Ung thư tiêu hóa chiếm tỉ lệ lớn nhất trong các căn bệnh ung thư. Bệnh lý khởi phát ban đầu với các triệu chứng không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh đường tiêu hóa thông thường làm cho người bệnh chủ quan và đến khi phát hiện ra bệnh đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy tầm soát và phát hiện sớm sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị và có nhiều lựa chọn hơn trong điều trị ung thư tiêu hóa giai đoạn sớm.
1. Vai trò của việc phát hiện ung thư tiêu hóa giai đoạn sớm
Người bệnh mắc ung thư đường tiêu hóa giai đoạn sớm thường không có triệu chứng đặc hiệu, các biểu hiện giai đoạn đầu của bệnh thường giống với các bệnh lý đường tiêu hóa thông thường làm cho người bệnh chủ quan và đến khi phát hiện ra thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Bên cạnh đó, phát hiện càng sớm ung thư ở giai đoạn đầu hoặc giai đoạn tiền ung thư sẽ giúp bác sĩ có biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả điều trị cao. Vì vậy, thực hiện khám sức khỏe tổng quát và tầm soát định kỳ hàng năm giúp phát hiện các tổn thương tiền ung thư và ung thư giai đoạn sớm là vô cùng quan trọng. Chẳng hạn như đối với người bệnh mắc ung thư đại tràng, thực hiện tầm soát ung thư định kỳ sẽ giúp phát hiện và loại bỏ các khối polyp đại tràng trước nguy cơ tiến triển thành ung thư. Bên cạnh đó thực hiện tầm soát ung thư định kỳ cũng giúp người bệnh phát hiện ung thư giai đoạn sớm, khi khối u có kích thước nhỏ, chưa xâm lấn và di căn, giúp hiệu quả điều trị được cao nhất và giảm nguy cơ tử vong.
Các cơ quan trên đường tiêu hóa đều có nguy cơ bị xâm chiếm bởi tế bào ung thư, trong đó phổ biến nhất là ung thư dạ dày và ung thư đại tràng.
2. Ung thư dạ dày giai đoạn sớm
Ung thư dạ dày giai đoạn sớm được xác định khi mức độ xâm lấn của tế bào ung thư chưa vượt qua lớp hạ niêm mạc dạ dày và chưa xuất hiện tình trạng di căn hạch. Ung thư ở giai đoạn này có tiên lượng tốt hơn so với ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển. Cùng với sự phát triển của y học, việc phát hiện sớm ung thư dạ dày dựa vào các kỹ thuật hình ảnh như nội soi phóng đại, nội soi có dải ánh sáng hẹp cho phép phát hiện sớm các tổn thương tại dạ dày.
Vậy ung thư dạ dày giai đoạn sớm thường có những biểu hiện gì? Thông thường tổn thương ung thư dạ dày giai đoạn sớm có kích thước nhỏ từ vài milimet và không quá 5 – 7cm. Những tổn thương giai đoạn đầu thường không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít đến chức năng tiêu hóa thức ăn của dạ dày, gây triệu chứng khó chịu, đau bụng cho bệnh nhân. Một số dấu hiệu của ung thư dạ dày giai đoạn sớm như đau bụng, sụt cân, chán ăn, nôn ra máu, đầy bụng... Đây là những triệu chứng không đặc hiệu và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý về tiêu hóa thông thường. Đa số người bệnh ung thư dạ dày phát hiện ra bệnh trễ hơn khoảng 6 – 12 tháng so với giai đoạn sớm của bệnh, vì vậy chỉ thông qua quá trình tầm soát ung thư định kỳ mới giúp người bệnh phát hiện được ung thư dạ dày giai đoạn sớm.
Một trong những phương pháp giúp chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn sớm hiệu quả nhất là nội soi dạ dày kết hợp sinh thiết hệ thống hoặc sinh thiết những tổn thương có nghi ngờ. Một số phương pháp nội soi dùng trong chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn sớm như sau:
- Nội soi ánh sáng thường: Sử dụng phương pháp này thì việc phát hiện những tổn thương nhỏ thường khó khăn hơn, vì vậy đòi hỏi bác sĩ phải kiểm tra toàn bộ dạ dày một cách cẩn thận, tỉ mỉ và sinh thiết những vị trí nghi ngờ. Tổn thương trên nội soi có thể là tổn thương có loét, có lõi ở trung tâm, polyp dạng lồi lên...
- Nội soi 1/4: Với phương pháp này yêu cầu bác sĩ nội soi phải quan sát và chụp ảnh theo phương pháp 1/4 dựa trên nguyên tắc chia vi trường nội soi làm 4 và mỗi lần chụp ảnh cần tập trung chụp và quan sát phần vi trường đang khảo sát.
- Các phương pháp nội soi khác: Nội soi có dải ánh sáng hẹp, nội soi huỳnh quang, nội soi nhuộm màu. Các phương pháp này giúp bổ sung cho nội soi thông thường, làm tăng độ chính xác của chẩn đoán. Tuy nhiên chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn sớm vẫn dựa vào kết quả sinh thiết làm mô bệnh học. Trong quá trình nội soi phát hiện tổn thương do loét, tiến hành lấy mảnh sinh thiết làm xét nghiệm. Vị trí và số lượng càng nhiều thì khả năng xác định được tổn thương do ung thư càng cao.
3. Ung thư đại tràng giai đoạn đầu
Ung thư đại tràng có tỉ lệ gây tử vong do ung thư cao thứ 4 trên giới sau ung thư gan, ung thư phổi và ung thư dạ dày. Tuy nhiên, người bệnh nếu được phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ chữa khỏi đạt tới 90%.
Ung thư đại tràng giai đoạn sớm thường có triệu chứng là các cơn đau âm ỉ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, cơn đau có thể kèm theo cảm giác nặng bụng. Kèm theo đó là các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như táo bón xuất hiện sau các cơn đau và việc dùng thuốc chỉ có tác dụng tạm thời. Trong nhiều trường hợp, người bệnh thường xuyên bị tiêu chảy không rõ nguyên nhân, số lần đi đại tiện có thể 4 – 5 lần mỗi ngày có kèm lẫn mủ và máu, do vậy bệnh nhân thường nhầm lẫn với tình trạng tiêu chảy cấp. Vì vậy, trong trường hợp hệ tiêu hóa bất thường với các rối loạn như các đợt đại tiện lỏng hoặc táo bón hay đại tiện lỏng xen kẽ táo bón mà từ trước tới nay chưa gặp phải, cùng với đó là tình trạng mệt mỏi, sút cân, da xanh hoặc kết hợp với hội chứng tắc ruột thì cần nghĩ đến ung thư đại tràng và thực hiện các xét nghiệm để được chẩn đoán và điều trị.
Kết quả các nghiên cứu chỉ ra rằng ung thư đại tràng ở những bệnh nhân được phát hiện tình cờ và điều trị can thiệp bằng phẫu thuật có tỉ lệ sống trên 5 năm là 82%, ngược lại trường hợp người bệnh có triệu chứng ung thư mới thăm khám và điều trị bằng phẫu thuật thì tỉ lệ trên chỉ khoảng 45%. Có nhiều phương pháp được sử dụng trong điều trị ung thư đại tràng như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị... trong đó phẫu thuật được xem là phương pháp điều trị chính hiện nay.
Phần lớn ung thư đại tràng được phát triển từ các polyp tiền ung thư. Vì vậy, thực hiện tầm soát ung thư đại tràng giúp người bệnh phát hiện và loại bỏ sớm các polyp tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm. Một số phương pháp giúp chẩn đoán và điều trị ung thư đại tràng giai đoạn sớm có thể kể đến như sau:
- Nội soi đại tràng: Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát toàn bộ niêm mạc đại tràng. Bệnh nhân cần được súc ruột sạch sẽ và không ăn uống ít nhất 6 giờ trước khi thực hiện thủ thuật. Trong trường hợp có tổn thương bất thường sẽ tiến hành sinh thiết và làm xét nghiệm mô học. Phương pháp này cho phép phát hiện tất cả các tổn thương trong đại tràng bao gồm: polyp nhỏ, polyp lớn, viêm, loét, ung thư...
- Chụp CT đại tràng: Phương pháp không xâm lấn giúp bác sĩ phát hiện các khối polyp lớn hoặc khối u trong lòng đại tràng.
- Xét nghiệm hóa miễn dịch phân (FIT) giúp phát hiện máu ẩn trong phân.
- Nội soi trực tràng – đại tràng chậu: Nội soi bằng ống mềm hoặc chụp cắt lớp vi tính trong trường hợp sức khỏe bệnh nhân không cho phép nội soi toàn bộ đại tràng.
4. Phòng tránh nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa từ chế độ sinh hoạt
Để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý về ung thư tiêu hóa, bạn nên thiết lập chế độ sinh hoạt đều đặn và hợp lý như sau:
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh như hạn chế đồ ăn chua, nóng, cay làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, giảm chế độ ăn có nhiều chất béo, tăng cường bổ sung các loại rau củ quả xanh...
- Hạn chế uống các loại đồ uống mang tính kích thích như rượu, bia, cà phê...
- Tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Cần đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán khi có các triệu chứng như đầy bụng, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân, đại tiện lỏng, phân chứa nhiều máu, thường xuyên bị táo bón hoặc tiêu chảy...
Thực hiện tầm soát ung thư tiêu hóa (dạ dày, trực tràng) định kỳ ngay cả khi không có triệu chứng bất thường nhằm giúp phát hiện tiền ung thư và ung thư tiêu hóa giai đoạn sớm. Đặc biệt là với những đối tượng có nguy cơ cao như sau:
- Độ tuổi trên 45
- Trong gia đình có người thân có tiền sử mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa như polyp đại trực tràng, ung thư đại tràng, ung thư dạ dày...
- Thường xuyên bị táo bón, đại tiện ra máu mà không rõ nguyên nhân.
- Những người có lối sống không lành mạnh như uống rượu bia nhiều, thường xuyên hút thuốc lá.
- Mắc các bệnh lý liên quan làm tổn thương đường tiêu hóa như bệnh Crohn, viêm loét đại trực tràng, viêm teo niêm mạc dạ dày...
Đối với ung thư tiêu hóa nói riêng và ung thư khác nói chung, để có tiên lượng tốt, việc điều trị bệnh triệt để ở giai đoạn sớm là yếu tố quan trọng nhất. Vì vậy, khám sàng lọc ung thư đường tiêu hoá là biện pháp khoa học và hiệu quả để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa (ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng) và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.