Ung thư là một căn bệnh nguy hiểm khiến bất kỳ bệnh nhân nào cũng đều e ngại. Do đó, tế bào gốc ung thư hình thành từ đâu hay tế bào ung thư phát triển như thế nào cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm và muốn tìm hiểu.
1. Hoạt động của tế bào
Cơ thể chúng ta được hình thành từ hàng nghìn tỷ tế bào, chúng liên kết lại với nhau để tạo ra các mô và cơ quan. Bên trong nhân của mỗi tế bào đều có gen (nhiễm sắc thể), với chức năng điều khiển tế phát triển, hoạt động, phân chia hoặc chết đi. Thông thường, đối với một cơ thể khỏe mạnh thì các tế bào sẽ luôn tuân theo sự hướng dẫn của gen.
Một nhiễm sắc thể bình thường có nhiệm vụ thông báo cho các tế bào về thời điểm thích hợp để phát triển và phân chia. Phân chia tế bào có nghĩa là tạo ra các bản sao y hệt chúng, từ một chia thành 2 tế bào giống nhau, sau đó 2 tế bào lại phân làm 4 và cứ thế tiếp diễn. Ở người trưởng thành, các tế bào thường chỉ phát triển và phân chia theo nhu cầu của cơ thể, chẳng hạn như để thay thế các tế bào cũ đã bị lão hóa hoặc tổn thương.
2. Tế bào ung thư hình thành như thế nào?
Khi DNA bị thay đổi hoặc hư hỏng có thể sẽ kéo theo quá trình đột biến gen. Các gen đột biến không còn hoạt động một cách bình thường nữa vì thứ tự vốn có của DNA đã bị đảo lộn. Lúc này, các tế bào sẽ phân chia và phát triển vượt quá tầm kiểm soát, từ đó dẫn đến ung thư.
Từ một tế bào khỏe mạnh nhưng có mang gen bị đột biến sẽ hình thành tế bào ung thư. Đột biến nhiễm sắc thể thường do di truyền hoặc xuất hiện theo thời gian khi con người già đi. Ngoài ra, gen còn bị hao mòn do tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài, bao gồm: khói thuốc lá, rượu bia hoặc tia cực tím (UV) từ mặt trời.
Ung thư có thể hình thành ở bất kỳ tế bào nào trong cơ thể và sẽ hoạt động rất khác so với một tế bào bình thường. Thay vì chết đi khi đã không còn hữu ích, tế bào ung thư lại tiếp tục phát triển và phân chia vượt khỏi tầm kiểm soát. Chúng cũng không thể trưởng thành như các tế bào khỏe mạnh khác mà vẫn ở mãi trạng thái chưa hoàn chỉnh. Mặc dù có nhiều loại ung thư khác nhau, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ việc các tế bào đang phát triển bỗng trở nên bất thường và mất kiểm soát.
Đặc điểm giúp phân biệt tế bào ung thư là gì? Tóm lại, một tế bào ung thư khác thường có những đặc điểm sau:
- Phân chia ngoài tầm kiểm soát
- Không đủ trưởng thành để thực hiện những chức năng cụ thể
- Phá hủy hệ miễn dịch
- Không tuân thủ các tín hiệu ngừng phân chia hoặc chết đi
- Mất tính liên kết và lan rộng vào các bộ phận khác của cơ thể thông qua đường máu hoặc hệ bạch huyết
- Gây tổn hại cho các mô và cơ quan.
3. Tế bào ung thư phát triển như thế nào?
Tế bào ung thư cũng có nhu cầu về oxy và chất dinh dưỡng từ máu như những tế bào bình thường khác để phát triển và tồn tại. Khi các tế bào ung thư không ngừng tăng sinh, khối u cũng dần hình thành. Một khối u nhỏ có thể dễ dàng phát triển nhờ được các mạch máu gần đó nuôi dưỡng.
