Tìm hiểu về cấu tạo tuyến giáp

Được viết bởi Bác sĩ nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Tuyến giáp là một bộ phận rất nhỏ nằm phía trước cổ, phía trước là da và cơ thịt, phía sau là khí quản. Trọng lượng tuyến giáp khoảng 10-20 gram, cấu tạo gồm 2 thùy phải, thùy trái và 1 eo tuyến nối 2 thùy lại với nhau. Là tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể với chức năng chính là bài tiết các hormon T3 và T4. Quá nhiều hormone sẽ gây cường giáp, ngược lại, quá ít hormone gây nhược giáp.

1.Nhân độc tuyến giáp là gì?

Bệnh u độc tuyến giáp hay còn gọi là bệnh Plummer, trong bệnh này bướu giáp là một bướu thể nhân nhu mô cường chức năng, tiết ra quá nhiều hormon giáp gây nhiễm độc cơ thể.

Biểu hiện bệnh thường là có bướu giáp nhân (bướu nhân đơn độc) kèm theo tình trạng nhiễm độc giáp, nổi bật là các triệu chứng về tim mạch (mạch nhanh loạn nhịp tim, suy tim)

Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi (60 - 70 tuổi) tiền sử có bướu giáp và có tính chất gia đình.

2. Chẩn đoán nhân độc tuyến giáp được thực hiện như thế nào?

Nhân tuyến giáp nhìn chung không gây ra các triệu chứng. Một số do tăng tiết nhiều hormone sẽ có biểu hiện hội chứng cường giáp. Cách tốt nhất để tìm nhân tuyến giáp là khám vùng cổ, siêu âm tuyến giáp.

Các xét nghiệm ban đầu có thể gồm xét nghiệm hormon tuyến giáp (Thyroxine, hoặc T4) và hormone kích thích tuyến giáp (TSH) trong máu để xác định xem tuyến giáp có hoạt động bình thường hay không. Nhân tuyến giáp có thể sản xuất ra một lượng quá thừa hormon giáp gây cường giáp

Vì không thể xác định được nhân tuyến giáp có phải nhân ung thư hay không qua khám lâm sàng và xét nghiệm máu, nên việc đánh giá nhân tuyến giáp thường bao gồm các xét nghiệm đặc biệt như siêu âm và chọc tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ.

2.1 Tìm hiểu kỹ thuật siêu âm tuyến giáp

Siêu âm tuyến giáp đánh giá kích thước của nhân, giúp xác định các nhân quá nhỏ không sờ thấy khi khám lâm sàng. Siêu âm có thể giúp gợi ý các đặc điểm nhân nghi ngờ ung thư. Siêu âm cũng có thể được sử dụng để định hướng kim chính xác trực tiếp vào nhân khi chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ. Siêu âm tuyến giáp có thể được sử dụng để theo dõi các nhân tuyến giáp không cần phẫu thuật, từ đó xác định xem chúng đang phát triển hay thu nhỏ theo thời gian. Siêu âm là một kỹ thuật không xâm lấn, có thể sử dụng nhiều lần.


Siêu âm tuyến giáp giúp bác sĩ đánh giá tình trạng tuyến giáp
Siêu âm tuyến giáp giúp bác sĩ đánh giá tình trạng tuyến giáp

2.2 Chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ (FNA)

Chọc tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ là thủ thuật đơn giản, đôi khi các loại thuốc như thuốc chống đông máu có thể cần phải ngừng vài ngày trước khi tiến hành thủ thuật. Ngoài ra, thủ thuật thường không yêu cầu bất kỳ sự chuẩn bị đặc biệt nào khác (không cần nhịn ăn). Bệnh nhân thường có thể về nhà hoặc đi làm sau khi sinh thiết mà không cần băng vết thương.

Đối với sinh thiết bằng kim nhỏ, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim rất mỏng để hút các tế bào từ nhân tuyến giáp, các tế bào được soi dưới kính hiển vi để đánh giá bởi bác sĩ giải phẫu bệnh. Kết quả chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ (FNA) thường chỉ ra điều dưới đây:

  • Nhân lành tính: Kết quả này chiếm 80% các trường hợp sinh thiết. Nguy cơ bỏ sót ung thư khi sinh thiết là lành tính thường ít hơn 3%. Điều này thậm chí còn thấp hơn khi sinh thiết được xem xét bởi một bác sĩ giải phẫu bệnh có kinh nghiệm tại một trung tâm y tế lớn. Nói chung, nhân giáp lành tính không cần cắt bỏ trừ khi chúng gây ra các triệu chứng như nghẹn hoặc khó nuốt. Siêu âm để theo dõi tiếp theo rất quan trọng, đôi khi, có thể cần sinh thiết lại, đặc biệt nếu nhân phát triển theo thời gian.
  • Nhân ác tính hoặc nghi ngờ ác tính: Kết quả là ác tính chiếm khoảng 5% số ca sinh thiết và thường là do ung thư thể nhú, là loại ung thư tuyến giáp phổ biến nhất. Sinh thiết nghi ngờ có 50-75% nguy cơ ung thư. Kết quả này yêu cầu phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ nội tiết và bác sĩ phẫu thuật.
  • Nhân không xác định: Đây là một nhóm gồm một số chẩn đoán có thể xảy ra trong 20% trường hợp. Kết quả không xác định có nghĩa là mặc dù đã lấy đủ số lượng tế bào trong quá trình sinh thiết bằng kim nhỏ, việc kiểm tra bằng kính hiển vi không thể phân loại một cách đáng tin cậy kết quả là lành tính hay ung thư.

Sinh thiết có thể không xác định được, vì nốt này được mô tả như một tổn thương dạng nang, nguy cơ ung thư đến 20 - 30%. Tuy nhiên, chẩn đoán chỉ có thể được xác định khi phẫu thuật. Khi xác định nhân không phải ung thư bằng phẫu thuật, thường chỉ cắt bỏ phần tuyến giáp có nhân. Nếu phát hiện ung thư, cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.

Sinh thiết cũng có thể không xác định được vì các tế bào từ nhân giáp có những đặc điểm không thể xếp vào một trong các loại chẩn đoán. Chẩn đoán này được gọi là atypia (tế bào rỗng), hoặc một tổn thương nang không xác định. Các chẩn đoán trong danh mục này hiếm khi có ung thư, vì vậy nên đánh giá lại với chọc hút tế bào bằng kim nhỏ hoặc sinh thiết tức thì khi phẫu thuật để cắt bỏ một nửa tuyến giáp có chứa nhân.


Chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ (FNA)
Chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ (FNA)

3. Kết quả sinh thiết có thể không đủ điều kiện để chẩn đoán

Kết quả này gặp trong ít hơn 5% trường hợp khi siêu âm được dùng để thực hiện FNA. Kết quả chỉ ra rằng không đủ tế bào được lấy để chẩn đoán nhưng thường gặp khi nhân dạng nang. Những nhân này thường cần đánh giá lại bằng FNA lần 2 hoặc phẫu thuật cắt bỏ theo đánh giá lâm sàng của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe