Tìm hiểu về hội chứng Allan-Herndon-Dudley

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Hội chứng Allan-Herndon-Dudley là thuật ngữ chỉ tình trạng rối loạn phát triển não dẫn đến khuyết tật trí tuệ và khó khăn trong vận động. Đây là một hội chứng hiếm gặp xảy ra ở giai đoạn bào thai, trong đó nam giới có tần suất mắc bệnh cao hơn nữ giới. Có khoảng 25 gia đình có thành viên mắc hội chứng Allan-Herndon-Dudley được ghi nhận trên toàn thế giới.

1. Hội chứng Allan-Herndon-Dudley là gì?

Allan-Herndon-Dudley là tên gọi của một hội chứng di truyền trên nhiễm sắc thể giới tính X hiếm gặp. Bệnh đặc trưng với các rối loạn phát triển não bộ dẫn đến sự khuyết tật trí tuệ ở mức độ vừa đến nghiêm trọng, cũng như các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ và vận động. Hội chứng Allan-Herndon-Dudley được ghi nhận chủ yếu ở nam giới do đặc điểm di truyền trên nhiễm sắc thể giới tính X. Người mẹ bình thường mang gen bệnh có thể truyền sang cho cả con trai và con gái, tuy nhiên vì chỉ có 1 nhiễm sắc thể X nên nam giới thường dễ biểu hiện bệnh.

Hội chứng Allan-Herndon-Dudley được đặt tên theo ba nhà khoa học William Allan, Florence C. Dudley và C. Nash Hemdon. Nguyên nhân gây bệnh được cho là sự đột biến gen quy định vận chuyển hóc môn tuyến giáp MCT8 (còn gọi là SLC16A2). Điều này khiến cho các hóc môn tuyến giáp không đi vào hệ thần kinh trung ương, nơi phụ thuộc vào các tín hiệu từ tuyến giáp để hoạt động và phát triển bình thường.

Down
Trẻ có thể bị khuyết tật trí tuệ nghiêm trọng khi mắc hội chứng Allan-Herndon-Dudley

Đa số trẻ em mắc hội chứng Allan-Herndon-Dudley đều biểu hiện tình trạng giảm trương lực cơ và sự thiểu sản của nhiều nhóm cơ khác nhau trong cơ thể. Khi lớn lên, những đứa trẻ này tiếp tục đối diện với tình trạng biến dạng khớp theo kiểu co rút và gây giới hạn vận động của nhiều khớp. Co cứng cơ bất thường, yếu cơ, cử động tự ý của tay và chân cũng là những vấn đề liên quan đến hệ vận động và cản trở khả năng di chuyển của người bệnh. Vì thế, nhiều người mắc hội chứng Allan-Herndon-Dudley không thể tự đi như người bình thường và có cuộc sống phụ thuộc xe lăn.

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng Allan-Herndon-Dudley

Đột biến tại gen SLC16A2 là nguyên nhân gây ra hội chứng Allan-Herndon-Dudley. Gen SLC16A2, còn gọi là MCT8, là gen quy định việc sản xuất một loại protein đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hóc môn tuyến giáp vào bên trong tế bào thần kinh, vì thế ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh trung ương. Hóc môn tuyến giáp là thành phần thiết yếu thúc đẩy sự hình thành và phát triển của tế bào thần kinh, cũng như sự liên kết tín hiệu giữa chúng. Ngoài ra, các hooc môn tuyến giáp còn có nhiệm vụ điều hoà sự trưởng thành của các hệ cơ quan khác và kiểm soát các phản ứng hoá học xảy ra bên trong cơ thể.

Các đột biến gen thay đổi cấu trúc và chức năng của protein SLC16A2. Do đó, protein này không thể vận chuyển hóc môn tuyến giáp vào bên trong tế bào thần kinh. Sự thiếu hụt hóc môn bên trong những cấu trúc nhất định của não bộ cản trở sự phát triển bình thường và gây ra khuyết tật trí tuệ cùng với những vấn đề liên quan đến hệ vận động. Ngoài ra, lượng hóc môn tuyến giáp cũng sẽ trở nên dư thừa và tăng cao trong máu của người bệnh. Tình trạng tăng hóc môn tuyến giáp có thể có hại với một số cơ quan và gây ra các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của hội chứng Allan-Herndon-Dudley.