Tuy nhiên khi khối u càng lớn sẽ cần nhiều nguồn máu hơn để cung cấp đủ cho tất cả tế bào ung thư tiếp tục sản sinh. Vì vậy, các mạch máu mới sẽ hình thành và giúp khối u tăng trưởng ngày một to dần. Thông qua các mạch máu này, tế bào ung thư lại xâm nhập và lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Những loại thuốc có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của mạch máu, hay còn gọi là chất ức chế tạo mạch, đang được nghiên cứu và xem xét sử dụng với hi vọng khiến khối u ngừng tăng trưởng, hay thậm chí teo nhỏ lại.
4. Tế bào ung thư xâm lấn và di căn
Khi khối u trở nên lớn hơn, các tế bào ung thư có thể lan đến các mô xung quanh bằng một lực đẩy. Tế bào ung thư cũng tạo ra các enzyme khiến những tế bào và mô khỏe mạnh khác bị phá vỡ. Ung thư xuất hiện tại các mô lân cận vị trí cũ ban đầu được gọi là tế bào ung thư xâm lấn hoặc ung thư ác tính.
Tế bào ung thư cũng có thể tiến đến các bộ phận khác ở vị trí xa hơn nơi bắt đầu khởi phát của chúng. Quá trình này được gọi là di căn. Các tế bào ung thư di căn là khi chúng tách ra khỏi khối u và di chuyển đến một khu vực mới trong cơ thể thông qua hệ thống máu hoặc bạch huyết.
Hầu hết các bệnh ung thư có xu hướng lây lan sang những cơ quan nhất định, phổ biến là hạch bạch huyết, xương, não, gan và phổi hoặc bất cứ nơi nào. Từ đặc tính này, các bác sĩ đã xây dựng khái niệm “giai đoạn” dựa trên những nơi xuất hiện tế bào ung thư trong cơ thể so với vị trí bắt đầu. Hệ thống giai đoạn thường được chia làm 4 phần, được sử dụng để phân loại mức độ xâm chiếm và lan rộng của tế bào ung thư. Trên cơ sở giai đoạn được chẩn đoán mắc ung thư, bác sĩ sẽ tiên lượng diễn biến tiếp theo của căn bệnh, cũng như lựa chọn chính xác phác đồ điều trị và chăm sóc thích hợp.
5. Ung thư tái phát
Nhiều bệnh ung thư có thể được chữa khỏi, song đôi khi chúng vẫn có thể quay trở lại ngay sau đợt điều trị hay thậm chí là nhiều năm sau đó. Bởi vì chỉ cần một tế bào ung thư còn sót lại, nhiều khả năng nó sẽ phát triển và phân chia để trở thành một khối u mới. Khối u mới này có thể hình thành tại cơ quan đã từng bị ung thư lúc trước, hoặc cũng có thể là ở một bộ phận khác khi tế bào ung thư đã lan rộng. Chính vì lý do này, các bác sĩ thường tiến hành thêm một phương pháp điều trị khác ngay sau đợt chữa bệnh ung thư lần đầu tiên, chẳng hạn như chỉ định bệnh nhân làm hóa trị sau phẫu thuật. Đây được gọi là liệu pháp bổ trợ, với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn những tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể, đề phòng ung thư tái phát.
Có trường hợp bệnh nhân trở nên kháng thuốc khiến các liệu pháp chữa trị không còn hiệu quả. Khi đó, khối u đã thu nhỏ hoặc biến mất vẫn có thể bắt đầu phát triển trở lại và ngày càng lớn hơn. Điều này xảy ra khi các gen bên trong tế bào ung thư đột biến, giúp chúng chống lại chất hóa trị và các loại thuốc khác bệnh nhân đang dùng. Một hình thức điều trị mới để thay thế sẽ được bác sĩ áp dụng đối với trường hợp này.
Xung quanh câu hỏi “Tế bào gốc ung thư hình thành từ đâu và phát triển như thế nào?”, các chuyên gia y tế cho rằng đột biến gen do di truyền hoặc tác động khách quan từ cuộc sống đóng vai trò chính. Bên cạnh đó, những thông tin liên quan đến tế bào ung thư xâm lấn và di căn cũng giúp bệnh nhân ung thư hiểu rõ hơn về căn bệnh mình đang mắc phải. Hạn chế tác động làm tổn hại đến tế bào là hỗ trợ phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh ung thư nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Cancer.ca