Dây thần kinh mác là một dây thần kinh quan trọng chi phối vận động và cảm giác vùng chi dưới. Tổn thương thần kinh mác có thể gây ra do nhiều nguyên nhân và bệnh lý khác nhau. Điều trị dây thần kinh mác cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm sử dụng thuốc điều trị triệu chứng, tập phục hồi chức năng khôi phục sức cơ và tầm vận động, điều trị giải quyết nguyên nhân bên dưới.
1. Tổng quan về tổn thương thần kinh mác
Thần kinh mác là một nhánh của dây thần kinh đùi, chi phối vận động và cảm giác cho khu vực cẳng chân và bàn chân. Dây thần kinh đùi đi xuống bờ trên của hố trám khoeo, chia thành hai nhánh chính, bao gồm thần kinh mác và thần kinh chày. Dây thần kinh mác từ chỗ phân chia vòng ra ngoài quanh đầu trên của xương mác, đến mặt trước ngoài cẳng chân chia hai nhánh lớn gồm có dây thần kinh mác nông và dây thần kinh mác sâu. Dây thần kinh mác chịu trách nhiệm chi phối vận động nhóm cơ duỗi bàn chân và chi phối cảm giác vùng da phía ngoài cẳng chân, mu chân, cổ chân và gót chân.
Nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây tổn thương thần kinh mác như viêm nhiễm, chèn ép hoặc đứt dây thần kinh mác do chấn thương. Khi đó, các vùng vận động và cảm giác của dây thần kinh mác không còn được đảm bảo chức năng. Người bị tổn thương thần kinh mác có dáng đi đặc trưng mang tên “bàn chân rủ” do nhóm cơ duỗi và nghiêng ngoài cổ chân bị liệt, bàn chân ở trong tư thế gập về phía gan không hoàn toàn, đi kèm với mất cảm giác vùng phía ngoài cẳng chân, mu chân và cổ chân, gót chân.
2. Nguyên nhân tổn thương thần kinh mác
Tổn thương thần kinh mác do nhiều nguyên nhân và bệnh lý toàn thân khác nhau gây ra. Một số có thể được liệt kê bên dưới như:
- Tổn thương tủy sống, thường thấy ở cả đoạn tủy sống cao và thấp
- Bệnh lý xơ cứng cột bên teo cơ
- Bệnh đa xơ cứng
- Chấn thương gãy xương cẳng chân hoặc tổn thương khớp gối gây chèn ép dây thần kinh mác tại một vị trí
- Vật sắc nhọn hoặc vết thương hỏa khí gây chấn thương trực tiếp lên dây thần kinh mác
- Biến chứng của can thiệp hay phẫu thuật như thay khớp háng, bó bột xương cẳng chân hoặc các phẫu thuật tại khớp gối.
3. Dấu hiệu nhận biết tổn thương thần kinh mác
Một bệnh nhân tổn thương thần kinh mác sẽ có các biểu hiện lâm sàng của tình trạng rối loạn vận động và cảm giác vùng dây thần kinh chi phối, kết hợp với các triệu chứng giúp gợi ý nguyên nhân gây tổn thương thần kinh mác. Nhận biết một trường hợp tổn thương thần kinh mác có thể dựa vào các dấu hiệu sau:
- Quan sát thấy bàn chân bên tổn thương ở tư thế rủ, gọi là bàn chân rủ. Triệu chứng này xảy ra là do nhóm cơ chi phối động tác gấp bàn chân về phía mu bị liệt, bàn chân luôn trong trạng thái gấp không hoàn toàn về phía mặt gan. Do đó, người bệnh tổn thương thần kinh mác thường gặp khó khăn trong việc đi lại, bàn chân được nhấc cao hơn mặt đất để tránh va chạm, gọi là dáng đi tầng nấc hoặc lê bàn chân trên sàn gọi là dáng đi quét bàn.
- Không thực hiện được động tác duỗi các ngón chân
- Bàn chân bên phía tổn thương thần kinh mác không xoay được ra ngoài
- Rối loạn hoặc mất cảm giác phía ngoài cẳng chân, mặt mu bàn chân và cổ chân.
- Triệu chứng đau xuất hiện ở mặt ngoài cẳng chân và phía mu chân. Đau có thể xuất phát từ vùng thắt lưng nếu nguyên nhân tổn thương thần kinh mác có liên quan đến rễ thần kinh L5.
- Dấu hiệu rối loạn dinh dưỡng: khô da, teo cơ phía ngoài mặt trước của cẳng chân.
- Một số dấu hiệu gợi ý nguyên nhân như: biến dạng cẳng chân nếu có gãy đầu xương mác, biểu hiện tại chỗ khi nghi ngờ các tổn thương tại khớp gối, vết thương hở có hoặc không có dị vật hoặc do hỏa khí, ...
4. Các biện pháp chẩn đoán tổn thương thần kinh mác
Chẩn đoán một trường hợp bị tổn thương thần kinh mác cần dựa vào sự phối hợp giữa các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Biểu hiện lâm sàng khi có tổn thương thần kinh mác là các rối loạn vận động, bất thường cảm giác và những rối loạn dinh dưỡng ở vùng chi phối của dây thần kinh mác từ phía ngoài cẳng chân đến mu bàn chân và cổ chân. Các phương tiện cận lâm sàng giúp chẩn đoán nguyên nhân và xác định có tổn thương thần kinh mác, thường được dùng trên lâm sàng gồm:
- Xquang xương cẳng chân, khớp gối giúp phát hiện tình trạng gãy xương và dự đoán mức độ chèn ép lên thần kinh mác.
- Chụp cộng hưởng từ cột sống giúp phát hiện các tình trạng bệnh lý ở đốt sống và vùng tủy tương ứng, hoặc các tổn thương rễ thần kinh, thường thấy nhất là rễ L5.
- Đo điện cơ đồ phát hiện rối loạn trong dẫn truyền các tín hiệu thần kinh cơ ở nhóm cơ duỗi bàn chân hay duỗi các ngón chân, là những cơ chịu sự chi phối của dây thần kinh mác.
5. Điều trị dây thần kinh mác
Điều trị dây thần kinh mác cần tập trung vào hai mục tiêu: Cải thiện triệu chứng và giải quyết nguyên nhân. Từ đó, nguyên tắc điều trị dây thần kinh mác bao gồm:
- Kiểm soát triệu chứng đau
- Phục hồi khả năng vận động của cẳng chân, bàn chân và cổ chân
- Lấy lại được khả năng thực hiện các động tác, và các thao tác hằng ngày như đi lại trên mặt phẳng, bước lên xuống bậc thang
- Kích thích phục hồi các đường dẫn truyền thần kinh mác
- Điều trị đặc hiệu giải quyết nguyên nhân nếu có thể.
Phương pháp điều trị dây thần kinh mác khá đa dạng và cần được phối hợp, được chia thành hai nhóm lớn là điều trị nội khoa bằng thuốc và các biện pháp điều trị không thuốc. Bác sĩ chỉ định các loại thuốc giảm đau kháng viêm thông thường như paracetamol, tramadol, nhóm thuốc NSAID. Các loại thuốc này thường chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn khi xuất hiện triệu chứng đau, không được lạm dụng, nhất là khi sử dụng thuốc NSAID ở những bệnh nhân lớn tuổi với nhiều bệnh lý nền. Ngoài ra, các loại thuốc hỗ trợ phục hồi các hoạt động dẫn truyền thần kinh như vitamin nhóm B, thuốc hướng thần kinh như uridine, cytidine. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc hoặc thay đổi liều khi không có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.
Tổn thương thần kinh mác còn có thể được hỗ trợ điều trị bởi các phương pháp không dùng thuốc từ vật lý trị liệu như
- Điều trị nhiệt bằng hồng ngoại, sáp hoặc trường nhiệt các vùng tổn thương giúp giảm đau.
- Châm cứu, kết hợp xoa bóp hoặc thủy châm
- Điện phân giảm đau
- Siêu âm dẫn thuốc theo xung đến vùng tổn thương
- Điện xung kích thích phục hồi hoạt động dẫn truyền thần kinh cơ
- Tập luyện các bài tập vận động thụ động để cải thiện tầm vận động, tăng dần lên các bài tập có trở kháng giúp cải thiện sức cơ.
Ngoài ra, nếu thần kinh mác bị tổn thương đứt lìa do chấn thương, phẫu thuật sẽ là phương pháp được áp dụng giúp nối dây thần kinh. Khi đó trước khi bắt đầu luyện tập phục hồi chức năng, người bệnh cần được bất động vùng cẳng bàn chân trong ít nhất 3 tuần đầu tiên sau can thiệp.
6. Dự phòng tổn thương thần kinh mác
Dây thần kinh mác là một dây thần kinh quan trọng ở vùng chi dưới vì thế tổn thương thần kinh mác nên được dự phòng bằng những biện pháp sau đây:
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các bệnh lý toàn thân gây tổn thương dây thần kinh như đái tháo đường, u thần kinh, bệnh phong
- Luôn nâng cao tính an toàn trong công việc, tránh những chấn thương hoặc tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn lao động và mang đồ bảo hộ khi đang làm việc.
- Thiết lập và duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các thực phẩm giàu các nhóm vitamin nhóm B
- Rèn luyện sức khỏe bằng cách luyện tập thể dục thể thao đều đặn
- Khi gặp các tổn thương liên quan từ khớp gối đến bàn chân, người bệnh không nên tự ý điều trị mà cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và dự phòng các biến chứng, trong đó có thể tổn thương thần kinh mác.
Video đề xuất:
Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!
XEM THÊM
- Đau thần kinh và tổn thương thần kinh
- Hội chứng liệt hai chi dưới do tổn thương tủy sống
- Tổn thương thần kinh do hóa trị