Đột biến gen
Đột biến gen là một nguyên nhân gây ra hội chứng Allan-Herndon-Dudley

3. Các dấu hiệu nhận biết hội chứng Allan-Herndon-Dudley

Triệu chứng lâm sàng của hội chứng Allan-Herndon-Dudley khá đa dạng, đặc trưng bởi các tổn thương ở hệ thần kinh trung ương và hệ vận động. Ước tính có khoảng 80 % đến 99% người mắc hội chứng Allan-Herndon-Dudley có đầu nhỏ do giảm đường kính lưỡng đỉnh, mất điều hoà động tác, các bất thường ở vùng cổ và chứng mất ngôn ngữ. Hạn chế phát triển nhiều nhóm cơ và giảm trương lực cơ là hai triệu chứng phổ biến ở những đứa trẻ mắc hội chứng Allan-Herndon-Dudley. Sau đó, các khớp trở nên biến dạng theo kiểu co rút, dẫn đến giới hạn vận động khớp. Triệu chứng này xuất hiện ở giai đoạn muộn và phổ biến ở những bệnh nhân lớn tuổi. Các biểu hiện khác có thể gặp là dấu hiệu co cứng cơ bất thường, yếu cơ, và các cử động tự ý của tay và chân, dẫn đến giới hạn vận động và đi lại của người bệnh. Nhiều bệnh nhân với hội chứng Allan-Herndon-Dudley không thể tự di chuyển và phải sống đời sống phụ thuộc xe lăn ngay từ thời thanh thiếu niên.

4. Đặc điểm di truyền của hội chứng Allan-Herndon-Dudley

Hội chứng Allan-Herndon-Dudley là một rối loạn di truyền lặn trên nhiễm sắc thể giới tính X. Điều này đồng nghĩa với việc đột biến gen gây bệnh nằm trên nhiễm sắc thể X, một trong hai nhiễm sắc thể giới tính của con người. Bởi vì nam giới chỉ có một nhiễm sắc thể X trong bộ nhiễm sắc thể nên chỉ một gen bất thường xuất hiện ở nhiễm sắc thể X có thể đủ gây ra bệnh. Trong khi đó, nữ giới có hai nhiễm sắc thể X trong bộ nhiễm sắc thể, đột biến gen phải xuất hiện ở cả hai nhiễm sắc thể mới có thể biểu hiện bệnh. Tóm lại, nam giới là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các hội chứng di truyền trên nhiễm sắc thể giới tính X.

hội chứng Allan-Herndon-Dudley
Đột biến gen trên nhiễm sắc thể X là một đặc điểm di truyền của hội chứng Allan-Herndon-Dudley

Trong kiểu di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể X, người mẹ bình thường mang gen lặn có thể di truyền cho thế hệ sau. Người mẹ lúc này hoàn toàn bình thường, không biểu hiệu bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào của hội chứng Allan-Herndon-Dudley, có trí thông minh bình thường và không trải qua các khó khăn trong việc di chuyển. Một số người lành mang gen bệnh thường được chẩn đoán mắc phải các bệnh lý tuyến giáp mặc dù không có đầy đủ bằng chứng về việc có mối liên quan với đột biến gen SLC16A2 trong các trường hợp bệnh này.

5. Các phương pháp điều trị hội chứng Allan-Herndon-Dudley

Hội chứng Allan-Herndon-Dudley là một hội chứng hiếm gặp và còn nhiều khó khăn về các phương pháp điều trị. Vào tháng 5 năm 2013, FDA của Mỹ công nhận diiodohydro propionic axit (DITPA) là thuốc điều trị sự thiếu hụt MCT8, tuy nhiên việc sử dụng vẫn còn nhiều hạn chế.

Hiện nay, chưa có phác đồ điều trị cụ thể cho hội chứng Allan-Herndon-Dudley. Nhiều giả thuyết đưa ra rằng triiodo thioacetate (TRIAC) – một loại hóc môn giáp tự nhiên – có hiệu quả trong việc điều trị hội chứng Allan-Herndon-Dudley. Năm 2014, một trường hợp bệnh được báo cáo có sự cải thiện đáng kể về nhận thức và vận động khi được chỉ định sử dụng TRIAC từ giai đoạn sớm. Ngày nay, các hiệu quả của thuốc TRIAC vẫn còn đang được tiến hành nghiên cứu. Bên cạnh đó, để cải thiện chất lượng sống của người bệnh, nhiều liệu pháp cần được phối hợp bao gồm trị liệu ngôn ngữ, vật lý trị liệu và trị liệu nghề nghiệp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: en.wikipedia.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

503 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan