Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu: Chỉ định, cách thức thực hiện

Bài viết của Thạc sĩ – Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà – Bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu dùng để đo nồng độ ethanol trong cơ thể. Xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng trong trường hợp cần kiểm tra nồng độ cồn của lái xe khi tham gia giao thông hoặc người đang điều trị kiêng rượu bia.

1. Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu là gì?

Các đồ uống có chứa cồn (trong đó có rượu bia) chứa chất ethanol. Ethanol nạp nhiều vào cơ thể sẽ khiến hoạt chất acetaldehyde tăng cao và tích tụ trong máu, rất độc hại cho cơ thể, ảnh hưởng đến thể lực, khả năng tư duy, trí tuệ, khả năng lao động. Trong các hoạt chất chuyển hóa của rượu thì acetaldehyde độc hại nhất vì có khả năng gây đột biến ADN và gây ung thư, đặc biệt là ung thư thực quản. Ở một số người, khi acetaldehyde tích tụ trong máu sẽ gây nên cảm giác nóng bừng, đỏ mặt, nôn mửa và tim đập nhanh.

Sau khi một người uống rượu, Ethanol di chuyển nhanh chóng từ đường tiêu hóa - chủ yếu là dạ dày - và được hấp thụ vào máu. Nồng độ cồn trong máu tiếp tục tăng trong 30 đến 90 phút sau khi uống, mức cao nhất thường là khoảng một giờ. Nếu uống rượu cùng với ăn thức ăn thì thức ăn trong dạ dày sẽ làm tăng thời gian nồng độ cồn trong máu đạt đến mức này.

Khoảng 90% rượu được phân hủy tại gan, phần còn lại được đào thải khỏi cơ thể qua đường nước tiểu và hơi thở. Mỗi giờ, gan chỉ xử lý được lượng tương đương với 354ml bia, 148ml rượu vang hoặc 44ml rượu whisky. Nếu một người uống rượu bia nhanh hơn mức gan của người đó có thể xử lý sẽ gây ra cảm giác say, làm suy yếu hệ thống thần kinh trung ương. Say dẫn đến các thay đổi về hành vi và suy giảm khả năng phán đoán. Tác động của rượu có thể khác nhau ở mỗi người tùy thuộc vào tuổi tác, cân nặng, lượng thức ăn trước khi uống cùng một số yếu tố khác.

Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu chính là đo ethanol. Máy đo nồng độ cồn qua hơi thở thường được sử dụng trong kiểm tra nhanh nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, kết quả đo của này không chính xác bằng đo nồng độ cồn trong máu.

2. Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu để làm gì?

Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu có thể được sử dụng với các mục đích sau:

2.1. Kiểm tra nồng độ cồn trong máu của người tham gia giao thông

Tại Mỹ, nồng độ cồn trong máu ở ngưỡng giới hạn là 0.08% (0,08 g/dL, 80 mg/dL hoặc 17 mmol/L) đối với người từ 21 tuổi trở lên. Người dưới 21 tuổi có sử dụng cồn không được tham gia giao thông.

2.2. Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu ở những đối tượng nào?

Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu có thể được chỉ định với lái xe nghi trong tình trạng say rượu hoặc có các biểu hiện của say rượu như:

  • Khó giữ thăng bằng
  • Nói lắp
  • Phản xạ chậm
  • Buồn nôn và nôn
  • Tính khí thất thường
  • Giảm khả năng phán đoán

Ngoài ra, xét nghiệm nồng độ cồn trong máu còn được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu với các triệu chứng:

2.3.Các trường hợp khác chỉ định xét nghiệm cồn trong máu

  • Kiểm tra nồng độ cồn trong máu tại cộng đồng.
  • Kiểm tra nồng độ cồn trong máu của người bệnh được chỉ định kiêng uống rượu trong thời gian thực hiện các liệu pháp điều trị.
  • Kiểm tra nồng độ cồn trong máu ở người bị ngộ độc rượu, có thể gây đe dọa tính mạng nếu nồng độ cồn tăng lên ngưỡng rất cao.

Lưu ý: Thanh thiếu niên có ngưỡng cồn thấp hơn nên dễ bị ngộ độc rượu hơn người lớn. Ngưỡng uống bia rượu được khuyến cáo là nên giới hạn ở mức 4 ly với phụ nữ và 5 ly với nam giới trong khoảng thời gian 2 giờ.

Trẻ nhỏ có thể bị ngộ độc rượu khi uống các sản phẩm có chứa cồn như nước súc miệng, nước rửa tay, nước hoa, một số loại thuốc xịt toàn thân và một số loại thuốc cảm, thuốc ho và thuốc điều trị dị ứng.

3. Thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu thế nào?

Thời gian làm xét nghiệm có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả. Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu chỉ chính xác trong vòng 6-12 giờ sau lần uống rượu cuối cùng.

Người bệnh không cần chuẩn bị đặc biệt cho xét nghiệm nồng độ cồn trong máu. Điều dưỡng sẽ lấy mẫu máu tĩnh mạch trên cánh tay người bệnh sau khi sát khuẩn bằng Povidone-iodin. Quá trình lấy máu thường không kéo dài quá 5 phút. Sau khi lấy đủ, máu sẽ được đưa vào ống nghiệm và đưa đến phòng xét nghiệm ngay để tiến hành phân tích.

Có rất ít rủi ro khi thực hiện xét nghiệm máu. Bạn có thể bị đau nhẹ hoặc bầm tím tại chỗ lấy máu, nhưng hầu hết các triệu chứng sẽ biến mất nhanh chóng.

4. Cách đọc kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu

Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu có thể được cung cấp theo nhiều cách khác nhau, nhưng trong đó sẽ có chỉ số phần trăm nồng độ cồn trong máu (BAC - Blood Alcohol Concentration) với các mô tả sau:

  • Tỉnh táo: 0% BAC (0,00 g / dL)
  • Có thể cảm thấy hơi ù tai, nhưng không gặp khó khăn khi nói, nhìn hoặc giữ thăng bằng: 0.001–0.029% BAC (0,03 g / dL)
  • Cảm thấy ù tai, suy giảm khả năng phán đoán, hành vi khoa trương, có cảm giác hưng phấn nhẹ, nói nhiều: 0.030–0.059 % BAC (0,05 g / dL)
  • Say rượu trong phạm vi cho phép, có thể gặp khó khăn khi giữ thăng bằng, nói chuyện và nhìn thẳng. Nếu thường xuyên uống rượu, có thể không có bất kỳ triệu chứng nào vào thời điểm này, nhưng tổn thương não và gan vẫn đang xảy ra: 0.08% BAC (0,08 g / dL)
  • Suy giảm khả năng phán đoán, giảm chú ý, đi lại khó khăn và thay đổi tâm trạng thất thường: 0.1 % BAC (0,10 g / dL)
  • Xuất hiện hiện tượng "say xỉn", nôn mửa, lú lẫn, đi loạng choạng: 0.2% BAC (0,20 g / dL)
  • Ngơ ngẩn, bất tỉnh: 0.3% BAC (0,30 g / dL)
  • Có nguy cơ bị các biến chứng nặng, hôn mê hoặc có thể tử vong: ≥ 0.4% (0,40 g / dL).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe