoặc tắc nghẽn đại tràng (tình trạng này thường phổ biến trong bệnh Crohn).
- Sự giãn đại tràng.
- Chảy máu.
- Nguy cơ mắc nhiễm trùng huyết.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
- Một số trường hợp có thể gây thủng đại tràng
Hấp thu dưỡng chất kém do viêm loét đại trực tràng cũng gây ra nhiều vấn đề, bao gồm:
- Loãng xương.
- Mất cân nặng.
- Trẻ em chậm phát triển vào tuổi dậy thì.
- Thiếu máu.
5. Điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu như thế nào?
5.1 Nguyên tắc điều trị
- Trường hợp chưa từng điều trị: Người bệnh sẽ được bắt đầu điều trị với một loại thuốc và đánh giá khả năng đáp ứng sau khoảng 10-15 ngày dựa trên các triệu chứng lâm sàng.
- Trường hợp đã điều trị hoặc có tiến triển nặng trong lúc đang điều trị: Người bệnh sẽ được bắt đầu điều trị lại bằng sự kết hợp của hai loại thuốc đã được sử dụng trước đó, cùng với một loại thuốc mới được bổ sung.
- Trường hợp đã điều trị và ngừng điều trị trong thời gian dài: Khi bắt đầu điều trị lại, người bệnh nên sử dụng một loại thuốc khác để tăng hiệu quả điều trị.
- Trường hợp tổn thương nhẹ tại trực tràng và đại tràng sigma: Người bệnh có thể được sử dụng một loạt kết hợp thuốc điều trị tại chỗ dưới dạng viên đặt hậu môn cùng với việc sử dụng thuốc thụt.
- Điều trị tấn công và điều trị duy trì.
5.2 Điều trị nội khoa
- Người bệnh nên sử dụng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ
- Truyền máu khi cần thiết: Trong trường hợp đại trực tràng bị xuất huyết nặng dẫn đến thiếu máu hoặc tụt huyết áp, truyền máu có thể được áp dụng để bù vào lượng máu đã mất.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống là một phần quan trọng của quá trình điều trị. Người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, lựa chọn thực phẩm mềm và dễ tiêu hóa. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên hạn chế các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, rau sống, đồ uống có cồn và thực phẩm cay nóng.
5.3 Chế độ dinh dưỡng và điều trị triệu chứng
Đối với các trường hợp viêm loét đại trực tràng chảy máu ở mức độ nhẹ hoặc vừa, người bệnh nên lựa chọn thức ăn mềm và hạn chế chất xơ tạm thời.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp nặng:
- Người bệnh cần tạm ngưng ăn hoàn toàn. Thay vào đó, người bệnh sẽ được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch với đạm toàn phần, dung dịch acid béo và đường. Người bệnh sẽ được đảm bảo 2500 Kcalo mỗi ngày.
- Bổ sung sắt và axit folic nếu sử dụng thuốc 5-ASA kéo dài.
- Người bệnh cần bổ sung nước điện giải.
- Trong trường hợp phân lỏng, người bệnh nên sử dụng các loại thuốc bọc niêm mạc.
- Đối với các trường hợp đau bụng, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giảm co thắt để giúp giảm đau và cải thiện tình trạng.
5.4 Điều trị ngoại khoa
Người bệnh cần phải thực hiện cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng trong các trường hợp sau:
- Đại tràng bị thủng.
- Đại tràng bị phình giãn do nhiễm độc.
- Tình trạng chảy máu ồ ạt mà không thể điều trị thành công bằng phương pháp nội khoa.
- Khi phát hiện ung thư hoặc dị sản ở mức độ nặng.
6. Lưu ý cho người bệnh
Quá trình theo dõi sức khỏe định kỳ là cực kỳ quan trọng. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của rối loạn đại tiện như phân có máu, không đều hoặc đau bụng nghiêm trọng, người bệnh nên ngay lập tức đến các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời. Tránh dẫn đến những tình trạng muộn như mất máu, đi đại tiện 2-3 ngày liền, khi đó việc điều trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn.
Người bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu nên kiểm tra định kỳ hàng 6 tháng một lần, thực hiện nội soi đại tràng, sinh thiết đại tràng và đại tràng sigma để phát hiện sớm các dấu hiệu giai đoạn đầu của ung thư.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống hàng ngày cũng rất quan trọng. Người bệnh nên ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và ít chất xơ như cơm, cháo, thịt nạc, cá, và sữa đậu nành, đồng thời tránh rau sống và bắp...
Ngoài ra, hạn chế căng thẳng cũng là yếu tố quan trọng vì căng thẳng có thể khiến bệnh trầm trọng hơn. Người bệnh hãy thư giãn, tránh sử dụng các chất kích thích và uống đủ nước. Đây cũng cách để giảm nguy cơ mắc bệnh đối với những người khỏe mạnh.
Hiện nay, viêm loét đại trực tràng chảy máu vẫn chưa có thuốc điều trị bệnh hoàn toàn, điều trị chỉ có tác dụng giảm bớt bệnh. Chính vì thế, ngoài tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ, bệnh nhân cần xây dựng một lối sống lành mạnh, giảm căng thẳng, áp dụng chế độ ăn tốt cho hệ tiêu hoá và thăm khám sức khỏe định kỳ.
Khi xuất hiện triệu chứng, mọi người cần đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt, khi tổn thương chưa lan rộng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.