Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Cân nặng khi mang thai không chỉ phản ánh sức khỏe của mẹ mà còn cho thấy sự phát triển của bào thai trong tử cung. Mức tăng cân khi mang thai được ước tính dựa vào cân nặng của thai phụ trước khi mang thai.
1. Tăng cân khi mang thai như thế nào là hợp lý ?
Sự tăng cân của phụ nữ trong thai kỳ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cân nặng của thai nhi, nhau thai, nước ối, thể tích máu gia tăng, mỡ tăng, mô và dịch cơ thể tăng,...Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), sự tăng cân trong thai kỳ được ước tính dựa vào chỉ số khối lượng cơ thể BMI ( Body mass index) của người mẹ trước khi mang thai. Công thức tính BMI như sau:
Chỉ số BMI = cân nặng (kg) / [chiều cao x chiều cao] (m)
Nếu người mẹ có cân nặng bình thường trước khi mang thai (BMI khoảng 18,5 – 24,9): mức tăng cân lý tưởng của người mẹ là 10 – 12 kg, cụ thể như sau:
- 3 tháng đầu (quý I): tăng 1 kg
- 3 tháng giữa (quý II): tăng 4 - 5 kg
- 3 tháng cuối (quý III): tăng 5 - 6 kg
Nếu người mẹ nhẹ cân (BMI: <18,5): mức tăng cân nên đạt khoảng 25% so với cân nặng trước khi mang thai, thông thường là 12,7 – 18,3 kg.
Nếu trước khi mang thai mẹ bị thừa cân, béo phì (BMI từ 25 trở lên): mức tăng cân lý tưởng là 15% cân nặng trước khi mang thai, thông thường là 7-11,3 kg.
Trường hợp người mẹ mang song thai: nên tăng khoảng 16-20,5 kg.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2. Một số lưu ý giúp mẹ theo dõi cân nặng khi mang thai
Phụ nữ mang thai nên kiểm tra cân nặng đều đặn hàng tháng và liên hệ bác sĩ để được tư vấn nếu mẹ thấy dấu hiệu tăng giảm cân nặng bất thường.
- Từ tháng thứ 4 của thai kỳ, thai phụ thường tăng khoảng 1,5 – 2kg mỗi tháng, nếu tăng ít hơn 1kg hay quá 3 kg mỗi tháng mẹ cần đến gặp bác sĩ ngay vì tăng cân quá nhiều hay quá ít đều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Tăng cân quá nhiều có thể dẫn đến nguy cơ tiền sản giật, đái tháo đường, tăng tỉ lệ sinh mổ...Tăng cân quá ít cũng có thể gây ra tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai suy dinh dưỡng, tăng tỉ lệ sinh non.
- Để có mức tăng cân hợp lý, thai phụ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng. Trong suốt thai kỳ bình thường, mẹ cần tiêu thụ thêm 80.000 Kcalo tức là trong 280 ngày thì bình quân mỗi ngày cần thêm 285 Kcalo. Do vậy, mẹ phải sử dụng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng không có quá nhiều năng lượng như nước ngọt, thức ăn vặt, các thực phẩm quá nhiều dầu mỡ,...Mẹ nên lựa chọn các loại thực phẩm dinh dưỡng, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thai phụ cũng đừng quên bổ sung các loại rau của quả vì chúng không chỉ giàu giá trị dinh dưỡng mà còn cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết cho quá trình hình thành và phát triển của bào thai.
- Thai phụ cũng cần có nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, lo lắng. Ngoài ra, cũng cần hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và những gia vị cay nóng.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.